“Classical Music with a Twist”: Nhạc cổ điển cũng đầy bất ngờ

0
219
Các nhạc công với bản giao hưởng “Từ biệt”.

Công chúng đam mê điện ảnh chẳng còn lạ lẫm với những cú plot twist (nút thắt cốt truyện) không thể đoán định thường được khéo léo đan cài ở những phút cuối như một yếu tố then chốt mang tính quyết định làm nên sức hút và sự thành công của những bộ phim. Nhưng twist trong âm nhạc, mà lại tồn tại trong những tác phẩm cổ điển ra đời cả trăm năm trước thì đúng là nằm ngoài sức tưởng tượng của số đông khán giả yêu nhạc.

Không phải lúc nào cũng khoác trên mình bộ cánh “kinh điển”, “học thuật” hay “trang nhã và nghiêm cẩn”, âm nhạc cổ điển có khi đậm đặc sắc màu hài hước, có khi dũng cảm phá cách với những thử nghiệm sáng tạo không giới hạn và cũng có khi kiên trì dẫn dụ rồi tạo ra điểm ngoặt bất ngờ khiến khán thính giả vô cùng phấn khích. Đó cũng là bức thông điệp mà Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời (Sun Symphony Orchestra) mong muốn chuyển tải, qua chương trình hòa nhạc độc đáo vừa diễn ra tối 31/5 tại Nhà hát Hồ Gươm với tựa đề rất thú vị Classical Music with a Twist.

Trong thời lượng hai tiếng đồng hồ, Giám đốc âm nhạc – Nhạc trưởng Olivier Ochanine đã gói ghém cả một nhạc mục dày dặn, bao gồm bản giao hưởng của nhà soạn nhạc thiên tài F.J. Haydn, phần nhạc nền cho vở ballet ngắn của tác giả Darius Milhaud và một câu chuyện kể bằng âm nhạc được lứa tuổi thiếu nhi đặc biệt yêu thích của nhạc sĩ Nga S. Prokofiev. Ba tên tuổi sáng tác – ba thời kỳ – ba thể loại hoàn toàn khác nhau nhưng gặp nhau ở một điểm chung, chúng đều in đậm dấu ấn đầu tiên và duy nhất – trong những tìm tòi phá cách đầy hứng khởi sáng tạo ở thời điểm ra đời.

Bất ngờ lớn nhất đến từ chương cuối của tác phẩm mở màn. Trên sân khấu là dàn nhạc với quy mô khiêm tốn, chắc khoảng gần 20 nhạc công gồm dàn dây cùng oboe, bassoon và 2 horn. Nguồn sáng được điều chỉnh tối dần, chỉ còn những ngọn nến trên các giá nhạc chập chờn yếu ớt. Nhạc công lần lượt rời khỏi chỗ ngồi, lặng lẽ tắt những ngọn nến của mình trước khi ra đi. Vị nhạc trưởng, sau nỗ lực níu kéo các thành viên trong vô vọng đành quyết định bỏ cuộc.

Sau bốn chương, trên sân khấu chỉ còn lại hai violist cuối cùng đang nhẫn nại thể hiện những nhịp cuối cùng của tổng phổ, giai điệu buồn bã, nhỏ dần rồi tắt lịm.

Ngay từ thời điểm công diễn lần đầu vào năm 1772, bản giao hưởng Từ biệt (Symphony No 45 – Farewell) được xem như một tác phẩm phảng phất màn sương buồn bã, ảm đạm. Tờ báo “Phổ thông âm nhạc” ở Lepzig, vào năm 1799 đã viết: “Khi các nhạc công bắt đầu tắt nến và lặng lẽ ra đi, mỗi người cảm thấy tim mình đau nhói… Và cuối cùng, khi âm thanh của cây đàn violon cuối cùng tắt hẳn, mọi người tự động ra về, lặng lẽ và rất xúc động”.

Là tác phẩm ra đời thay lời đề nghị Hoàng thân Nikolaus Esterház cho các nhạc công được về thăm nhà, bản giao hưởng “Từ biệt” của Haydn kết thúc khác thường như thế, theo “một cách đặc biệt nhất của âm nhạc cổ điển thế kỷ XVIII”. Không chỉ là symphony giọng Pha thăng thứ duy nhất trong kho tàng giao hưởng đồ sộ ra đời trong suốt thế kỷ XVIII, “Từ biệt” cũng là bản giao hưởng đầu tiên trong lịch sử âm nhạc thế giới được kết thúc bằng một chương chậm – adagio.

Lựa chọn ra một tác phẩm độc đáo đến thế, trong gia tài đồ sộ 104 symphony mà nhà soạn nhạc đã sáng tác trong suốt 36 năm (từ 1759 đến 1795), SSO đã giúp khán giả yêu nhạc lý giải được lời nhận định của P.I.Tchaikovsky, rằng “Haydn là một mắt xích vô cùng vững chắc và quan trọng trong lịch sử phát triển của âm nhạc cổ điển. Không có Haydn thì cũng không có Mozart và Beethoven”.

