Tôi không coi âm nhạc là nghiệp, tôi chỉ tưởng rằng nó là cuộc sống của mình. Rời xa nó, tôi thấy mình đau yếu và khó thở . Tôi biết, anh đã không cường điệu. Nghiệp sẽ là chướng với eo sèo gầy rạc, những vết thương nhọ nhem còn cuộc sống như nó là thì dù có thui đen, lỏng chỏng, ta vẫn ấp iu vào ngực với yêu thương. 50 năm, NĐÁ đã cháy hết mình, đã quắt quay xoay trở trên hành trình âm nhạc ngay cả trong buổi giao thời tất tả mưu sinh… Tóc bạc lòng không bạc…Đã có những khoảnh khắc bơ vơ*, những phút chông chênh, nghi hoặc có thể nhưng anh đã bước qua, im lìm để rồi vẫn thủy chung như nhất với người tình âm nhạc và những đêm cổ lai hy hôm nay vẫn cúi xuống trên dương cầm “đêm đêm cùng tiếng hát/ cho vơi niềm thương nhớ/ còn gì cho ước mơ”(1)
Tóc bạc lòng không bạc…
Ban mai không mây trắng, lá thu mưa. Khói thuốc nhàu nhĩ, kính trắng loang loáng, Nguyễn Ánh 9 hồn hậu trong từng nếp gấp nụ cười tóc bạc. Lịch kịch, thời gian lịch kịch phi và lũ chim di đã gắp thanh xuân ném vào những khuyết rạn. Mắt không còn sáng, môi đã quên tươi và tóc trắng phơi giữa bọt ngày. Ừ, già rồi. Thôi thì …“ lặng lẽ tiếng dương cầm”*. Không, tôi nói, anh có già hơn xưa, nhưng, tóc bạc lòng không bạc…
18 tuổi, là còn quá trẻ để phải đối mặt chọn lựa giữa hai con đường: âm nhạc và học hành, mái ấm gia đình hay thân du tử, ổn định hay lang thang… Nguyễn Đình Ánh cuối cùng quyết định: âm nhạc, âm nhạc và âm nhạc… Chọn lựa nào rồi cũng mất mát và, chân trời nghệ thuật phía trước mịt mờ cơm áo với gian nan nhưng anh đã giẫm chân lên, bằng một dũng cảm không xông xáo. Lặng lẽ, ban ngày luyện đàn để đêm lên gõ nhịp vào tiếng hát…Phòng trà Anh Vũ, Queen Bee, Đêm màu Hồng …, N.Đ.Á…trả nợ áo cơm và để ê hề những nốt nhạc rụng trắng phím dương cầm…
Tôi không coi âm nhạc là nghiệp, tôi chỉ tưởng rằng nó là cuộc sống của mình. Rời xa nó, tôi thấy mình đau yếu và khó thở . Tôi biết, anh đã không cường điệu. Nghiệp sẽ là chướng với eo sèo gầy rạc, những vết thương nhọ nhem còn cuộc sống như nó là thì dù có thui đen, lỏng chỏng, ta vẫn ấp iu vào ngực với yêu thương. 50 năm, NĐÁ đã cháy hết mình, đã quắt quay xoay trở trên hành trình âm nhạc ngay cả trong buổi giao thời tất tả mưu sinh… Tóc bạc lòng không bạc…Đã có những khoảnh khắc bơ vơ*, những phút chông chênh, nghi hoặc có thể nhưng anh đã bước qua, im lìm để rồi vẫn thủy chung như nhất với người tình âm nhạc và những đêm cổ lai hy hôm nay vẫn cúi xuống trên dương cầm “đêm đêm cùng tiếng hát/ cho vơi niềm thương nhớ/ còn gì cho ước mơ”(1)
Vâng, là không có một ước mơ nào khác ngoài âm nhạc. Người thanh niên tú tài Toán Pháp (Bac Math) đã từ chối tương lai rực rỡ của một kỹ sư, mà chọn làm một cánh …chim chiều phiêu lãng/ theo mây trời lang thang/ rong chơi cùng năm tháng(1). Và, năm tháng có dù nhàu, có bạc màu, lòng anh không hề bạc…
Nguyễn Ánh 9 – Tóc bạc lòng không bạc
Mười ngón xô phím đàn
