Làm thế nào để nâng cao chất lượng sáng tác và biểu diễn âm nhạc tại Đà nẵng

1
5858

Ngày 19 tháng 7 năm 2018, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra cuộc tọa đàm “Làm thế nào để nâng cao chất lượng sáng tác và biểu diễn âm nhạc tại Đà Nẵng” do Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Đà Nẵng và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức.

Tới dự có: đại diện lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng, Sở Văn hóa Thể thao, Trung tâm Văn hóa; nhà hát Trưng Vương; nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật; nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa – Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng; các nhạc sĩ lão thành Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật của Đà Nẵng: nhạc sĩ Thanh Anh, Trương Đình Quang, Trần Hồng… các nhạc sĩ của Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Đà Nẵng; các phóng viên báo tại địa phương…

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội; Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội; các nhạc sĩ tham dự trại sáng tác Âm nhạc Đà Nẵng 2018, có những nhạc sĩ tên tuổi như: GS.NGND Hoàng Cương – nguyên Giám đốc Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh; nhạc sĩ Võ Đăng Tín – Nguyên Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh; nhạc sĩ Phú Quang, nhạc sĩ Nguyễn Minh Sơn – Nguyên Đoàn Trưởng Đoàn Văn công Quân khu V; nhạc sĩ Đinh Thiên Vương – Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi; nhạc sĩ Trần Anh Phương – giảng viên khoa Nghệ thuật trường Đại học Khánh Hòa…

Nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa – Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng đã có ý kiến phát biểu khai mạc tọa đàm:

“Trước đây nếu tìm kiếm bài hát hay đặc trưng về Đà Nẵng đã khó, thì nay việc nâng cao chất lượng sáng tác để chắp cánh cho các tác giả Đà Nẵng được bay cao… việc này cần có thời gian và phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác nhau, ngoài việc sáng tác cũng cần có những khâu như quảng bá, giới thiệu tác phẩm bằng nhiều hình thức cũng không kém phần quan trọng. Hơn 40 năm qua, với lực lượng sáng tác của thành phố Đà Nẵng, anh chị em đã cùng một số nhà thơ có tác phẩm được phổ nhạc đã tạo nên hàng ngàn tác phẩm cho thành phố Đà Nẵng cùng với sự góp sức và tình cảm gắn bó của các nhạc sĩ như: nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Trần Hoàn, Thuận Yến, Trần Tiến, Vĩnh An, An thuyên, Trọng Bằng, Đỗ Hồng Quân, Đức Trịnh, Phạm Minh Tuấn, Quỳnh Hợp, Nguyễn Minh Sơn… các nhạc sĩ đã dầy công đầu tư sáng tác nhiều ca khúc có giá trị nghệ thuật cao, theo đó Đà Nẵng đã có nhiều cuộc thi, nhiều cuộc vận động được tổ chức nhiều lần, nhằm mục đích tìm kiếm các ca khúc hay cho thành phố.

Và nói đến sáng tác, phải nói đến một khâu tiếp theo từ người sáng tác đến khán giả đó là khâu biểu diễn. Có thể nói các chương trình nghệ thuật lớn, các chương trình văn hóa… rất nhiều năm qua lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm chỉ đạo, nhưng vì sao trong đó chương trình những bài hát của nhạc sĩ Đà Nẵng mờ nhạt và các chương trình này cùng các ca sĩ Đà Nẵng ít được xuất hiện. Khi các ca sĩ nổi tiếng ở hai đầu Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh về Đà Nẵng vẫn đều đặn và nổi bật trong các chương trình lớn tại thành phố Đà Nẵng với những ca khúc quen thuộc hay sở trường của mình, có bài hát người ta đã hát 10 năm, thờ ơ với những ca khúc của nhạc sĩ Đà Nẵng nhưng Ban tổ chức vẫn mời. Còn các ca sĩ Đà Nẵng chỉ thỉnh thoảng mới được xuất hiện trong một vài chương trình, phần lớn lặng lẽ đi hát show để tồn tại với nghề của mình. Nhiều chương trình nghệ thuật lớn thì hợp đồng “đóng gói” từ xa đến Đà Nẵng chỉ có công việc là diễn, lực lượng biểu diễn Đà Nẵng thì có nhưng không được sử dụng, không được thể hiện khả năng của mình trên mảnh đất mình đang sống… Trước thực trạng ấy, chúng ta tìm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sáng tác và biểu diễn âm nhạc tại Đà Nẵng”.

