Có nhiều cách viết ca khúc khác nhau. Quy luật, quy tắc chỉ là những đúc kết những gì thường hay gặp nhất qua thực tế, mà một sáng tác hay thì có thể chả theo những quy tắc thông thường. Bài này ghi nhận kinh nghiệm bản thân tôi và có tham khảo một vài tác giả nước ngoài. Những kinh nghiệm ấy có thể hợp với người này nhưng không hợp với người khác, nhưng vẫn xin chia sẻ để mong giúp được ai đó.
Có nhiều cách cấu trúc ca khúc, trong đó AB là một trong những dạng thông dụng nhất. Cấu trúc AB có thể lặp lại 2, 3 lần hay nhiều hơn tùy theo số lời. Ví dụ một ca khúc cấu trúc AB có 2 lời như sau:
A: phiên khúc 1 (verse 1)
B: điệp khúc (chorus)
A: phiên khúc 2 (verse 2)
B: điệp khúc để kết.
Khi bản nhạc chuyển từ phiên khúc qua điệp khúc, thường dễ nhận thấy thay đổi về giai điệu. Bạn có thể nhận thấy nhạc có nhịp điệu rõ ràng hơn, khẩn trương hơn, thôi thúc hơn, nhưng cũng có thể thấy nhịp chậm lại với nốt ngân dài hơn. Điệp khúc thường có nét nhạc “du dương”, dễ nhập tâm người nghe, dễ nhớ hơn. Thông thường các tác giả hay nâng giai điệu của điệp khúc lên cao hơn so với phiên khúc. Một ca khúc thành công thường có một đoạn nhạc “đinh” hay “móc câu” (hook) để nhập tâm người nghe. Vị trí tốt nhất cho “móc câu” là khởi đầu, hay kết thúc điệp khúc. Vì móc câu dễ nhớ về giai điệu, nên tên bài hát cũng như ý tưởng chủ đạo của toàn bài (“take home message”) thường được các tác giả đặt ngay trong móc câu. Nếu tác giả có đặt tên bài hát của mình khác đi thì nhiều khi người nghe vẫn quên tên ấy đi, và cứ gọi tên bài hát qua ca từ của cái móc câu mà họ nhớ được.
Khi viết ca từ, thi sĩ nên chú ý sự khác biệt của ca từ với thơ thông thường. Ca từ nhập tâm qua tai nghe, chứ không qua mắt đọc, và khi nghe ca từ thì phải theo tốc độ của âm nhạc, không thể dừng lại, chậm lại hay quay trở lại khi thấy chưa hiểu như khi đọc thơ thông thường. Vì vậy ngôn ngữ ca từ nên đơn giản, dễ hiểu, và nhiều khi phải có những câu lặp lại (motif) để người nghe nhập tâm.
Nói ca từ nhập tâm qua tai cũng chưa thật đầy đủ. Một ca từ hay sẽ khiến người nghe như được trải qua một thực tế ảo với các giác quan khác nhau, trước hết là thị giác.
Làm thế nào để ca từ khiến cho người nghe như trải qua một thực tế ảo?
Ta hãy phân loại các từ nghe được trong ca khúc thành 2 loại. Các từ hướng nội thể hiện những cảm xúc bên trong, những ý muốn, tình cảm chủ quan… Các từ hướng ngoại mô tả sự vật, màu sắc, hình khối, chuyển động, mùi vị, âm thanh…, tóm lại là những gì con người cảm nhận thế giới xung quanh thông qua các giác quan của mình.
Tính hướng nội hay hướng ngoại chỉ là tương đối, cũng có nhiều từ mà chúng ta có thể không phân biệt được rõ ràng hướng nội hay hướng ngoại.
Nói đến đây, bạn có thể đoán ra, ca từ muốn gợi cho người nghe một thực tế ảo thì nên có một liều lượng hợp lý các từ hướng ngoại. Tuy nhiên, ca từ chứa một loạt các từ hướng ngoại liên tiếp nhau mà không được phối hợp bởi một số từ hướng nội sẽ tạo ra cảm giác rời rạc, người nghe không nhập thân được vào thực tế ảo, không cảm nhận được ra đâu là ý tưởng chủ đạo của ca khúc.
Liều lượng “hướng ngoại” và “hướng nội” bao nhiêu là đủ?
