Nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh và em trai được sinh ra từ vùng núi thuộc tỉnh Lai Châu. In đậm trong ký ức của anh là những câu chuyện kể của bố mẹ về đời sống hoang dã nơi vùng núi đầy khó khăn, về những nỗi khao khát được làm nghệ thuật của bố mẹ, khi ông là lính biên phòng, biết chơi guitar, accordion, kèn clarinet…
Còn mẹ anh là y sĩ yêu thơ và thích viết lách. Đời sống khó khăn, khi về sống ở Hà Nội, bố mẹ anh phải làm đủ thứ nghề để tồn tại. Bố của anh từ làm thợ sửa đồng hồ đến làm giò chả. Mẹ của anh phải tìm đường đi xuất khẩu lao động ở Nga. Nguyễn Đức Minh nhớ, khi mẹ anh kiếm được những đồng lương đầu tiên, bà đã mua một cây đàn accordion và gửi về tặng cho anh. Bố anh ôm cây đàn và chơi đầy say mê. Với Minh, đấy là những nốt nhạc kỳ diệu nhất mà anh từng được nghe trong đời. Bố là người thầy đầu tiên, dạy anh hồn nhiên bấm từng phím đàn.
Nguyễn Đức Minh yêu thích âm nhạc một cách vô thức qua nỗi khát khao được làm nghệ thuật của bố. Ông hy vọng và mong muốn anh trở thành một nghệ sĩ. Ông từng nói với Minh: Bố không thực hiện được giấc mơ của mình thì bố mong con sẽ thành nghệ sĩ, bố sẽ gửi con đi học nhạc cụ dân tộc với lý do, nếu con học đàn tây có giỏi đến mấy cũng chỉ là “múa rìu qua mắt thợ”, con học đàn dân tộc mới có cơ hội đi tây biểu diễn nhiều! Từ đó, Minh đã được gửi vào nhạc viện học khoa nhạc cụ dân tộc.
Ở giai đoạn đầu khi mới học nhạc, Nguyễn Đức Minh vẫn chưa tìm được cảm hứng. Bố của anh thường phải “sát sao” kèm cặp, anh mới chịu tập. Một năm đầu học đàn bầu nhưng không vào, anh nghỉ một thời gian và thấy hứng khởi với cây sáo.
Nguyễn Đức Minh tự học và tự làm cho mình những cây sáo để chơi. Bố thấy Minh đam mê nhạc một cách tự nhiên thế, nên ông quyết tâm gửi anh vào nhạc viện để học chuyên sâu về sáo. Minh gắn bó với sáo trong nhiều năm khi học ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).
Trong quá trình học tập ở Nhạc viện, Nguyễn Đức Minh luôn có sự tìm tòi sáng tạo ra các nhạc cụ, nhờ thế, anh trở nên khác biệt với các bạn học. Minh tự chế ra các cây sáo khác nhau rồi đem chúng đi biểu diễn ở các hội quán sinh viên, các trường đại học, âm nhạc. Anh không chơi theo một cách truyền thống mà tìm cách kết hợp với các nhạc cụ phương tây sao cho có cảm giác mới lạ về hình thức, tạo ra sự hấp dẫn nhất định. Tuy có chút hồn nhiên và ngô nghê nhưng với Minh, đó là niềm vui mà anh có trong thời điểm đó.
Sau rất nhiều thể nghiệm từ việc chơi sáo, Minh vẫn chưa thực sự bị thuyết phục bởi đâu đó vẫn là những hình thức cũ kỹ, không còn mới mẻ. Những năm 1999 – 2000, Minh bắt đầu có những trải nghiệm thú vị về âm nhạc khi về thăm nơi anh đã được sinh ra ở Lai Châu, và một số nơi khác vùng núi Tây Bắc. Minh khám phá ra chiếc đàn môi, thứ âm thanh đầy lạ lẫm và quyến rũ. Anh bắt đầu tò mò và thích thú theo học chơi đàn môi từ những người đồng bào.
Càng học càng thú vị, Minh khám phá được những nét đẹp trong văn hóa đời sống của người dân tộc thông qua đàn môi. Anh thực sự say mê bởi bối cảnh không gian tuyệt đẹp cùng thứ âm nhạc đó như chạm vào sâu thẳm trái tim anh, gợi lại ký ức về những hình ảnh đời sống tuổi thơ qua câu chuyện kể của bố mẹ về nơi anh được sinh ra thời thơ ấu. Bị mê hoặc bởi những chuyến đi tìm kiếm thứ âm nhạc bí ẩn đầy quyến rũ, những năm tháng thời sinh viên trường nhạc là những tháng ngày dài Nguyễn Đức Minh rong ruổi trên các cung đường Tây Bắc.
Nguyễn Đức Minh bắt đầu có những hoạt động chia sẻ mở rộng sự hiểu biết của mình về đàn môi với các bạn cùng học ở trường nhạc, nhưng các bạn không quan tâm. Không nản lòng, Minh vẫn tiếp tục thử nghiệm, chơi trong các hội quán sinh viên.
Ở đâu có loa đài đông người là anh xin biểu diễn. Chơi đàn môi một cách hồn nhiên và say mê, dần dà, Nguyễn Đức Minh được gặp gỡ những người bạn quốc tế để cùng chia sẻ về âm nhạc thế giới, về những vùng văn hoá mà anh chưa từng biết tới. Nguyễn Đức Minh bắt đầu sử dụng internet như là cách học và mở rộng kiến thức đầu tiên về thứ âm nhạc anh theo đuổi. Anh khám phá ra các phong cách âm nhạc hiện đại thông qua cây đàn môi. Người thầy có nhiều sự chia sẻ với Minh về kiến thức âm nhạc dân tộc học là GS Trần Quang Hải, khi đó ông đang làm việc tại Musse de L’Home.
