Trong dàn nhạc đờn ca tài tử ở miền Nam có nhạc cụ gõ gọi là song lang, nhưng một số tài liệu ghi là song lan hay song loan. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa thống nhất về nguồn gốc và tên gọi của nhạc cụ này.
Trước đây trên trang cá nhân, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng viết bài Lại bàn về song lang, trong đó giới thiệu 2 giả thuyết về tên gọi của nhạc cụ gõ gọi là song lang và song loan trong dàn nhạc đờn ca tài tử ở miền Nam, trích từ quyển Tìm hiểu cổ nhạc Bạc Liêu (2014) của Trần Phước Thuận như sau:
Thứ nhất, “tiền thân của song loan là cái phệt, gồm hai thanh gỗ có khắc hình hai con chim loan, nên mới có cái tên song loan. Ngày nay nhạc cụ này đã thay đổi hình dáng, nhưng người ta vẫn gọi là song loan” (trang 405).
Bird clapper bằng gỗ
Thứ hai, “lang là dụng cụ gõ cá. Tên gốc của dụng cụ này là minh lang – cái phách của người đánh cá dùng để gõ và đánh cá (theo từ điển Hán Việt của Thiều Chửu). Khi được sử dụng để gõ nhịp trong nhạc cổ truyền, người ta ghép cả phần mõ lẫn phần để gõ liền vào nhau cho tiện, từ đó mới có tên gọi song lang” (trang 406).
Chúng ta thấy gì? Trong Hán ngữ quả thật có từ song (雙) nghĩa là 2 con chim và loan (鸞) là chim loan – một loài chim thần trong truyền thuyết, giống như phượng hoàng. Trên thế giới có những nhạc cụ gõ liên quan với hình con chim, ví dụ như loại được gọi là bird clapper và two block bird clapper.
Tuy nhiên, đây là loại nhạc cụ cầm tay, khi ta gập 2 thanh gỗ lại thì phát ra âm thanh “cốc cốc” (từng tiếng một hoặc hai tiếng đồng âm tùy theo loại). Chúng có vẻ ngoài không giống loại song lang (loan) của Việt Nam, một nhạc cụ sử dụng bằng bàn tay hoặc bàn chân. Một số nhà nghiên cứu đã đưa ra những lập luận, loại bỏ giả thuyết “song loan là 2 thanh gỗ có khắc hình 2 con chim loan”. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cần tìm hiểu kỹ hơn về giả thuyết này vì song loan (雙鸞), nếu viết đúng chữ Hán như thế, thì có nghĩa là 2 con chim loan.
Bây giờ, thử tìm hiểu về giả thuyết thứ hai. Chúng tôi đã tra cứu tự điển Hán Việt của Thiều Chửu và những từ điển Hán Việt khác và có thể khẳng định rằng không có từ Hán Việt nào gọi là lang mà lại có nghĩa là dụng cụ gõ cá. Chỉ có từ ghép minh lang (鳴桹) mới có nghĩa là “cái gõ cá, cái phách của người đánh cá dùng để gõ mà đánh cá” (theo Thiều Chửu).
Một ban nhạc đờn ca tài tử Sài Gòn (năm 1911)
Còn Bách khoa thư Baidu của Trung Quốc thì cho rằng minh lang (鳴桹) là “đánh vào mạn tàu để tạo ra âm thanh. Sử dụng để gây sốc cá, khiến chúng chui vào lưới”. Dĩ nhiên, đây là chuyện bên Tàu, dụng cụ lang (nếu có) hoặc cách đánh vào mạn tàu để tạo âm thanh thì chẳng liên quan gì tới “song lang (loan)” của Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi đã tra cứu những từ Hán Việt gọi là lang (17 chữ), lan (9 chữ) và loan (12 chữ) vẫn không tìm thấy từ nào có nghĩa “2 thanh gỗ khắc hình 2 con chim loan”.
Trước đây trên trang Facebook cá nhân (Vinh Bao Nguyen), nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh thời từng có bài viết Song lang hay song loan, trong đó nhắc những tên gọi là song lan, song lang, song loan và song loang. Nhưng ông vẫn chưa có câu trả lời cuối về nguồn gốc tên gọi của nhạc cụ gõ này.
Two block bird clapper
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo viết: “Nếu không thống nhứt – song lang, song lan, song loan – thì tôi đề nghị cho nó vào quốc tịch Pháp tên Castagnettes, hay quốc tịch Anh tên Castanet. Khỏi tranh cãi mệt nghỉ…”. Một nhạc sư viết như thế chứng tỏ việc truy tìm nguồn gốc cái tên song lang (loan) trong dàn nhạc đờn ca tài tử ở Nam bộ không hề đơn giản. Vậy chính xác thì tên gốc của nhạc cụ này là gì? (còn tiếp)
Vương Trung Hiếu (HNS)