Không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi trên. Theo kinh nghiệm bản thân tôi khi phân tích các ca khúc được ưa thích bằng tiếng Việt cũng như tiếng nước ngoài, trong phiên khúc 1 để mở đầu bài hát, nên nhanh chóng dắt dẫn người nghe vào một thực tế ảo bằng mật độ cao các từ hướng ngoại. Trong diễn tiến tiếp theo, mật độ các từ hướng nội sẽ tăng dần, để người nghe như tự cảm nhận thấy chính mình, nhập thân vào bài hát. Trong điệp khúc, các tác giả có thể tăng mật độ các từ hướng nội để khái quát vấn đề, nhưng để kết vẫn có thể trở lại cảnh huống, hình ảnh ban đầu (hướng ngoại). Nếu ca khúc có 2 lời, thì thường là lời 1 nên đi vào cảnh huống cụ thể (hướng ngoại nhiều hơn), lời 2 thường nên mang tính khái quát hơn (hướng nội nhiều hơn).
***
Trong kho tàng ca khúc Việt, “Đêm Đông” của Nguyễn Văn Thương là một viên ngọc quý. Vì sao ca khúc này đã đi vào lòng nhiều thế hệ người Việt? Chúng ta hãy phần nào tìm hiểu, học tập ca từ của Nguyễn Văn Thương qua áp dụng lối phân tích từ ngữ hướng nội và hướng ngoại nói trên vào nhạc phẩm này.
Dưới đây là toàn bộ ca từ của ca khúc “Đêm Đông”. Ta hãy đánh dấu các từ hướng ngoại bằng cách gạch dưới. Các từ hướng nội, hoặc không rõ ràng hướng nội hay hướng ngoại thì để nguyên.
Đêm Đông (Nguyễn Văn Thương)
Phiên khúc 1:
Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống
Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông
Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời
Cùng mây xám về ngang lưng trời
Thời gian như ngừng trong tê tái
Cây trút lá cuốn theo chiều mây
Mưa giăng mắc nhớ nhung, tiêu điều
Sương thướt tha bay, ôi! đìu hiu
Có đúng là phiên khúc 1 đậm đặc những từ hướng ngoại đang vẽ ra một bức tranh trong sự tưởng tượng của người nghe? Ngôn ngữ hướng ngoại điểm xuyết bằng một vài từ hướng nội như đang dần dần thổi hồn vào sự vật (nhân cách hóa sự vật) trong bức tranh nói trên.
Điệp khúc:
Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu
Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng
Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư
Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng
Gió nghiêng, chiều say
Gió lay ngàn cây,
Gió nâng thuyền mây
Gió reo sầu miên
Gió đau niềm riêng
Gió than triền miên
Đêm đông, ôi ta nhớ nhung
Đường về xa xa
Đêm đông, ta mơ giấc mơ, gia đình, yêu đương
Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương
Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà
Sang đoạn điệp khúc, người nghe được dẫn dắt để nhập hồn vào nhân vật của ca khúc. Ta nhận thấy mật độ các từ hướng nội tăng lên, thể hiện cảm xúc của nhân vật, và cảm xúc ấy được truyền sang người nghe đồng cảm.
Phiên khúc 2:
Đời như vô tình ta ngao ngán
Non nước thê thảm mang cảnh tang
Thân lãng du cô liêu chán chường
Về đâu giữa trời đông đêm trường
Sầu lên khơi hồn quê lai láng
Ta van gió nhắn mưa ngừng than
Cho ta lắng tiếng vang muôn lòng
Rên rỉ qua không gian buồn mong.
Bạn có nhận thấy là ca từ trong phiên khúc 2 mang tính hướng nội nhiều hơn phiên khúc 1?
Để kết thúc bài viết, tôi xin nhấn mạnh lại ý kiến cá nhân, rằng không có những quy tắc, phương pháp thống nhất trong sáng tác ca khúc, cả về ca từ cũng như nhạc điệu. Đa số chúng ta viết ca từ theo cảm xúc tự nhiên, nhưng nếu phân tích bài học thành công của những người đi trước, chúng ta có thể phần nào hiểu được vì sao chỉ một số ít tác phẩm của chúng ta hấp dẫn người nghe, còn đa số khác thì qua đi mà không ai nhớ được tên chúng, nói chi là giai điệu và nội dung ca từ.
Trần Bắc Hải (gdx)