Qua trao đổi kiến thức với GS Trần Quang Hải, Nguyễn Đức Minh càng chắc chắn xác định con đường anh đang theo đuổi là hoàn toàn đúng đắn. Anh chuyên tâm nghiên cứu và say mê với đàn môi. Năm 2006, tại Amsterdam-Hà Lan là một dấu mốc quan trọng trong nhiều năm học tập nghiên cứu, Nguyễn Đức Minh được mời tham dự liên hoan đàn môi quốc tế được tổ chức lớn nhất từ trước đến thời điểm đó với 33 quốc gia tham dự.
Anh được bình chọn là một trong 4 nghệ sĩ trẻ xuất sắc của festival năm đó, đây cũng là lần đầu tiên có một nghệ sĩ người Việt Nam, mang âm nhạc của các tộc người thiểu số bản địa Việt Nam giới thiệu tại một liên hoan âm nhạc quốc tế. Sau festival, Minh dành nhiều thời gian để tìm hiểu về âm nhạc dân tộc trên thế giới. Con đường âm nhạc của Minh càng thêm rõ ràng từ những kiến thức anh được trải nghiệm.
Năm 2008, sau thời gian rơi vào lạc lõng, cảm giác không thể tiếp tục theo nghề, Nguyễn Đức Minh nhận được lời mời tham gia làm nhạc cho dự án sân khấu “Làng tôi” của nhạc sĩ Nguyễn Nhất Lý. Thời điểm đó, anh không xác định được mức độ thành công của dự án, chỉ tin là anh đang có một môi trường làm việc tốt và chuyên nghiệp nhất cho âm nhạc của mình được bay bổng.
Thật may mắn, dự án đã ký được hợp đồng biểu diễn 4 năm ở châu Âu và Minh một lần nữa lại có điều kiện được học tập từ môi trường biểu diễn chuyên nghiệp. Nguyễn Đức Minh vô tư làm nghệ sĩ đúng nghĩa cho đến một ngày anh và một số anh em thân thiết trong dự án đặt câu hỏi, nếu dự án này kết thúc, các anh sẽ tiếp tục con đường và sự thành công này như thế nào?
“Chúng tôi đi tìm câu trả lời bằng cách thành lập một nhóm sáng tạo mang tên Đàn Đó group vào năm 2012, sau tour lưu diễn châu Âu 4 năm”, Nguyễn Đức Minh chia sẻ.
“Nhóm Đàn Đó được hình thành từ nền tảng các trải nghiệm từ việc tham gia biểu diễn quốc tế trước đó. Chúng tôi tràn đầy sự hồn nhiên và tự tin để bước vào một cuộc thử thách mới với mong muốn sẽ tạo nên những thứ sáng tạo khác biệt mang tính cá nhân của nhóm, đàn đó và bộ nhạc cụ sáng tạo là các sản phẩm chúng tôi tạo ra. Từ năm 2013, chúng tôi vận hành và thực hiện dự án của mình tại studio Phù Sa lab – nơi nhạc sĩ Nhất Lý là người sáng lập. Các tác phẩm “Lời của tre” hay “Chém gió concert” được ra đời từ đây, tôi được gặp gỡ và chia sẻ âm nhạc của mình với nhiều tài năng âm nhạc ở Việt Nam và quốc tế khác ở môi trường này.”
Cũng từ đây, các thử nghiệm âm nhạc sáng tạo của Nguyễn Đức Minh có môi trường để phát triển. Anh tham gia vào các dự án âm nhạc lớn hơn như Seasound dàn nhạc bản địa Đông Nam Á. Thông qua dự án, anh được gặp gỡ nhiều nghệ sĩ nghệ nhân là người đồng bào thiểu số. Tất cả những trải nghiệm của Minh từ khi bắt đầu nghiên cứu đàn môi đến giai đoạn này được mở rộng, anh vô cùng hạnh phúc vì sự lựa chọn của mình.
Thời gian này, Nguyễn Đức Minh đang thực hiện một dự án nghệ thuật âm nhạc tại Nha Trang, dự án vẫn đang trong giai đoạn sáng tạo, anh dành toàn bộ thời gian và tâm huyết cho dự án này. Nguyễn Đức Minh mong muốn thực hiện các dự án về đào tạo với đối tượng là các bạn trẻ, qua đó, anh sẽ có thêm những người bạn đồng hành cùng cảm hứng để xây dựng những dự án âm nhạc mới, mang tinh thần bản địa văn hoá Việt Nam.
Nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh (sinh năm 1981), là thành viên Hiệp hội Đàn môi quốc tế (International Jew’s Harp Society). Anh đã tham gia chương trình “Làng tôi” cùng nhạc sĩ Nguyễn Nhất Lý, tham gia: USA Tour’s Center Stage do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức, là sáng lập viên Đàn Đó group. Nguyễn Đức Minh là tác giả của “Chém gió concert”, chương trình “Lời của tre”, “Đàn đó”… Anh làm việc tại Phù Sa lab studio, tham gia dự án Dàn nhạc bản địa Đông Nam Á (Sea Sound), cố vấn âm nhạc dự án Seaphony Famlab do Hội đồng Anh tổ chức và là Giám đốc âm nhạc Vega show Nha Trang.
Việt Quỳnh (HNS)