Anh nghĩ sao về loại hình rap diss đang nở rộ thời gian gần đây? Phải chăng sáng tác những bài rap với mục đích công kích, chế giễu hay thậm chí thóa mạ, xúc phạm lẫn nhau là một mảnh ghép không thể thiếu làm nên bức tranh đời sống toàn cảnh của rap Việt?
Tôi không bao giờ chấp nhận được cách mạt sát, thậm chí chửi bới quá thông tục và ít tưởng tượng mà các rapper sử dụng. Khi những thứ tạm gọi là bài rap như thế lan tỏa ở nơi công cộng, công chúng đủ các lứa tuổi phải tiếp nhận thụ động những nội dung tiêu cực như vậy thì đó là vấn đề rất đáng lo ngại. Nhạc rock mang tính phản kháng rất bạo liệt, nhưng cũng không đến mức tự do quá đà như rap hiện nay. Chửi bới trong rap thường là một kiểu “hiện thực phê phán” mang dấu ấn vụn vặt cá nhân. Bản chất nhạc rap là một trào lưu hay nghệ thuật trình diễn được du nhập từ nước ngoài, ít nhạc tính nên có thể nói yếu cả về khía cạnh văn hóa lẫn giá trị nghệ thuật. Đôi khi sự buông tuồng quá đáng được lan truyền dễ dãi đã để lại những hậu quả và những ngộ nhận xấu, cho chính các rapper lẫn một bộ phận khán giả.
Người ta vẫn coi sự kết hợp của ngôn từ, vần điệu và nhịp điệu trong rap là âm nhạc, trong đó ngôn từ vẫn đóng vai trò chủ đạo. Anh nghĩ sao khi thành phần chính này chẳng qua chỉ là những câu chửi bới tục tĩu, chợ búa mang tính kích động bạo lực được sắp xếp lại?
Là một hình thức biểu diễn đi cùng một trào lưu rất ít nhạc tính khi so với bất cứ thể loại âm nhạc nào khác, cái gọi là các bài rap phụ thuộc nhiều vào các nhà sản xuất, các beat maker (người làm nhạc nền-PV). Đặc tính nghệ thuật độc đáo nhất ở rap có lẽ là các câu chuyện, tư tưởng, tâm lý của nghệ sĩ được bộc lộ bằng ngôn từ thoải mái tự do cùng kỹ thuật đọc lời theo nhịp ở một số tốc độ hay tiết tấu nhanh. Nếu điều gì có thể giúp liên hệ giữa nghệ sĩ với một người chơi rap, thực tình tôi chỉ nghĩ tới khả năng học thuộc và đọc nhanh theo nhịp của anh ta. Còn nếu ai đó thật sự nổi bật thì có lẽ nhờ họ sở hữu tư tưởng nào đó đặc biệt hấp dẫn. Quá ít lý do để xếp rap là một thể loại âm nhạc, nó gần hơn với một lối sống, lối biểu đạt hay hiện tượng văn hóa trong đời sống thường nhật.
Chúng ta thường chia sẻ các vấn đề trên mạng xã hội bằng chữ viết hay lời nói, các rapper chọn hình thức sinh động hơn là đặt vấn đề đó trên một đoạn nhạc. Sử dụng ngôn từ tục tĩu hay chợ búa là căn bệnh chung của nhiều người chứ không riêng các rapper. Vấn đề là nhiều khán giả lại cho rằng rapper đại diện cho thẩm mỹ giới trẻ, là lớp nghệ sĩ của công chúng phổ thông khi mà ranh giới nhạc ngầm (underground) và chính thống (mainstream) dần trở nên mờ nhạt. Đánh giá này không công bằng với tất cả. Nên nhìn nhận rapper dùng âm nhạc như một trò chơi, họ là những tay chơi mượn âm nhạc để thỏa mãn sự phóng túng và đôi khi khiến mọi người nhận ra rằng họ có chút ngỗ ngược, vậy thôi. Thế giới gọi rapper bằng chính cái tên mang nghĩa hẹp đó chứ không xem họ là nghệ sĩ đúng nghĩa.
Bên cạnh đó, nhiều rapper cũng có những diễn ngôn táo bạo thậm chí tục tĩu liên quan đến tình dục trong các MV có nội dung nhạy cảm xuất hiện gần đây. Anh nghĩ sao về tác động của những sản phẩm nghe nhìn này tới lớp trẻ?
