Dẫu đời người không ai thoát khỏi quy luật ‘sinh – lão – bệnh – tử’, sự ra đi của NNDG – NSƯT Ba Tu là mất mát không sao bù đắp được cho gia đình và nhạc giới tài tử.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo xúc động chia sẻ: “Từ năm 1970 cho đến năm 2016, đáp lời mời của tôi, NSƯT Ba Tu đã đóng góp tiếng đờn trong nhiều buổi thuyết trình về âm nhạc Việt Nam do tôi chủ xướng. Ông cùng các nhạc sĩ khác cũng đã cùng tôi thu âm nhạc tài tử làm đĩa nhựa cho Đài phát thanh Pháp Á. Sự ra đi của nhạc sư Ba Tu là một mất mát lớn cho giới đờn ca tài tử và nhạc lễ dân gian Nam bộ”.
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan (nguyên Phó viện trưởng Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) ngậm ngùi: “Thương ông – người nghệ sĩ tài ba một đời vì nghệ thuật đờn ca tài tử. Ông mất đi, nhưng tiếng đờn kìm và những bài giảng về đờn ca tài tử của ông không bao giờ mất. Nó sẽ được lưu giữ tại Viện Âm nhạc cho muôn đời sau”.
Nhà nghiên cứu đờn ca tài tử Võ Trường Kỳ (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Long An) buồn bã: “Trong hoạt động nghệ thuật, giữa tôi với NNDG – NSƯT Ba Tu (người họ hàng vai em của tôi) có sự đồng cảm sâu sắc. Suốt thời gian làm công tác quản lý nghệ thuật cũng như lúc đã hưu trí, tôi với chú luôn bên nhau bồi dưỡng lực lượng kế thừa bộ môn nhạc lễ và nhạc tài tử cho quê nhà Long An”.
Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Kim Thanh (Long An) khẳng định: “Chú Ba đã đi xa, nhưng những tinh hoa chú để lại cho hậu thế vẫn trường tồn và tôi tin các thế hệ học trò sẽ không phụ lòng chú Ba – sẽ tiếp tục phát huy những tinh hoa đó”.
Đã có rất nhiều nghệ nhân góp sức vào quá trình hình thành và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử từ đầu thế kỷ XX tới nay. Trong số những nghệ sĩ tiêu biểu đó, không thể quên NNDG – NSƯT Ba Tu ở ấp Rạch Bộng, xã Tân Lân, H.Cần Đước, tỉnh Long An.
Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống đam mê nhạc tài tử và nhạc lễ dân gian Nam bộ, ngay từ nhỏ, trừ những lúc đi học văn hóa ở trường làng, cậu bé Trương Văn Tự (tên thật của NNDG – NSƯT Ba Tu) dành phần lớn thời gian để rèn luyện đờn ca. Sự hiểu biết về các làn điệu trong nhạc mục tài tử, cải lương của ông thụ hưởng từ các thầy Chín Phàn, Hai Đạm, Hai Võ và Bảy Quế – những nghệ nhân có ngón đờn độc đáo ở địa phương.
Hơn 10 năm thọ giáo với những nghệ nhân bậc thầy kể trên, khi chưa tròn tuổi 20, người nhạc sĩ sinh năm 1936 (trong giấy tờ ghi là 1938) đã nổi danh nhờ ngón đờn kìm điêu luyện. Ngoài ra, ông còn đờn thành thạo nhiều loại nhạc cụ khác như tranh, sến, violin…
Điều rất đặc biệt ở ông là, dẫu các nhạc sư của các mảng nhạc lễ, cải lương, tài tử đều am hiểu cả ba nhánh này nhưng chỉ chơi chuyên một nhánh thì NSƯT Ba Tu lại có thể lĩnh hội và chơi điêu luyện cả ba nhánh.
Ngoài việc trực tiếp truyền dạy, ông còn để lại bộ CD độc tấu đờn kìm 20 bài bản Tổ của nhạc tài tử Nam bộ được ngành văn hóa tỉnh Long An phát hành năm 2005. Đầu năm 2018, nhóm sưu khảo đờn ca tài tử Long An phát hành hai CD gồm: CD hòa tấu ba bài Nam (Nam xuân – 48 câu, Nam ai – 68 câu, Đảo ngũ cung – 68 câu) và CD ba bài Nam mang tên Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn có sự đóng góp ngón đờn của danh cầm Ba Tu. Ông làm tất cả những điều đó chỉ với ước mơ bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của di sản đặc thù vùng đất phương Nam mà các thế hệ cha ông đã dày công vun đắp.
Với ngón đờn tinh hoa bậc nhất và những cống hiến cho âm nhạc cổ truyền Nam bộ, NNDG – NSƯT – danh cầm Ba Tu được nhạc giới và công chúng trân quý như “báu vật nhân văn sống”.
Dù mắc bệnh hiểm nghèo, những lúc cảm thấy sức khỏe kha khá một chút là ông cùng các đồng môn hòa đờn, ca tài tử. Cảm động nhất là khi biết mình không còn nhiều thời gian, ông đã gắng sức truyền dạy cho học trò ngón đờn kìm bao năm được người trong nghề tôn vinh là “độc nhất vô nhị”, mong học trò có thể giữ lại ngón đờn ấy cho mai sau, cho đờn ca tài tử.
Dẫu đời người không ai thoát khỏi quy luật “sinh – lão – bệnh – tử”, sự ra đi của NNDG – NSƯT Ba Tu là mất mát không sao bù đắp được cho gia đình và nhạc giới tài tử. Ông mất đi, chỉ còn lưu lại ngón đờn kìm trứ danh của “Đệ nhất nguyệt cầm” Ba Tu.
Phạm Thái Bình (PNO)