Sự hồi sinh mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng đã và đang tạo đà tiến tới mục tiêu đưa ca trù ra khỏi danh mục cần bảo vệ khẩn cấp theo khuyến cáo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO).
Ươm mầm, nuôi dưỡng sự trường tồn của ca trù
Ngày 1/10/2009, nghệ thuật ca trù trở thành di sản văn hóa thứ tư của Việt Nam được UNESCO công nhận. Ca trù được xếp vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Đất Kinh kỳ cổ kính Thăng Long – Hà Nội đã nuôi dưỡng và chứng kiến những thăng trầm của nghệ thuật ca trù, nay tiếp tục là chiếc nôi đào tạo và phát triển nghệ thuật này dưới hình thức nở rộ các câu lạc bộ mà Câu lạc bộ ca trù Hà Nội là số 1 về bề dày và bản lĩnh giữ gìn sự chuẩn mực về nghệ thuật.
Những năm qua, Hà Nội luôn nỗ lực để hồi sinh, phát triển nghệ thuật ca trù. Bên cạnh những cuộc hội thảo về bảo tồn, phát huy giá trị ca trù, ngành Văn hóa Hà Nội còn tổ chức các Liên hoan tài năng trẻ ca trù và đã có những hỗ trợ trang thiết bị âm thanh cho các câu lạc bộ hoạt động.
Làng Lỗ Khê xã Liên Hà, Đông Anh nổi tiếng là cái nôi sản sinh và gìn giữ văn hóa ca trù đặc sắc của đất Kinh kỳ. Ông Hoàng Minh Đức – một người dân ở thôn Lỗ Khê cho hay, để giữ gìn vốn văn hóa cổ của địa phương cũng như của dân tộc, chính quyền địa phương đã triển khai các lớp học nâng cao về nghề thuật ca trù do nghệ nhân ca trù Nguyễn Văn Hành, Nguyễn Văn Hoan, Phạm Thị Mùi giảng dạy và thu hút được rất nhiều đào, kép tham gia.
Ở làng Thượng Mỗ, Đan Phượng nhiều người trong dòng họ Nguyễn Duy vẫn duy trì lối hát dân gian bác học này. Những làn điệu ca trù trong trẻo đầy tính triết lý, giáo dục được người dân Thượng Mỗ nâng niu, quý trọng.
Vào thế kỷ 20, Hà Nội có những nghệ nhân là đỉnh cao của ca trù như: Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Chúc, Phó Kim Đức, Đinh Khắc Ban, Đinh Thị Nghĩa, Đinh Thị Bản, Nguyễn Thị Khướu, Bạch Vân, Vân Mai, Nguyễn Thị Chín, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Thị Thiệp, Nguyễn Thị Tam… Họ đều là những nghệ nhân bậc thầy với những lối hát khác nhau, mỗi người một phong cách nhưng đều giữ tất cả các nguyên tắc của ca trù.
Đưa ca trù đến với du khách quốc tế
Thành phố Hà Nội vừa tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ca trù trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2018 – 2021. Bà Phạm Thị Lan Anh – Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, ca trù Hà Nội đã có những khởi sắc hơn so với giai đoạn trước, thể hiện qua mức độ thực hành di sản được duy trì thường xuyên, sự mở rộng về số lượng người tham gia thực hành di sản và các câu lạc bộ hoạt động. Từ chỗ chỉ có một vài giáo phường, câu lạc bộ hoạt động lay lắt, hiện toàn thành phố đã có tới 16 câu lạc bộ, giáo phường thực hành truyền dạy, quảng bá ca trù với gần 300 hội viên…
Ngành du lịch Hà Nội từ lâu đã thực hiện việc gắn du lịch với nghệ thuật truyền thống, được du khách quốc tế đón nhận. Nhiều địa chỉ biểu diễn ca trù thu hút du khách, khán giả với lịch định kỳ, như: Đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc), Câu lạc bộ ca trù Thăng Long (phố Mã Mây), đền Quan Đế (phố Hàng Buồm), Bích Câu đạo quán, Cao sơn trà quán, Bụt trà quán… xuất hiện thêm một số điểm trình diễn định kỳ hoặc theo sự kiện như Cao Sơn trà quán (ngõ Thổ Quan, Khâm Thiên, Đống Đa), là nơi xưa kia có nhiều ca quán hoạt động trong giai đoạn ca trù phát triển rực rỡ, Đêm Ả đào tại Bụt trà quán (Gia Lâm)”.
Trước mỗi tiết mục có phần giới thiệu chủ đề bằng tiếng Việt và tiếng Anh, giải thích các nhạc cụ cũng như lịch sử, các nghi thức của ca trù. Du khách được thưởng trà, tập đánh đàn, đánh phách.
Hà Nội cũng là một trong những địa phương có số nghệ nhân được tôn vinh Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú nhiều nhất, trong đó số nghệ nhân ca trù thường xuyên dẫn đầu ở loại hình trình diễn nghệ thuật dân gian. Với nghệ thuật trình diễn ca trù, hiện thành phố có 5 Nghệ nhân Nhân dân và 21 Nghệ nhân Ưu tú.
Ở đợt xét hồ sơ phong tặng lần thứ ba năm 2021, Hội đồng cấp Bộ đã thông qua danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu với 3 Nghệ nhân Nhân dân và 7 Nghệ nhân Ưu tú. Ý thức được vai trò, vị trí của mình trong việc gìn giữ và góp phần đưa ca trù ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp, bằng những nỗ lực không ngừng, các nghệ nhân nắm giữ di sản hát ca trù ngày càng tâm huyết trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản quý báu này.
Để bảo tồn và phục hưng môn nghệ thuật bác học kén người học, kén người nghe này, đòi hỏi các ngành chức năng của thành phố Hà Nội cần xây dựng những giải pháp mang tính chiến lược lâu dài, tiên phong, để góp phần tạo bước chuyển mạnh mẽ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của ca trù, xứng đáng là cái nôi của nghệ thuật ca trù cả nước.
Ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh: “Các giải pháp tập trung cho việc bảo tồn, phát huy giá trị trong giai đoạn mới, gồm: Rà soát hệ thống văn bản pháp quy liên quan, tạo cơ sở quản lý, chỉ đạo thường xuyên và đồng bộ; đề xuất chính sách, chế độ đãi ngộ và tôn vinh các nghệ nhân hằng năm; tạo môi trường sinh hoạt, biểu diễn, thực hành thường xuyên. Cùng với đó là tổ chức các đợt giao lưu, học hỏi kinh nghiệm truyền dạy; tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí hoạt động trình diễn và truyền dạy; giới thiệu nghệ thuật, trình diễn ca trù tại các điểm di tích, đưa vào nội dung các tour du lịch”.
Còn theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, bên cạnh các giải pháp đã đề ra, Hà Nội cần chú trọng định hướng việc truyền dạy nghệ thuật trình diễn ca trù bảo đảm các chuẩn mực, không bị sai lệch, phai nhạt, để ca trù đất Kinh kỳ trở thành chuẩn mực về nghệ thuật này trên cả nước. Có như vậy, di sản mới được bảo tồn, phát huy một cách bền vững, đúng với giá trị của nó, sớm ra khỏi danh mục cần bảo vệ khẩn cấp.
Thùy Dương (HNS)