Tôi thấy nếu trên bình diện một đời sống văn hóa nghệ thuật sinh động có sức sống được dày công vun đắp thì những MV nội dung 18+ luôn phải đón nhận sự soi xét đầy thận trọng của cộng đồng. Bởi ít nhiều chúng cũng xa rời với mục đích tốt đẹp của nghệ thuật và tiến gần tới một thứ giải trí gây sốc. Đặc biệt ở nước ta, đời sống văn hóa nghệ thuật chưa phát triển như Âu Mỹ hay Hàn Quốc, hàng chục năm qua vẫn chịu hấp lực và hấp thu thụ động cả xấu lẫn tốt từ nước ngoài nên ở vào tình trạng khá yếu. Ta có thể thấy ngay cả các ca sĩ có địa vị trong lòng công chúng còn sa vào thị phi chửi bới nhau trên các mạng xã hội đủ chuyện, thì những MV có nội dung 18+ được sản xuất và lại được cổ vũ lan tỏa bởi người trẻ một mặt nào đó cũng hủy hoại sự trong sáng cần có của lớp trẻ tương lai một cách thô bạo.
Công kích trong rap thường là một kiểu “hiện thực phê phán” mang dấu ấn vụn vặt cá nhân.
Tôi rất buồn khi thấy bản thân hay lớp trẻ phải chung sống với tình trạng văn hóa méo mó, ứng xử xấu xí trên mạng hay thông tin độc hại lan tràn như bây giờ. Tôi từng nhắc tới về một sai lầm mang tính lịch sử, khi nhà quản lý quá nhẹ tay với nghi án đạo nhạc của một bạn trẻ cùng thái độ bất chấp và vô lễ của đông đảo người hâm mộ của cậu ấy. Chuyện lớp nghệ sĩ trẻ non trẻ về âm nhạc nhưng lại già dặn sự thực dụng ngày nay cũng vậy thôi, bước trượt dài của một cộng đồng dễ dãi sẽ làm ảnh hưởng và gây khó khăn cho các thế hệ sau này.
Độ lan tỏa rộng khắp của “thứ giải trí gây sốc” ấy có thể khiến những nghệ sĩ hết lòng vì nghệ thuật cảm thấy chạnh lòng?
Nghệ sĩ có trình độ và văn hóa thường tự trọng và ít ồn ào. Hiếm có chuyện họ dễ đánh đổi cái kiêu hãnh hay hạnh phúc của mình với vài điều kiện cần và đủ cho điều họ làm. Ở khía cạnh nào đó, việc họ có vẻ thiệt thòi và trăn trở gì đó là chuyện đương nhiên phải thế thôi, còn ở khía cạnh khác thì tôi nghĩ họ vẫn ổn theo cách mà họ chọn.
Ngược lại, nhiều người được gọi là nghệ sĩ, rất nổi tiếng và có vẻ giàu có, có điều kiện khuếch trương công việc hay có người còn tự phong thế này thế kia, tuy thế ai biết họ đã nổi tiếng và giàu có bằng cách nào. Do đó, tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là khả năng cảm thụ và sàng lọc của cộng đồng, mỗi khán giả cũng chính là một người làm văn hóa độc lập có thể góp phần tạo ra các giá trị tốt hay xấu cho một nghệ sĩ hay một nền nghệ thuật.
Nếu những thứ nhảm nhí như một đoạn nhạc chế gây cười, một video bóc phốt, những lời hát ngớ ngẩn, bạo lực hay trần trụi đáng xấu hổ thu hút được hàng triệu lượt xem còn các sản phẩm, ấn phẩm văn hóa nghệ thuật tử tế lại không được mấy ai quan tâm (tôi chỉ xin thí dụ thế) thì dù chỉ do hình thức, bao nhãn thì đời sống văn hóa nơi đó hẳn có vấn đề nghiêm trọng nào đó.
Sự lo lắng của anh là rất cần thiết. Nhưng biết đâu nhờ va đập và lớn lên trong môi trường mạng hỗn tạp và nhiều nguy cơ, giới trẻ sẽ tự tìm được cách thoát khỏi những thứ rác rến gắn mác nghệ thuật với một hệ miễn dịch văn hóa cao hơn chúng ta tưởng?
Vâng, chúng có thể sẽ hình thành hệ miễn dịch mạnh mẽ hơn. Nhưng rõ ràng sẽ tốt hơn nếu lớp trẻ ấy được trưởng thành trong một môi trường đủ trong lành cùng những nền tảng văn hóa vững vàng có giá trị. Giáo dục con người và xây đắp một môi trường văn hóa, tôi nghĩ đó là những câu chuyện bao trùm.
“Cần có sự đầu tư liên tục và bài bản, để những lớp nghệ sĩ hay sản phẩm tử tế có chiều sâu văn hóa được lộ diện nhiều hơn. Không có một trào lưu hay dòng chảy những điều tử tế nào ra đời chỉ bằng sự hô hào mà vẫn phải thông qua giáo dục và học tập hiểu biết chính những kỹ năng tạo ra điều tử tế. Cuộc sống đa chiều ngày nay không chỉ cần vài nhân tố, mà cần có vài lớp người tử tế có tài năng và tâm hồn để thay đổi được tâm lý thói quen của cộng đồng nghệ sĩ và khán giả lúc này theo hướng tích cực, bền đẹp hơn” – Nhạc sĩ Đỗ Bảo.
Nguyễn Mạnh Hà (thực hiện)
(HNS)