Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Chuyện bây giờ mới kể

0
617
Phạm Tuyên (bên phải) thời trẻ với cây đàn phong cầm.

Chậm rãi bước lên phòng P305 nhà N2, ngõ 36 phố Vạn Bảo, quận Ba Đình – Hà Nội, tôi gõ cửa. Một người giúp việc ra mở. Còn nhạc sĩ Phạm Tuyên từ trong buồng bước ra tươi cười đón khách. Căn phòng này tôi đã đến nhiều lần và cũng có nhiều kỷ niệm. Chiếc bàn kê giữa gian phòng, có khá nhiều sách báo, xung quanh là tủ tài liệu, những hiện vật, kỷ niệm của một chặng đường cách mạng và hoạt động âm nhạc của ông: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, các Huân chương, Bằng tôn vinh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2011… Hóa ra đây chính là sợi dây để ông không bị xa rời với cuộc sống bên ngoài…

Từ “cậu ấm” con quan…

Quê nội ở làng Hoa Đường, huyện Bình Giang (Hải Dương), nhưng ngôi nhà số 5 phố Hàng Da, Hà Nội là nơi cất tiếng khóc chào đời. Suốt tuổi niên thiếu Phạm Tuyên sống với cha mẹ trong ngôi biệt thự Hoa Đường bên sông An Cựu, cố đô Huế…

Phạm Tuyên là con thứ 9 (con trai thứ 4) của ông Chủ bút báo Nam Phong – Phạm Quỳnh, từng nổi tiếng với câu nói “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn” từ những năm đầu thế kỷ trước. Cha ông là một học giả, nhà văn hóa lớn, năm 1932 được triều đình Huế triệu về kinh, trao cho chức Ngự tiền Văn phòng, đến khi Nhật đảo chính Pháp, ông từ quan lui về ở ẩn.

Sau ngày gia biến tháng 9/1945, Phạm Tuyên tham gia các hoạt động của thanh niên, sinh viên, 19 tuổi đã trở thành anh bộ đội Cụ Hồ. 20 tuổi gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, từng là đại đội trưởng Trường thiếu sinh quân Việt Nam, rồi cán bộ phụ trách văn thể mỹ ở khu học xá Trung ương (Nam Ninh – Trung Quốc) thuộc Bộ Giáo dục. Năm 1958, ông về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, trải qua các chức vụ: Trưởng phòng Ca nhạc – Trưởng đoàn Ca nhạc, Ủy viên Ban Biên tập Văn nghệ, rồi 8 năm (1979- 1987) làm Quyền Trưởng ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật – Ủy ban Phát thanh – Truyền hình Việt Nam…

Đến người nhạc sĩ của nhân dân

Cho tới lúc nghỉ hưu (1994), nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác khoảng 700 ca khúc trữ tình cách mạng.

Âm nhạc Phạm Tuyên là biên niên sử bằng âm thanh mà có đỉnh, có “bia tạc” hẳn hoi. Từ người thợ rừng, thợ mỏ, đến người dân bám biển đến những con đường, chiếc gậy Trường Sơn, anh bạn Mỹ gảy đàn bên kia bán cầu… Từ lá thư hậu phương, câu hát mẹ ru, ngã tư đường phố đến hình ảnh cô gái đồng chiêm…. đều hiện lên trong khuông nhạc.

Năm 1960, kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cả nước phơi phới vang lên ca khúc Đảng đã cho ta một mùa xuân. 15 năm sau (1975), cả dân tộc rộn ràng trong khúc ca Như có Bác trong ngày đại thắng.

Nếu Tiến quân ca của Văn Cao là dấu mốc của thời kỳ giành chính quyền cách mạng, Chiến thắng Điện Biên Phủ của Đỗ Nhuận trong giai đoạn chấm dứt 9 năm kháng chiến chống Pháp, thì ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng là mốc son trong cuộc chiến tranh thống nhất non sông. Riêng một tác phẩm này mà ông được nhận Huân chương lao động hạng Ba, một điều chưa có tiền lệ.

