Nghệ sĩ trẻ cách tân âm nhạc truyền thống

0
360
Nhóm ngũ tấu đàn bầu biểu diễn tác phẩm khúc tùy hứng "Lý ngựa ô" của nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Quang Hưng.

Thời gian gần đây, trên thị trường âm nhạc đón nhận nhiều sản phẩm âm nhạc khá nổi bật của các nghệ sĩ trẻ, trong đó nhiều sáng tác, MV đã kết hợp khéo léo giữa chất liệu văn học, nghệ thuật truyền thống, lịch sử, kết hợp với Rap, nhạc điện tử sôi động. Những sản phẩm này bước đầu đã được khán giả ghi nhận, yêu thích và người nghệ sĩ đang như những “chiến binh” trong việc đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với công chúng, nhất là đến với người trẻ.

Những phá cách độc đáo

Mới đây, ca sĩ Hà Myo đã cho ra mắt MV hát xoan “Trò chơi… í a… Trời cho” như một tấm vé đưa khán giả về với tuổi thơ qua các trò chơi dân gian Việt Nam. Đây là tác phẩm mới đầu tiên về hát xoan với sự đầu tư lớn nhất từ trước tới nay và cũng là lần đầu tiên có một bài hát xoan được kết hợp với âm nhạc điện tử hiện đại, trẻ trung cùng với Rap mà vẫn mang đậm nét văn hóa Việt Nam.

Hà Myo mong muốn lan tỏa nghệ thuật hát xoan – một môn nghệ thuật lâu đời vốn là niềm tự hào trong văn hóa dân tộc Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nội dung MV đề cập tới thế hệ trẻ thời hiện đại bị cuốn vào những thói quen mới và dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội mà đánh mất sự kết nối thật sự.

Trước đó, nữ ca sĩ sinh năm 1993 đã cùng với nhà sản xuất âm nhạc Ngô Thế Phương tâm huyết ra mắt những MV hát xẩm với sự kết hợp độc đáo giữa xẩm, Rap và EDM, như: “Xẩm Hà Nội”, “Xẩm xuân xanh”, “Xẩm xuân chúc phúc”, “Xẩm bốn mùa hoa Hà Nội”, “Xẩm Thập Ân”, “Công cha nghĩa mẹ sinh thành”… Sau hát xẩm, hát xoan, chắc chắn Hà Myo còn tiến đến những loại hình âm nhạc dân tộc khác như khẳng định của chị tại buổi họp báo ra mắt MV hát xoan “Trò chơi… í a… Trời cho”: “Sẽ có những ý tưởng mới, sẽ có những sản phẩm mới, khai thác và làm mới nghệ thuật truyền thống. Tất nhiên sẽ có nhiều khó khăn, nhưng tôi sẵn sàng vượt qua nếu làm cho khán giả, nhất là giới trẻ yêu mến bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc”.

Nhắc đến những nghệ sĩ trẻ tâm huyết với âm nhạc dân tộc có lẽ sẽ là thiếu sót nếu không nói đến nghệ sĩ Ngô Hồng Quang. Tháng 8 vừa qua, nam ca sĩ quê Hải Dương đã tham gia vào chiến dịch “Ngân nga Việt Nam” – chiến dịch quảng bá du lịch thông qua âm nhạc truyền thống do TikTok cùng Tổng cục Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Du lịch Việt Nam thực hiện. “

Ngân nga Việt Nam” là tác phẩm thỏa mãn nhu cầu nghe của đa đối tượng công chúng khi kết hợp giữa những làn điệu cổ truyền (quan họ, ca Huế và cải lương) với âm nhạc hiện đại. Theo vị nhạc sĩ này chia sẻ, “Ngân nga Việt Nam” bao gồm nhiều yếu tố mới. Nổi bật nhất trong đó phải kể đến sự kết hợp của 3 giai điệu âm nhạc cổ truyền tạo thành liên khúc. Phần rung nhấn của quan họ và ca Huế có nhiều điểm chung, riêng đến cải lương lại là tông điệu khác, do đó Ngô Hồng Quang đã phải tạo ra cầu nối để dẫn dắt mọi thứ về chất liệu cải lương. Anh đã sử dụng yếu tố âm nhạc mới mẻ – beatbox của nhạc sĩ Trung Bảo làm chất kết dính để kết nối 3 giai điệu trên trở nên liền mạch, thêm vào đó là phần hòa âm hiện đại, đảo phách nhịp nhàng mang âm hưởng quốc tế.

Là nghệ sĩ cùng thời với Ngô Hồng Quang, nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Quang Hưng cũng là gương mặt nổi bật trong việc đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với công chúng. Anh là đạo diễn âm nhạc ba bộ phim mang đậm chất dân gian: “Ma làng”, “Gió làng Kình”, “Thương nhớ ở ai” và nhiều chương trình nghệ thuật, nhà sản xuất với nhiều sản phẩm âm nhạc cho các ca sĩ dòng dân gian, như ca sĩ Mai Thương, Hồng Duyên… Là nghệ sĩ đàn bầu, anh đã có nhiều sáng tạo trong cách chơi nhạc cụ độc đáo này. Mới đây trong chương trình nghệ thuật “Cung đàn thương nhớ” tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam nhiều khán giả bất ngờ khi có sự xuất hiện của nhóm ngũ tấu đàn bầu (NSND Hoàng Anh Tú, NSƯT Kim Thành, NSƯT Lệ Chi, NSƯT Lệ Giang, NSƯT Quang Hưng) biểu diễn tác phẩm khúc tùy hứng “Lý ngựa ô”được NSƯT Quang Hưng chuyển soạn từ bài dân ca “Lý ngựa ô” của Thừa Thiên Huế, kết hợp Guitar bass và trống.

