Nhạc Việt: sẽ hồi sinh ?

0
1053

Qua rồi cái thời lên án ca từ nhảm nhí, những hình ảnh lấn sân mờ nhạt, sự khủng hoảng nhạc Việt đang nằm ở một tầng khác: tầng xung đột của chính những trí thức vốn thường im tiếng trước sự xuống dốc của nền nhạc Việt.

Xung đột của người làm văn hóa

Đỉnh điểm vừa qua, là hai nhân vật tiêu điểm, hai nhạc sĩ hai miền: Nguyễn Ánh 9 và Quốc Trung. Chỉ với một cuộc trò chuyện mang tính thân tình với phóng viên và được đưa lên thành ý kiến chính thức trong bài phỏng vấn, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã gặp một scandal với các ca sĩ Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng,… Chưa dừng ở đó, ý kiến phản biện của người trong cuộc và những người quan tâm lại gây thêm một cơn sóng cho làng âm nhạc. Và sự phản bác của Đàm Vĩnh Hưng khi gọi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là “ngụy quân tử” đã làm dư luận xôn xao. Để sau đó lại nối tiếp hài kịch: xin lỗi lẫn nhau với nước mắt ngắn dài.

Nhạc sĩ Ngọc Đại – được biết khi phổ thơ Vi Thùy Linh với tiếng hát Hà Trần, với bộ ba Đại – Lâm – Linh cũng đã gây thêm bức xúc cho người yêu nhạc khi nói: “Nguyễn Ánh 9 là ai tôi còn chưa biết, còn Đàm Vĩnh Hưng và Thanh Lam… thì tôi biết khá rõ”!

Bolero, hay nhạc sến – một dòng nhạc len lỏi và sống âm ỉ trong lòng người nghe nhạc, đặc biệt tại miền Nam, từ bao đời nay. Gần đây, dòng nhạc này nổi lên một cách mạnh mẽ, lan truyền đến giới trẻ mà có thể nói sức ảnh hưởng lớn thuộc về hai ca sĩ thị trường là Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên. Và cũng trang VTC điện tử đã gây thêm một “trường” náo loạn với loạt bài chê bai dòng nhạc sến. Trong đó, nhạc sĩ Quốc Trung đã nhận định: “Những thanh niên, trí thức trẻ tuổi thông thạo công nghệ, sành điệu hoặc sở hữu những bộ dàn Hi-End đắt tiền những lại đắm đuối với những ca khúc uỷ mị, sướt mướt có cách đây gần 100 năm thì có gọi là bình thường hay không?”.

Đồng nghiệp của Quốc Trung, nhạc sĩ Huy Tuấn cũng cho rằng “phong trào người người hát nhạc xưa nhạc sến hiện nay là một việc làm hoàn toàn nghiệp dư và thiếu nhận thức về con đường đi của mình, đá nhầm sân chỉ là sự a dua mà thôi”. Chạm đến một cá nhân có sức ảnh hưởng, đôi khi là chạm đến cả một thế hệ công chúng. Nhưng chạm đến cả một dòng nhạc, lại là sự đụng chạm đến cả một phông văn hóa.

Những nhân vật được xem là kín tiếng với scandal, với những phát ngôn cẩn trọng đã lên tiếng. Còn trước đó, nhiều người làm nghề chân chính đã rút mình vào hậu trường, bởi ngao ngán sự phát triển loạn xạ của nền âm nhạc hiện đại. Ca sĩ mới thoắt nổi thoắt chìm ngay khi chưa kịp biết đến tác phẩm. Họ được nhớ đến bằng những cụm từ không liên quan âm nhạc như “hotgirl ngực khủng”, hay bởi sự xuất hiện bằng cách pr hình ảnh với những nghệ sĩ đã có “name”… Thực trạng đó làm người có tâm với âm nhạc không khỏi hoang mang: nền nhạc Việt đang đi vào ngõ cụt?

Sau “chiến tranh” là hồi sinh?