Cho tới lúc nghỉ hưu (1994), nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác khoảng 700 ca khúc trữ tình cách mạng.

Phạm Tuyên đã tạo nên hai nốt nhấn rất ấn tượng trong sự nghiệp âm nhạc. Đó là đề tài về Đảng, đất nước và âm nhạc cho trẻ thơ. Với hơn 200 ca khúc, có một phần ba là âm nhạc cho mọi lứa tuổi thiếu nhi: Đêm pháo hoa, Trường cháu là trường mầm non, Cô và mẹ, Chiếc đèn ông sao, Tiến lên đoàn viên… Hầu hết những tác phẩm ấy, ông được người bạn đời – PGS,TS tâm lý học Nguyễn Ánh Tuyết giúp sức. Bà là người mẹ của hai con, khi còn tại thế bà là bạn tri âm của chồng.

Các chuyên gia âm nhạc đánh giá: Âm nhạc Phạm Tuyên giản dị, có tính phổ cập mà vẫn trí tuệ. Ông viết nhiều, sáng tạo theo bản năng chứ không bị lệ thuộc vào những trường phái này hay trường phái khác. Có lần ông đã chuẩn bị hành trang rất chu tất đi học ở nước ngoài, về sau lại có lệnh thôi không đi nữa. “Thế cũng có cái hay” – Ông nói vậy.

Sinh thời, GS Văn Tạo coi Phạm Tuyên là người trí thức dấn thân. Nhà thơ Trần Đăng Khoa có lần nhận xét, Phạm Tuyên đã biến nỗi đắng đót trong cõi lòng mình thành sắc hoa vàng. Nhưng trước hết, Phạm Tuyên còn chói sáng một đức tin. Với niềm tin, ông đã sống, đã sáng tạo và cống hiến.

Với nhạc sĩ, chuyện bây giờ mới kể  

Quê cha ở Hải Dương, quê mẹ làng Nhân Vực (Văn Giang,Hưng Yên). Từ nhỏ Phạm Tuyên lại sống ở Huế, chưa một lần về quê ngoại.

Còn nhớ năm 2009, khi đi tìm tài liệu viết cuốn sách Phạm Quỳnh, con người và thời gian, tôi đã về quê mẹ Phạm Tuyên. Ở đây có một câu chuyện cảm động mà Phạm Tuyên không ngờ tới.

Chuyện thế này: Vào mùa đông năm 1937, với tư cách Ngự tiền văn phòng, Phạm Quỳnh đi kinh lý Bắc Hà, đã về thăm quê vợ. Ông quan cũng là giai tế đã cung tiến đình làng một đôi câu đối và bức hoành phi với bốn chữ đại tự “Thông minh chính trực”. Bức hoành ghi rõ: Bảo Đại Đinh Sửu đông (Mùa đông năm Đinh Sửu -1937, triều Bảo Đại – tác giả chú). Phần lạc khoản ghi “Tả đại học sĩ lãnh Giáo dục bộ Thượng thư sung Ngự tiền Văn phòng Tổng lý cơ mật đại thần Phạm Quỳnh bái”.

Thấy lạ, hỏi dân làng mới biết, hóa ra suốt những năm chiến tranh, ngôi đình là kho của quân đội, chẳng ai qua lại, rồi hòa bình, kho chuyển đi. Thời trước cũng có người đọc được chữ Hán thì bảo hoành phi đề chữ “Thông minh chính trực”. Ý nghĩa biết bao! Còn những chữ Hán đề lạc khoản, chả ai biết là của Phạm Quỳnh… Bởi thế đến nay vẫn còn.