Nhà có sẵn dương cầm nhưng cậu bé NĐÁ không được …sờ đến vì lý do còn phải …học. Đành là lấy carton làm bàn phím tập ngón. Ns Hoàng Nguyên đã cầm tay dẫn anh vào âm nhạc nhưng người bạn tài năng, pianist Bùi Quang Linh mới là người gọi anh đến với dương cầm. Mang tơi đội mũ giả vờ đi học nhưng thực chất là đi tập và chơi đàn. NĐÁ miệt mài với những khóa Fa bên tay trái. Mặc cho thu phong vàng lá, anh nuôi những nốt nhạc xanh…Đàn xô phím, phím dậy thanh âm đêm phòng trà với tiếng hát Thái Thanh, Khánh Ly… thập kỷ 70. Tôi không chỉ thuộc những nốt nhạc hòa âm, tôi còn thuộc …lời từng bài hát tôi đệm– Anh chia sẻ- Hiểu cả sâu lắng trong ca từ, lúc này mình mới có thể dìu mình vào cõi rung ngân trong giai điệu của nhạc sĩ. Kỹ thuật, với nhạc công chuyên nghiệp là chuyện không cần bàn nhưng nếu thiếu cảm xúc, tiếng đàn còn lại những khô rụng, còm cõi, những âm thanh …chết…Nửa thập kỷ trôi đi, ngón đàn của NĐÁ hình như …vẫn thế, không phá cách, không nhiều biến hóa màu mè những vẫn dư thừa lâm li mê hoặc. Tôi không có gì để nghi ngờ khi ca sĩ Ánh Tuyết chọn NĐÁ để cùng song hành khi trình diễn những khúc ca trữ tình (thay vì chọn những khuôn mặt trẻ hơn).
Với tôi, chỉ nghe tiếng đàn của NĐÁ là chưa đủ mà cần nhìn thấy ông cúi gập mình trên phím, để khi nặng, nhẹ, để khi trào dâng, để khi ngắt, khi khoan khi nhặt … Mười ngón xô phím đàn. Tưởng như ông trình tấu không chỉ bằng những ngón tay xô phím mà bằng cả thân thể và tấm lòng chao đảo…
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đang “song ca” cùng ca sĩ Ánh Tuyết
Đêm dài. Những thất lạc
Nhạc công NĐÁ và Ns Nguyễn Ánh 9 trên dặm dặm hành trình đã soi mình vào những đêm dài những thất lạc: lạc nhà, lạc tình, lạc cả tròng trành nỗi nhân sinh. Này là cô vũ nữ tịch mịch bước chân đêm đục mù lờ ngọn đèn phố thị : Đêm mai ai đưa em về , mắt em lệ thắm long lanh…(2). Không, không phải là thương vay khóc mướn, NA 9 đang khóc cho người và cả cho mình vì những thất lạc của phận người. Bài hát sống động nôn nao như môt tiếng thở dài mà treo lên nghi vấn nghi hoặc rồi chạy thẳng vào lòng người, chảy ướt cả một cầu xin : Người ơi xin đừng hờn dỗi …Xin người hãy nhớ tình tôi (2). Sống trong đêm, về đêm, với đêm, âm nhạc của NA 9 không có nhiều khoảng sáng . Đêm tình yêu* là tiếng gõ cửa ở nhịp 3 “ xin ngủ trọ một đêm”, rồi Lặng lẽ tiếng dương cầm*, rồi cô đơn* đêm đêm cùng tiếng hát …
Thất lạc nên không gian âm nhạc của NA 9 là những khua khoắng của ly biệt, nước mắt, nỗi tịch mịch để Buồn như ly rượu cạn, không còn rượu cho say(3); còn thời gian lại quền quệt thu tàn, thu rụng, bóng thu xưa với cánh hoa xưa* . Hỏi chuyện khởi đầu của bài hát đầu tay: Không, NA 9 khiêm tốn: Tôi chỉ là một nhạc công và Không là một thất lạc của định mệnh, một ngẫu nhiên thú vị. Tôi đã viết bài hát để phục vụ cho Đại nhạc hội mùa Hè 1970 theo lời đề nghị của Khánh Ly: “ Phải có cái gì đó gần gũi và