Trong quyết định công nhận nghệ thuật bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, UNESCO vinh danh 2 loại hình chính của bài chòi dân gian, đó là: Trò chơi dân gian bài chòi (bài chòi đánh bài) và nghệ thuật diễn xướng bài chòi (bài chòi trải chiếu). Tuy nhiên, ở Khánh Hòa, bên cạnh nghệ thuật trình diễn bài chòi dân gian còn có sân khấu kịch hát bài chòi (bài chòi cách mạng) xuất hiện từ năm 1974. Kịch hát bài chòi vẫn sử dụng các làn điệu như: Xàng xê, xuân nữ, cổ bản, hồ quảng… để thể hiện các vở diễn có chủ đề, nội dung, cốt truyện, nhân vật. Những người thể hiện các vở diễn đó được xem là nghệ sĩ, diễn viên sân khấu truyền thống.
Chính sự tồn tại của 2 hình thức nghệ thuật bài chòi như trên nên trong nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản bài chòi, nhiều người cho đây là câu chuyện của người dân, cộng đồng. Qua theo dõi một số lớp truyền dạy, tập huấn nghệ thuật bài chòi dân gian do các nghệ nhân đứng lớp, có thể thấy học viên mới chỉ tiếp cận được phần thực hành trình diễn mà thiếu đi phần lý luận về ý nghĩa từng quân bài, cắt nghĩa cách hát, phân tích làn điệu… Vậy nên, có tình trạng lớp học do nghệ nhân đến từ Bình Định dạy thì học viên sẽ hô hát theo cách của bài chòi Bình Định; cùng một câu hô quân bài nhưng học viên học các nghệ nhân khác nhau thì diễn cũng khác nhau…
Trong bài viết đăng trên Tạp chí Nha Trang số tháng 7, nhạc sĩ Hình Phước Liên cho rằng, có suy nghĩ đối lập nghệ thuật bài chòi dân gian với nghệ thuật sân khấu dân ca kịch bài chòi. Thực tế, yếu tố cốt lõi của ca kịch bài chòi vẫn là những làn điệu bài chòi dân gian. Các nghệ sĩ ca kịch bài chòi vừa nắm được cơ bản cách hô hát của bài chòi dân gian, vừa có kỹ năng biểu diễn sân khấu. Xét cho cùng, sân khấu dân ca kịch bài chòi cũng kế thừa, phát triển từ nghệ thuật bài chòi dân gian.
NSƯT Trần Nhật Lệ – nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh cho biết, khi đang công tác, do vướng về cơ chế, quan điểm trong việc bảo tồn di sản bài chòi, nên bản thân ông không tham gia hoạt động truyền dạy, tập huấn nghệ thuật bài chòi dân gian. Sau khi về nghỉ chế độ, ông mới tham gia các lớp tập huấn bài chòi ở TP. Nha Trang.
Vẫn biết dị bản là một yếu tố độc đáo của văn nghệ dân gian, nhưng chúng ta cũng cần hạn chế tình trạng tam sao thất bản trong truyền dạy bài chòi. Việc đưa các nghệ sĩ vừa có kỹ năng biểu diễn tốt, vừa có thể truyền đạt kiến thức về bộ môn bài chòi dân gian để tạo nên những lớp học viên song toàn cả lý thuyết lẫn thực hành cũng là điều nên được cân nhắc thực hiện.
Qua 2 năm thực hiện đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi, ngành Văn hóa đã tập huấn, truyền dạy nghệ thuật bài chòi cho 40 người ở các xã, phường; đưa bộ môn này đến với học sinh 15 trường trên địa bàn tỉnh dưới hình thức sân khấu học đường; phục dựng 1 điểm trò chơi dân gian hô hát bài chòi ở Ninh Hòa; sưu tầm, biên soạn một số tư liệu về bài chòi…Bảo tàng tỉnh đang thực hiện sưu tầm tài liệu, hiện vật liên quan đến nghệ thuật bài chòi Khánh Hòa; Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh đã xây dựng kế hoạch đưa bài chòi vào các trường THPT, THCS tại các địa phương có di sản bài chòi. ___________________________________ Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bình Định – nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc (thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), bộ môn bài chòi ở Khánh Hòa có nhiều nét đặc sắc riêng như: có cơ cấu dàn nhạc, cấu trúc âm nhạc, cách hát, cách diễn xướng riêng. Địa phương cũng có nhiều nghệ nhân, những người thực hành nghệ thuật bài chòi; nhiều hoạt động tích cực để gìn giữ, phát huy giá trị bộ môn nghệ thuật này. |
Giang Đình (HNS)