Góp mặt trong việc cách tân âm nhạc dân tộc còn có ca sĩ Cao Bá Hưng với nhiều sản phẩm âm nhạc, trong đó có MV “Kết duyên tơ hồng”. Không chạy theo phong cách ballad phổ biến vốn được công chúng dễ dàng đón nhận, Cao Bá Hưng chọn con đường khó đi hơn khi quyết định giữ cái tôi âm nhạc của mình, cho ra một bản phối mang phong cách Pop hiện đại kết hợp âm hưởng chất dân ca Bắc bộ. Hay nghệ sĩ Đinh Nhật Minh biểu diễn sáo trúc trên nền nhạc điện tử rồi biểu diễn sáo trúc với vũ đạo. Rồi ca sĩ Hoàng Thùy Linh đã thành công trong việc thể hiện các ca khúc có đưa vào chất liệu lịch sử, văn học, trong đó, nổi bật là MV “Ðể Mỵ nói cho mà nghe” thuộc thể loại pop có tiết tấu sôi động pha chất nhạc dân gian ngũ cung. Bên cạnh đó, còn nhiều ca sĩ trẻ cũng chọn cách thể hiện rất riêng khi kết hợp âm nhạc hiện đại với âm nhạc dân tộc, như: Ðức Phúc, Erik, Hòa Minzy…

Làm mới nhưng không bóp méo

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang cho biết, một tác phẩm âm nhạc dân tộc, nếu chỉ giữ nguyên bản gốc thôi thì chưa đủ. Giá trị của tác phẩm vẫn vậy nhưng sức lan tỏa thì chưa có. Nếu muốn tác phẩm ấy được biết đến nhiều hơn, tiếp cận với bạn bè quốc tế, nghệ sĩ phải tìm ra cách kết nối văn hóa hóa giữa các nước với nhau, có tư duy cởi mở trong vấn đề chia sẻ. Nghệ sĩ vẫn sử dụng chất liệu âm nhạc dân tộc nhưng lan tỏa nó bằng nhiều hình thức khác nhau để tác phẩm không mất đi giá trị.


Ca sĩ Hà Myo và các nghệ sĩ biểu diễn ca khúc “Trò chơi… í a… Trời cho”.

“Để sử dụng và khai thác âm nhạc dân tộc hiệu quả trong thị trường âm nhạc thế giới, theo tôi cần phải chắt lọc những thứ tinh tuý nhất của âm nhạc Việt và đưa nó vào một không gian mới, trong không gian đó có những yếu tố toàn cầu ví dụ như nhịp điệu, hòa âm, âm sắc, nhạc cụ và sự trộn lẫn cởi mở có chắt lọc của các nền văn hóa âm nhạc trên thế giới. Tôi cho rằng, để làm được việc này, cần phải thực sự tìm hiểu và tôn trọng giá trị nguyên bản của âm nhạc dân tộc và ứng xử nó trong môi trường âm nhạc đa chiều một cách đúng nghĩa”, anh khẳng định.

Là con “nhà nòi” khi là cháu nội của NSƯT Đinh Thìn, con trai của NSƯT Đinh Linh, nghệ sĩ 9X Đinh Nhật Minh sớm nhận ra thời đại mới thì không thể giữ nguyên cách thổi sáo như thế hệ của ông nội và cha anh. Anh đem đến “giao diện” của một nghệ sĩ Pop trẻ hiện đại và sành điệu: quần jean rách, tóc nhuộm nâu đỏ, giày thể thao trắng tinh cùng khả năng vũ đạo chuyên nghiệp.

“Thế hệ khán giả cứ thay đổi liên tục thì tại sao mình không bắt đầu từ sở thích của khán giả để cùng đưa họ tìm đến nguồn cội? Kết hợp giữa truyền thống với hiện đại là cách mà các nghệ sĩ âm nhạc dân tộc hướng đến nếu không muốn bị khán giả quay lưng”, nghệ sĩ Đinh Nhật Minh nhấn mạnh.

Là người tiên phong trong việc làm mới âm nhạc dân tộc nhưng nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Quang Hưng quả quyết cho rằng: “Làm mới nhưng không bóp méo, biến dạng âm nhạc dân tộc”. Theo anh, những chất liệu hay lối thể hiện đòi hỏi người nghệ sĩ phải chắc về chất liệu âm nhạc dân gian vùng miền để làm mới. Từ kinh nghiệm bản thân, anh đã phải nghe nhiều dòng nhạc khác nhau để từ đó có thể kết hợp những nét tươi mới từ các loại nhịp, những âm hình tiết tấu, kiến thức hòa âm cũng như các chất liệu âm nhạc khác nhau để hòa trong những bài nhạc truyền thống thêm phong phú, đa dạng mang sức sống mới và cuốn hút hơn.

Ngô Khiêm (HNS)