Đây là công cụ khiến âm nhạc ngày nay 10 bài như 1, nhưng như vậy là có lợi hay có hại?

0
1846
Skrillex và Diplo
Sự xâm lăng của công nghệ vào thế giới âm nhạc có lợi hay có hại? Một câu hỏi mà mỗi người lại có một ý kiến, một câu trả lời.
Bạn hãy tưởng tượng âm nhạc cũng giống như một món đặc sản, có những công thức chế biến riêng. Liệu bạn có thể phân biệt được đâu là những “món” được chế biển nhờ các thành phẩm nhân tạo, và đâu là thực phẩm tươi sống được mua từ chợ đầu mối? Có thể bước đầu nếm thử, bạn sẽ thấy cà chua đóng hộp cũng ngon đấy chứ, nhưng bạn chắc chắn thấy sự khác biệt khi tiếp tục nếm thử món với cà chua tươi vừa hái từ vườn về. Vị giác của ta thật kì diệu.
Và thính giác của ta cũng kì diệu không kém, đó chính là lý do tại sao tay trống Greg Ellis muốn người thưởng nhạc phải cảm thụ âm thanh cũng như cách họ thưởng thức một món ăn vậy – phải là một thứ người nghe có thể “nuốt” vào, cảm nhận rõ nó ảnh hưởng tới mình ra sao. Và anh tin rằng ngày nay, đa số người tiếp cận với âm nhạc chẳng khác gì cách họ ăn đồ ăn nhanh: mọi thứ đều đã được xử lý và chế biến, sản xuất với số lượng lớn và hương vị chẳng đa dạng chút nào.
Phần nhiều, sự nhạt nhẽo ấy tới từ công nghệ. Khi mà các nhà sản xuất nhạc dựa nhiều vào máy tính hơn là những nhạc cụ tạo âm thanh sống, thế là “món ăn tinh thần này” bước ra từ một cái máy tính và chuyển thẳng sang những thiết bị nghe nhạc (máy tính, điện thoại, …) của người sử dụng. Thế là mất đi bước thu âm truyền thống.
Ellis, tay trống kì cựu với những âm thanh đã từng xuất hiện trong cả phim bom tấn Hollywood (như Ma Trận, Fight Club, Watchmen, Godzilla hay Iron Man), bỏ thời gian ra để nghiên cứu cái hiện tượng kì lạ trong ngành âm nhạc có tên là The Click này. Đó cũng là tên bộ phim tài liệu anh đang sản xuất.
Vậy Click là cái gì?
Click là từ chỉ một cỗ máy nhịp kĩ thuật số được các nhạc sĩ sử dụng để đảm bảo nhịp điệu trùng khớp một cách hoàn hảo với độ nhanh – nhịp độ của giai điệu nhạc. Nó đã từng là một phương pháp kiểm tra nhạc đơn giản, nhưng giờ đã biến thành một thứ được thấy ở khắp nơi, là một phần không thể thiếu của quá trình thu âm. Nó để lại một tác động sâu sắc lên thứ âm nhạc mà ta đang nghe thời nay.
Bản thân công cụ này chỉ được sử dụng để nhạc được chính xác và liên kết với nhau hơn, thế nhưng khả năng kết nối mọi thứ thành một khối một cách hoàn hảo đã khiến nó tiến xa hơn. Và rồi đột nhiên, người ta trông mong mọi ca sĩ, mọi người chơi nhạc, mọi tay trống phải tạo ra những âm thanh như một chiếc máy có thể làm ra – người ta mong ai ai cũng sẽ đều “sáng tạo” ra cùng một thứ giống nhau.
Minh họa giao diện của một công cụ chỉnh nhạc kỹ thuật số.
Khi mà ca sĩ hát chính lệch tông chút ít, giọng của họ có thể được chỉnh bằng auto-tune. Khi một tay guitar bass lệch tông với tay trống chút ít, phần lệch cũng có thể được xử lý bằng máy để chỉnh sao cho khớp. Rất nhiều nhà sản xuất nhạc pop, hip-hop, R&B ngày any sử dụng những âm thanh tổng hợp có sẵn, được tạo ra bởi máy tính chứ chẳng cần tới những âm thanh con người tạo ra nữa.
Anh Ellis nói rằng ngày nay, người ta chẳng cần nhiều tới tài năng gõ trống của anh nữa. Dù là trong quá khứ, Ellis đã từng song hành với những nghệ sĩ nổi tiếng nhưng với một nhà sản xuất nhạc chỉ biết tí chút về trống và những nhịp điệu kì diệu mà nó tạo ra, người ta sẽ “tiện tay” tạo luôn phần gõ trống cho bản nhạc trên máy tính – trước cả khi anh Ellis đặt chân tới studio thu âm. Và khi anh tới đó, họ sẽ yêu cầu anh chơi lại chính xác bản nhạc kia trên thiết bị click.