Đã có các bản tham luận và các ý kiến đóng góp có giá trị được trình bày tại tọa đàm như: nhạc sĩ Trương Đình Quang với tham luận “Viết tốt, viết hay về thành phố chúng ta”; nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Châu với tham luận: Ước có nhiều bài hát xứng tầm “Thành phố đáng sống”; nhạc sĩ Trần Hồng với tham luận “Làm thế nào để nâng cao chất lượng sáng tác và biểu diễn âm nhạc tại Đà Nẵng”; nhạc sĩ Phan Văn Minh với tham luận “Phải chăng đã đến lúc cần có những cảm thức và tư duy mới hơn trong sáng tác ca khúc”; nhạc sĩ Văn Thu Bích với tham luận “Biểu diễn âm nhạc tại Đà Nẵng – những khởi sắc và nên định hướng”; nhà thơ Ngân Vịnh với tham luận “Ca từ hay phải có những câu hát hay”; nhạc sĩ Phú quang với những chia sẻ tâm huyết về kinh nghiệm sáng tác từ những kỷ niệm với Đà Nẵng, rung động từ những điều nhỏ bé…; GS.NGND Hoàng Cương với “Nâng cao chất lượng biểu diễn, cần nâng cao đào tạo chuyên nghiệp về cả sáng tác khí nhạc, nhạc công, ca sĩ”; nhạc sĩ Võ Đăng Tín với “Đà Nẵng cần xây dựng một nhà hát đa năng dành cho người thưởng thức âm nhạc”; nhà báo Ngọc Hà với “Cần có một “sân chơi” để giới thiệu những ca khúc về Đà Nẵng của nhạc sĩ Đà Nẵng”…

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã có phát biểu ý kiến đóng góp tại cuộc tọa đàm:

“Rất hoan nghênh Hội Âm nhạc Đà Nẵng và Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Đà Nẵng đã tổ chức một cuộc tọa đàm rất có ý nghĩa và đúng thời điểm có Trại sáng tác Âm nhạc tại Nhà sáng Đà Nẵng do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hỗ trợ và Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam vừa diễn ra, đã tập hợp được nhiều các nhạc sĩ từ các miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam với nhiều nhạc sĩ lão thành có nhiều tác phẩm, công trình có giá trị, có kinh nghiệm sáng tác, các nhạc sĩ trẻ của Đà Nẵng… và các đồng chí lãnh đạo của thành phố Đà Nẵng tham dự.

Hai vấn đề đặt ra “Nâng cao chất lượng sáng tác và biểu diễn âm nhạc” là liên quan mật thiết với nhau, nhưng lại khác nhau về mặt nhìn nhận cũng như là tìm ra được những nguyên nhân để nâng cao chất lượng từng bộ môn. Hiện nay, trong đời sống âm nhạc nói chung, những sân chơi âm nhạc, những sự kiện ở lễ hội… có một mặt là được tăng cường các phương tiện kỹ thuật nghe nhìn như màn hình, âm thanh, ánh sáng… nhà nghề hóa những phương tiện biểu diễn âm nhạc. Nhưng ngược lại, những điều cốt lõi của âm nhạc là ca từ, ca sĩ, nội dung tác phẩm… lại xuống thấp nghiệp dư hóa, đây là vấn đề nguy cơ nhất, mà âm nhạc thì bao gồm cả khí nhạc và ca khúc. Đời sống âm nhạc Việt Nam vẫn là mạnh về ca khúc và cũng là truyền thống viết và biểu diễn ca khúc, công chúng thích nghe ca khúc dẫn đến việc mất cân bằng giữa thanh nhạc và khí nhạc. Điều chúng ta trăn trở là làm sao để nâng cao được chất lượng sáng tác về Đà Nẵng, hay của các nhạc sĩ Đà Nẵng và nâng cao chất lượng biểu diễn của các nghệ sĩ, ca sĩ Đà Nẵng, và còn các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ…

Nhà Lý luận – Phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu phát biểu

Để sáng tác ca khúc thì các nhạc sĩ ít nhiều cũng phải được trang bị kiến thức về âm nhạc, nếu sáng tác theo sở thích, thói quen dễ gây đến sự hời hợt, môi trường âm nhạc bị pha loãng. Xử lý âm nhạc là cả một sự sáng tạo đặt ra mỗi một nhạc sĩ là cách lựa chọn tổng hợp về văn hóa âm nhạc và mục đích sáng tác là quan trọng. Cần phải quan tâm đến lực lượng sáng tác, đặc biệt là lực lượng sáng tác trẻ, đào tạo, phổ biến các kinh nghiệm của các nhạc sĩ đi trước cho giới trẻ… Về đạo tạo hiện nay, có sự bất cập giữa những người thầy và những người trò học về sáng tác. Thầy dậy theo giáo trình và phương pháp cổ điển mà ở các Học viện âm nhạc của các nước vẫn làm để đào tạo âm nhạc chuyên sâu bác học, giao hưởng, romance chuyên nghiệp, vì vậy dẫn đến các học trò ở ta và thầy không cùng mục đích.

Nhạc sĩ Phú Quang phát biểu

Vì vậy, ở Hội nghị Ban Chấp hành vừa qua, đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề làm sao đào tạo các nhạc sĩ trẻ phải có kiến thức đồng thời phải đáp ứng được các sản phẩm xã hội tốt, mới và hay. Về biểu diễn thì các ca sĩ phải có môi trường, có chế độ chính sách tốt, vì vậy Đà Nẵng cần có một nhà hát đa năng xứng tầm khu vực Asean, và xây dựng được những dàn nhạc, tốp nhạc thính phòng…”.

Nhạc sĩ Phan Văn Minh phát biểu

Nhạc sĩ Trần Hồng phát biểu

Thanh Nhã (HNS)

1 BÌNH LUẬN