Le Boeuf sur le Toit (Con bò trên mái nhà) là tác phẩm lần đầu tiên được công diễn tại Việt Nam của nhà soạn nhạc Darius Milhaud. Ban đầu Milhaud sáng tác tác phẩm này để dùng làm nhạc nền trong bộ phim câm của danh hài Charlie Chaplin, nhưng sau đó nó đã thu được thành công khi đồng hành với vở ballet cùng tên. Tác giả đã thể hiện sự sáng tạo không giới hạn của mình bằng việc đưa âm nhạc chu du qua các tất cả các giọng, sử dụng chất liệu của hơn 14 nhạc sĩ và 20 giai điệu nổi tiếng của đất nước Brazil, với nhiều đoạn độc tấu dí dỏm cùng giai điệu vui nhộn.

Đôi khi âm nhạc còn được thể hiện đồng thời ở hai giọng khác nhau, mang lại cảm giác có hai dàn nhạc đang chơi cùng một lúc. Đó cũng là một thách thức với các thành viên dàn nhạc, đồng thời mang lại trải nghiệm mới mẻ cho khán giả.

"Classical Music with a Twist": Nhạc cổ điển cũng đầy bất ngờ ảnh 2
Câu chuyện “Peter và con sói” được kể lại bằng ngôn ngữ âm nhạc ấn tượng của nhà soạn nhạc Prokofiev.

Con bò trên mái nhà cũng đánh dấu lần đầu tiên vị nhạc trưởng người Pháp không đứng trên bục, không vung cây đũa chỉ huy quen thuộc. Olivier Ochanine cầm cây sáo, ngồi chính giữa dàn nhạc và sống lại những tháng ngày trẻ trung réo rắt cùng thanh âm flute. Ông tạo ra những biến tấu cùng nghịch âm đầy biến ảo, phá bỏ mọi quy tắc nghiêm ngặt và khiến công chúng dưới khán phòng bất giác mỉm cười.

Tác phẩm khép lại chương trình, Peter và Chó sói là món quà mà SSO dành tặng khán giả nhỏ tuổi, nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi. Một câu chuyện hiếm hoi kể bằng ngôn ngữ âm nhạc, mà mỗi nhân vật được mô tả cho thật dễ hiểu bằng những đặc trưng riêng (hay còn gọi là leitmotif – âm hình chủ đạo). Sáo (flute) trong veo lảnh lót dành riêng cho tiếng chim, trống định âm rền vang như tiếng súng trường của những thợ săn dũng cảm, kèn oboe tái hiện thanh âm quạc quạc của cô vịt vàng, mèo do kèn clarinet đảm nhiệm, bassoon thay lời ông nội và chó sói hăm dọa qua bộ ba kèn horn…

Bản nhạc gồm 3 phần, kết cấu gần giống như thể thức sonata nhưng các chủ đề phát triển rất tự nhiên, phần hoà âm được dẫn dắt và gợi mở bởi hành động của các nhân vật trong câu chuyện. Một cách hài hoà và êm ái, nó mở đầu và kết thúc bằng gam đô thứ, nhưng chứa đựng rất nhiều đoạn chuyển đột ngột, đó cũng là một trong những nét đặc sắc làm nên phong cách sáng tác độc đáo của Prokofiev.

"Classical Music with a Twist": Nhạc cổ điển cũng đầy bất ngờ ảnh 3
Nhạc trưởng Olivier Ochanine và các nghệ sĩ của Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời. (Ảnh: SSO)

Nghe âm nhạc đồng hành, nâng bước cho lời dẫn chuyện, sẽ hiểu tại sao Peter và Chó sói (Peter and the Wolf) luôn được trẻ em trên toàn thế giới say mê, khi giữ vững vị trí 3/10 trên bảng xếp hạng những tác phẩm cổ điển dành riêng cho trẻ em của kênh Classic FM. Màu sắc rực rỡ của thiên nhiên trong khu rừng với những con thú sinh động, ngộ nghĩnh và cậu bé đội viên Peter dũng cảm là một món quà mà nhà soạn nhạc đã say sưa viết tặng với niềm mong muốn các em có thể làm quen với âm nhạc cổ điển, vốn thuần khiết như tâm hồn trẻ thơ vậy.

Có thể nói, Classical Music with a Twist đã đem tới một làn gió mới cho âm nhạc cổ điển, khi tái hiện bầu không khí vừa sang trọng nhưng cũng không kém phần vui nhộn, thoải mái, mới mẻ đầy hấp dẫn. Âm nhạc cổ điển, hóa ra cũng có khả năng gây bất ngờ, cũng biến ảo và đầy ngẫu hứng, cũng trẻ trung và ẩn chứa những khúc thức, giai điệu rất hiện đại.

Với đêm hòa nhạc này, các nghệ sĩ SSO thêm một lần nữa khẳng định tài năng, gu âm nhạc sâu sắc cùng những điểm “chạm” tinh tế khi bắc nhịp cầu nối đưa những tác phẩm lần đầu xuất hiện đến với công chúng Việt Nam một cách thuyết phục, bằng những trải nghiệm đa dạng sắc màu.

Cùng chờ đợi những cú twist sắp tới, từ những nhạc mục mang thương hiệu SSO!

B.N (HNS)