Nhiều khi, Ellis còn chẳng được chơi trống xuyên suốt thời lượng bài hát, anh chỉ cần chơi một đoạn và rồi những nhà sản xuất sẽ cắt-dán đoạn trống ấy vào trong sản phẩm cuối cùng. Chính hành động ấy đã khiến âm nhạc không còn sự biến đổi, không còn năng lượng và cũng chẳng còn nét đẹp của những tiếng trống đệm trang điểm cho bản nhạc.
Điều ấy sẽ khiến cho trải nghiệm âm nhạc của chúng ta nhạt nhòa đi. Đó không chỉ là cảm nhận của một người nghệ sĩ hay của một người thưởng nhạc, điều đó được cả khoa học hậu thuẫn: âm nhạc mới đã mất giá trị, không còn làm người nghe bất ngờ nữa. “Công việc của người soạn nhạc là mang tới cho người nghe chúng ta một khoái cảm đặc biệt thông qua những cách lựa chọn giai điệu mà ta không hề biết trước”, đó là bộc bạch của Daniel Levitin, giáo sư thần kinh học và cũng là tác giả của cuốn sách Đây là Bộ não của bạn Khi nghe nhạc – This is Your Brain on Music.
Công nghệ khiến cho việc tạo nhạc sáng tạo hơn xưa, hay mai một đi?
Ellis nói rằng phương thức sản xuất nhạc phổ biến này đang bóp nghẹt dòng sáng tạo. “Tôi không chỉ đích danh nghệ sĩ nào sử dụng thiết bị này, tôi đang chỉ thẳng vào thiết bị ấy, chính ta đã cho phép thứ này điều khiên khả năng cảm nhận âm nhạc và thời gian của ta”, anh Ellis nói.
“Ai ai cũng quen với việc nghe nhạc được khớp một cách chính xác trên thiết bị click và thông qua autotune”, nhà sản xuất nhạc Petros tới từ Los Angeles, đã từng có quá khứ làm việc với những One Direction, Enrique Iglesias hay Dillon Francis đồng ý với Ellis. “Vì thế nếu như một bản thu mà không được xử lý qua những bước ấy, nhạc nó sẽ khác đi”.
Tuy nhiên, Petros và nhiều nhà sản xuất nhạc khác đón chào những tiến bộ khoa học kĩ thuật được áp dụng vào các bản nhạc mới, chứ không coi chúng là một bước đi lùi của nền âm nhạc. Anh nói rằng những bản nhịp trống được máy móc tạo ra và hỗ trợ tạo ra có giá “mềm” hơn, dễ dàng sản xuất hơn, chính xác hơn và theo một cách nào đó, chúng lại cho ta NHIỀU đất sáng tạo hơn, chứ không “bóp nghẹt dòng sáng tạo” như anh Ellis bày tỏ.
Khi kết hợp sản xuất nhạc với một tay trống thực, nhà sản xuất sẽ có rất ít số âm thanh có thể sử dụng để tạo nhạc, nhưng với một chương trình máy tính thì ngược lại, họ có thể làm thử nghiệm với vô vàn các âm thanh khác nhau mà lại rất nhanh chóng, dễ dàng. Họ có thể “làm thí nghiệm” hàng giờ cho tới khi tìm ra đâu là giai điệu vừa ý mình nhất.
Ảnh từ video Runnaway của rapper Kanye West.
Petros cũng nói rằng trong số những người bạn là nhà sản xuất nhạc của mình, rất ít người biết cách thu âm với một bộ trống thực. Nhưng anh cũng đưa ra ví dụ cho thấy rằng phần lớn những người giữ thứ hạng cao trên bảng xếp hạng nhạc Billboard còn chẳng được huấn luyện âm nhạc bài bản. Từ đó, một câu hỏi mới đặt ra: vậy việc huấn luyện ấy có còn cần thiết nữa không?
Edward Sharpe và ca sĩ Alex Ebert lại có suy nghĩ rằng thời này, việc tạo nhạc đã trở nên quá dễ dàng cho bất kì ai, người ta chỉ cần một cái máy tính và vài ba phần mềm miễn phí.
Do đó, trong số những nhà sản xuất nhạc và những nghệ sĩ đương thời, đã không còn nhiều những người thành thạo trong việc làm nhạc – điều mà cả hai anh Sharpe và Ebert gọi là “một tổn thất không hề nhỏ”.
Tuy vậy, họ không cho rằng công nghệ là mặt xấu của nghệ thuật. Suy cho cùng thì chính công nghệ đã mở đường cho những dòng nhạc mới, những cách kết hợp âm điệu mới mang tính cách mạng. Họ chỉ phản đối cách người ta sử dụng công nghệ như một cái nạng chống đỡ những tác phẩm âm nhạc, chứ chẳng còn là những công cụ sáng tạo nhạc mới. “Những thành công mới trong lĩnh vực âm nhạc chỉ còn sản phẩm của là việc nhai lại một cách tinh tế”.