bình dị …” và Không đã gặt hái thành công lớn, bất ngờ, và tôi …hốt bạc khi nhà xuất bản phát hành với số lượng ấn bản lớn. NA 9 lại cười nhỏ nhẹ, mơ màng với : ” Thôi đành hẹn lại kiếp sau”… Hẹn lại với tình yêu gần như là chủ đề âm nhạc của NA 9. Ns đã thổn thức với “Đừng để mắt em lệ ướt long lanh, Mênh mông tình buồn, Hạnh phúc mong manh, Một lời cuối cho em…”. Ở đây, giai điệu và ca từ xoắn xít, đồng hiện trái tim rẩy run để rồi vỡ òa trong tiếng hát của bao nhiêu người. Tôi không đi tìm những mô thức mới lạ, không thích vận dụng những biến âm hay sử dụng những quãng nhảy xa, những quãng nghịch…Âm nhạc là tiếng nói, là thở hơi cuộc sống và mọi người sẽ dễ dàng hát lên … Vâng, âm nhạc NA9 không mới và lạ, đa phần cấu trúc theo lối cổ điển với mô típ A-B-A, tiết tấu đơn giản và không có nhiều biến động, những dấu hóa chuyển cung …Ở đây là những quãng hai, quãng ba nhẹ nhàng và du dương như gió rơi, như bóng chiều, như nồng nàn hơi thở . Cô đơn là một ví dụ tiêu biểu. Bài hát viết ở nhịp ¾ và điệp khúc nằm trong tám ô nhịp với hai chi câu…
Nghe như chim ngàn phiêu lãng, theo mây trời lang thang, rong chơi cùng năm tháng. Nghe bắt đầu ở nốt rê và những quãng hai lãng đãng tăng dần đến nốt sol (tháng): một chi câu trải ra trong bốn nốt: rê- sol
Ôi đêm đêm cùng tiếng hát, cho vơi niềm thương nhớ, còn gì cho ước mơ : chi câu 2 lập lại hoàn toàn, nhói lên với nốt la ( ước) nên trải ra từ re- la …
Giản dị, không làm khó người hát…Đó chính là nét đặc thù trong giai điệu của NA 9. Tôi biết, Ns đã không muốn người nghe, người hát lạc trong giai điệu và tiết tấu lạ lẫm…
Cô đơn mưa, bàng hoàng…
Sinh ra trên vùng đất Phan Rang nắng và gió nhưng âm nhạc của NA9 lại dài và đầy những cơn mưa lướt thướt. Mưa che ngang mặt, mưa ướt vai gầy, mưa rơi nhỏ hạt, mưa lia khia, mưa lâm li theo cái nghĩa vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách (4) . Tình khúc chiều mưa là một thành công đặc biệt của NA 9 khi nhạc sĩ đã xô mình vào chính những cơn mưa tình nhân hẹn hò nhau trên phố. Ở đây, nếu phiên khúc ở giọng thứ diết da rời rụng thì điệp khúc lại bùng vỡ, sáng lên với cung trưởng những xôn xao: “Chiều mưa ngày nào, sánh bước bên nhau, tin yêu rạt rào, mộng ước mai sau…”. Vâng, là tôi đã nguyện cầu cho họ, những đôi tình nhân trong mưa. Mưa rồi sẽ tạnh, mây rồi sẽ trắng …
Hơn 50 năm sống và gắn bó với Sài Gòn, những mưa nắng thất thường của thành phố này đã ám ảnh NA9 để rồi âm nhạc rối bùng những giai điệu mưa…
Chia tay về, tôi đọc nhỏ tặng NA 9 một bài thơ nhỏ để …kỉ niệm duyên gặp gỡ với người Ns cả đời chỉ có một nỗi đam mê : âm nhạc.
Tóc bạc lòng không bạc
Mười ngón xô phím đàn
Đêm dài. Những thất lạc
Cô đơn mưa, bàng hoàng
Vĩnh Phúc
Tùy bút (gdx)
– 1-2-3 : Ca từ của các bài hát
– 4 : Vế đối của người xưa: Mưa không cài khóa mà lưu giữ người
– Các từ in đậm là tên bài hát trong tập ca khúc Tình khúc Nguyễn Ánh 9