Trước những cuộc “nội chiến” trong âm nhạc, ít người đủ khách quan để nhận ra bản chất vấn đề mà không bị lôi vào những cuộc tranh cãi ngoài âm nhạc. Trên báo Vietnamet, nhạc sĩ Tuấn Khanh đã phát biểu về những lùm xùm trong vụ Đàm Vĩnh Hưng – Nguyễn Ánh 9: “câu chuyện hôm nay là sự bùng nổ ngẫu nhiên, và cũng đúng thời điểm mà giới chuyên môn cũng như khán giả đã quá mệt mỏi với một nền giải trí son phấn, kèm nhiều sự giả tạo bao trùm đời sống”.

Cũng nhạc sĩ Tuấn Khanh từ cách đây 2 năm đã nhận định: “Chiếu theo sự phát triển của âm nhạc thương mại và hỗn loạn của âm nhạc nói chung từ 5 năm qua, biểu đồ của sự suy đồi đang là một đường thẳng đứng chưa có điểm dừng lại.

Để trách móc một tác giả, tác phẩm… tôi nghĩ chúng ta làm chuyện thiếu công bằng là trách bữa cơm có nhiều sạn, mà quên đi cánh đồng do chính nền văn hóa và xây dựng con người của xã hội tạo ra. Trách là trách cả một hệ thống bao gồm từ giáo dục, văn hóa cho đến truyền thông đã cùng góp tay tạo nên thảm họa này.

Chúng ta chưa bao giờ thật sự có một nền Vpop hay một dòng nhạc gọi là “dân gian đương đại”. Đó thật sự chỉ là những ngôn ngữ hàm chứa sự mơ ước hay ở cấp thấp hơn, dân chúng vẫn gọi là “tự vẽ bùa mà đeo”. Nền âm nhạc Việt vẫn là một vũng lầy mà những người tham gia ngụp lặn trong đó, cứ ngỡ là mình đang tắm gội trong một đại dương. Vì lẽ đó, “thảm họa Vpop” chỉ là câu chuyện riêng của vũng lầy, chẳng là gì với đại đa số công chúng tử tế và tinh tường vẫn đang mỗi ngày nhìn và cười mỉa cho những gì đang diễn ra trước mắt họ”.

Một trong những người tâm huyết với nhạc Việt, ca sĩ Ánh Tuyết đã trả lời báo Thanh Niên: “Tôi nghĩ, cần thiết chúng ta là những người đang làm văn hóa cho nghệ thuật, mà nghệ thuật lại là mũi nhọn tiêu biểu sắc thái văn hóa của một dân tộc nữa! Vậy nên tôi nghĩ, những người làm văn hóa nghệ thuật thực thụ cùng công chúng yêu mến văn hóa nghệ thuật và những người có trách nhiệm của ngành truyền thông đã đến lúc cần phải lên tiếng cảnh tỉnh ý thức đạo đức người làm văn hóa nghệ thuật và nhất quyết phải loại bỏ điều này!”

Đã từng có rất nhiều hội thảo, diễn đàn về chấn hưng nhạc Việt. Ngay cả việc thành lập Chi hội Âm nhạc thịnh hành thuộc Hội Âm nhạc TPHCM nhằm thay đổi cách tiếp cận khán giả, cách làm nghề của ca sĩ. Nhưng dường như tất cả chỉ dừng lại ở việc nêu ra thực trạng mà không có một giải pháp tối ưu. Ai đó đã từng lạc quan, sau những cơn bão của sự đổ nát sẽ là phút bình lặng để hồi sinh. Đã tới lúc hồi sinh chưa? Khi chưa bao giờ, hồi chuông cảnh báo cái chết của nhạc Việt được gióng lên mạnh mẽ như bây giờ. Thay vì mất tỉnh táo để tạo ra “nội chiến”, đây là lúc những trí thức nhạc Việt cần chung tâm huyết để bắt tay nhau một cách mạnh mẽ chấn hưng. Gần đây cơ quan chức năng đã mạnh tay hơn, khi quyết định cấm biểu diễn Angela Phương Trinh và “bà Tưng”. Khi sự tự ý thức đã không đủ thì có lẽ nên dùng biện pháp nghiêm khắc. Như biện pháp chế tài với nạn đua xe ở Đà Nẵng: Nếu đua xe sẽ bị tịch thu phương tiện bán và xung công quỹ để ủng hộ người nghèo, không có chuyện phạt, gọi điện hay nhờ vả xin xỏ.

Khiết Văn (gdx)