Nếu nghệ thuật là một cuộc chơi hành nghĩa thì nghệ sĩ vừa là người dự phần vào cuộc chơi đó vừa là người thích bày thêm những cuộc chơi mới cho riêng mình. Đọc bản thảo tập thơ “Eo óc cung bậc” với 75 bài thơ được chia ra làm 3 phần mang dáng dấp cấu trúc của một tác phẩm âm nhạc: (1) Khúc dạo xanh; (2) Eo óc cung bậc; và (3) Lặng trắng, tôi biết Châu Đăng Khoa đang lặng lẽ dấn mình vào một trò chơi mới, trò chơi của chữ và nghĩa, đúng hơn là trò chơi gõ – chữ – vọng – nghĩa giữa cuộc đàn còn dang dở.
Nếu Khúc dạo xanh mở đầu với “gió đưa nhạc ngựa về trời/ gởi thăm thẳm/ mộng/ bên đời buồn vui…” hé mở những âm điệu tự sự trữ tình về những giấc mộng ngày xanh với những bài thơ lục bát truyền thống được ngắt nhịp vắt dòng để nhấn ý gợi nghĩa.Và, chỉ tạm khép lại khi guitarist Châu Đăng Khoa “nhớ em cuống quýt bàn tay…” và rồi bâng quơ: “mở đêm phóng thích/ cuộc ngày chang chang…” thì Eo óc cung bậc, dù với “sáng đô trưởng thướt tha hoa cỏ”,” Trưa si giáng trưởng điền dã/ ve hát phù du”, hay “Ngoái nhìn/ quá khứ rê thứ/ cà phê đậm/ đen trầm mặc/ lửa/ khói tương lai”, giọng thơ của nghệ sĩ guitar Châu Đăng Khoa vẫn “vỡ từng nốt guitare/ hợp âm nghịch/ rải ngược nốt trầm mê dại”.
Có thể nói, chính trong phần “Eo óc cung bậc”, Châu Đăng Khoa mới thật sự dấn mình vào cuộc phiêu lưu gõ – chữ – vọng – nghĩa theo cách riêng của mình. Dường như đôi bàn tay đã quá quen thuộc với thanh âm của từng vị trí trên fredboard guitar, cũng như đôi tai đã quá quen trong việc bóc tách từng nốt của các hợp âm thuận, nghịch của âm nhạc cổ điển, nay muốn lật tung những con chữ, đảo lộn trật tự những con âm, xô lệch nhịp điệu, đảo phách, thay đổi tiết tấu liên tục để những con chữ như một thứ phún xuất thạch đột ngột trào tuôn và biết tự hành nghĩa. Trong ý nghĩa đó, có thể nói “Eo óc cung bậc” là một phát lộ khác, là những câu thơ được phóng thích giữa cuộc đàn, mà bình thường Châu Đăng Khoa vốn tự trói buộc mình trong khuôn khổ của những chuẩn tắc sáng tạo của âm nhạc cổ điển nên đã tự đánh mất cơ hội tỏ bày?
Và, Lặng trắng là những trải nghiệm lắng đọng giữa “cuộc ngày chang chang”, sau khi “búng một hợp âm nghịch/ khép”, và là những vọng âm bời bời của “Vạc chiều lay lắt âm vang/ Man man dâu bể hẹn ngàn năm sau” .
Tuy có “Eo óc cung bậc”, nhưng tập thơ vẫn khép lại với một giai điệu đậm chất cổ điển, nghe như một tiếng thở dài mang âm hưởng lãng mạn của một tay guitar tài hoa giàu trải nghiệm:“Ngàn sau hồn mộng ban đầu/ Vòm trăng / góc nhớ / ấm màu khói xưa”.
Âm nhạc cũng như thi ca là cuộc chơi dành cho tất cả mọi người. Dù vậy, ai đã từng tham dự cuộc chơi này đều thấm thía cái câu: “nghề chơi cũng lắm công phu”. Riêng tôi, mặc dù rất thú vị với những câu thơ được phóng thích giữa cuộc đàn của Châu Đăng Khoa, nhưng tôi vẫn chờ để được nghe những “Eo óc cung bậc” trong những ca khúc của Châu Đăng Khoa sắp trình làng, cũng như trong chính cách trình tấu guitar cổ điển độc đáo của anh, dẫu biết rằng, rồi ra tất cả cũng chỉ là những “tiếng dội của hư không” ?!
Nguyễn Thanh Bình (gdx)