Không phải ai cũng đồng ý như vậy. Điển hình là Robert Margouleff, một kĩ sư thu âm nổi tiếng với việc cách mạng hóa cách sử dụng thiết bị synthesizer – một nhạc cụ điện tử có khả năng thực hiện được những âm thanh khác nhau, kể cả những nhạc cụ khác – trong các album nhạc của huyền thoại Stevie Wonder. Margouleff gọi chiếc laptop là “nhạc cụ dân gian của thời đại này”. Chính nó đã dẫn đầu cuộc cách mạng âm thanh, cho ta những thứ âm nhạc mới mà đồng thời, hạ mức kĩ năng yêu cầu để tạo nhạc xuống, cho phép một nghệ sĩ có thể tạo ra những siêu phẩm ngay trong phòng ngủ nhà họ.
Thế còn chúng ta, những người dùng được gọi là những “thượng đế”, rằng mọi sản phẩm làm ra là để phục vụ mình, nghĩ gì? Khi mà âm nhạc trở nên “máy móc” hơn, xu hướng tiêu dùng của ta sẽ ra sao?
Làm cách nào mà các thiết bị ta dùng để nghe nhạc thay đổi những thứ mà ta nghe được?
Anh Ellis tin rằng công nghệ không chỉ ảnh hưởng tới công đoạn sản xuất nhạc, cách mà nó được lưu trữ hay cách mà chúng ta thưởng thức nhạc cũng đã thay đổi – với công nghệ, chúng ta đã không còn cảm nhận được sự ấm áp của giai điệu, những cảm xúc vui sướng mỗi khi một bản nhạc hay vang lên. “Có vô vàn mất mát xảy ra một khi một giai điệu nhạc rời khỏi studio”, giáo sư kỹ thuật điện Chris Kyruakakis cho hay, đồng tình với anh Ellis. “Về cơ bản, là mọi thứ tuột dốc không phanh từ thời điểm đó”.
Đâu phải ai cũng sở hữu một dàn loa “xịn” để thưởng nhạc.
Các kỹ sư ném các giai điệu lại để biến chúng thành một tệp tin có thể được đọc bởi vô vàn các thiết bị khác nhau. Hành động nén file này đã khiến thông tin trong file bị mất, và thông tin còn mất nhiều hơn nữa, tùy theo từng hệ thống ta sử dụng để chơi bản nhạc ấy. Cứ như là “một bảng màu sặc sỡ bị mai một dần, chỉ còn những màu cơ bản vậy”, anh Ellis nói. Khi nghe nhạc bằng những thiết bị “đểu”, như thông qua một tai nghe rẻ tiền hay qua loa ngoài điện thoại, nhạc sẽ bị mất đi những phần bass, những phần guitar hay những nhịp trống vốn có. Thế là ta phải nghe một phiên bản nhạc đã tệ rồi lại còn tệ hơn nữa.
Cuối cùng thì loại nhạc nào sẽ hợp tai ta hơn đống còn lại?
Liệu rằng loại nhạc máy móc có những ảnh hưởng khác biệt lên não bộ chúng ta không?
Nhà khoa học thần kinh Levitin nói rằng ta không rõ là âm nhạc tạo ra bởi phương pháp truyền thống tốt cho não bộ hơn âm nhạc được tạo ra bằng cách công cụ điện tử. Nhưng có một điều ta biết chắc, đó là một giai điệu ổn định sẽ có khả năng cao khiến người nghe bước vào trạng thái “xuất thần say đắm”, bởi lẽ các neuron thần kinh trong não ta sẽ phát ra những tín hiệu đồng điệu với nhịp nhàng. Levitin nói rằng trạng thái xuất thần này có thể “giúp bạn thư giãn và đạt được một cảnh giới cao nào đó mà bình thường không với tới được”.
Giáo sư Levitin cũng là đồng tác giả một nghiên cứu cho thấy con người nghe nhạc giống nhau sẽ có những sóng não đồng điệu. Và trong số các nghiên cứu ấy, một thử nghiệm cho thấy rằng trong một buổi hòa nhạc, những thính giả sẽ cảm thấy thấu cảm hơn và gắn kết hơn với nhau, nếu như họ có thể nhìn thấy người nghệ sĩ đang biểu diễn.
Đó chính là sự khác biệt, khi mà thời nay, đa số người chọn cái màn hình máy tính/điện thoại làm bạn và không còn trực tiếp chứng kiến những nghệ sĩ đại tài đứng trên sân khấu.
Những câu hỏi trên, những ý kiến đối lập trên, những tranh luận trên sẽ được bản thân tay trống Greg Ellis trả lời trong bộ phim tài liệu The Click, mà trong đó anh sẽ đi qua nhiều vùng đất để khám phá những giai điệu nhạc của từng nhóm người, hay tới thăm những cộng đồng âm nhạc lớn, những nhạc sĩ gạo cội để hỏi và phỏng vấn họ.
Anh nhắm tới việc tìm ra những giá trị đã mất, trong thời đại mọi nguồn âm nhạc hiện nay đều bị những thứ âm nhạc quá ư hoàn hảo chiếm ưu thế tuyệt đối.
(trithuctre)