Chưa hết, làng Nhân Vực có ngôi chùa thờ Phật, nhưng trong chùa có một cái khám thờ bằng gỗ đặt nép bên tường, lâu ngày chân khám đã mục, được kê bằng mấy viên gạch. Trong khám có bài vị gia tiên bà Lê Thị Vân (là phu nhân của Phạm Quỳnh) cũng tức là mẹ của nhạc sĩ Phạm Tuyên… Những câu đối khắc trên khám bằng chữ Hán, dịch ra nghĩa là:

Trăm năm che chở cho con cháu

Muôn đời nghi ngút giữ khói hương

Người già ở đây kể rằng, sau ngày hoà bình lập lại 1954, gia đình ông ngoại Phạm Tuyên vào Nam. Khi cải cách ruộng đất năm 1955, thấy nhà cửa ruộng vườn không có chủ, chính quyền địa phương đã trưng thu làm lớp học mẫu giáo, ruộng đất chia cho nông dân. Riêng cái khám thờ của họ Lê, ai đó đã khiêng vào đặt nhờ ở nhà chùa. Ở nghĩa trang nhân dân xã vẫn còn mộ ông bà ngoại của Phạm Tuyên. Đặc biệt, tại nghĩa trang liệt sĩ của xã, có phần mộ của liệt sĩ Lê Thị Tâm, người em con cậu ruột của nhạc sĩ, tham gia du kích, đã hy sinh trong những ngày đầu chống Pháp (27/12/1946).

Với những tài liệu ấy, tôi đã viết trên tạp chí Xưa và Nay (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) bài báo Làng Nhân Vực còn lưu giữ nhiều kỷ vật của gia đình chủ bút Báo Nam Phong.

Đọc báo, Phạm Tuyên xúc động. Ông ngỏ lời muốn tôi đi cùng về quê ngoại của ông. Nhạc sĩ trải lòng: Năm 1945 cha mất, mộ táng nơi thành Huế. Năm 1952 mẹ mất, yên nghỉ ở Sơn Tây. Anh chị em thì cư trú nước ngoài. Chỉ Phạm Tuyên cùng anh ruột là Phạm Khuê theo kháng chiến. Vẫn đinh ninh ở Nhân Vực chẳng còn ai thân thích, nên bao năm nay Phạm Tuyên chẳng nghĩ rằng sẽ có dịp thăm quê ngoại.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên (thứ 2 từ phải sang) và con cháu lần đầu về quê ngoại, chụp ảnh chung với sư thầy chùa Nhân Vực (2010).

Rồi một ngày cuối năm Canh Dần, Phạm Tuyên cùng con gái Phạm Thị Thanh Tuyền và người cháu ruột tìm về quê. Đoạn đường khoảng hai mươi cây số, nhưng Phạm Tuyên phải mất gần tám chục năm mới đến! Ông bồi hồi đứng trước bức hoành phi “Thông minh chính trực” treo chính giữa ngôi đình, mà thân phụ ông cung tiến năm nao.

Ông ra nghĩa trang thắp hương gia tiên bên ngoại. Trong khói hương nghi ngút, bóng người nhạc sĩ già đổ xuống bên ngôi mộ liệt sĩ là em con cậu. Nắng chiều vàng vọt, heo heo gió lạnh, làm cho cái bóng cứ lung linh, chập chờn. Tôi bỗng nhớ tới câu thơ của Hạ Tri Chương đời Đường (Trung Quốc): “Ly hương từ nhỏ, đến già mới về quê/ Cháu chắt nhìn mà chẳng biết là ai, lại còn hỏi cụ từ đâu đến?” thật xót xa.

Nhẽ đời, con về quê mẹ, tìm về  ký ức tuổi thơ, trèo cây hái quả, tắm mát ao hè… hay ngồi gốc sung nhai khoai sống mọc mầm… thật là giản dị. Nhưng với Phạm Tuyên, người nhạc sĩ tài năng mà cuộc đời đầy thao thức, dằn vặt trước nhân thế, khi đã vào tuổi bát tuần (tính đến 2010), giữa cảnh hoàng hôn cuộc đời, vẫn còn ngơ ngác trên nẻo đường về quê mẹ, với ngổn ngang cảm xúc lạ lẫm…

Khúc Hà Linh (HNS)