Xóm Bắc là một địa danh nổi tiếng ở phường Bình Khang, kinh đô Trường An thời kỳ nhà Đường (618 – 907), Trung Quốc[1]. Nơi đây tập trung nhiều tụ điểm vui chơi giải trí, đặc biệt là kỹ quán thu hút sự quan tâm của các tao nhân mặc khách lúc bấy giờ. Tôn Khải, tác giả cuốn: “Bắc lý chí” từng nhận xét Xóm Bắc giống như một vùng bất trắc. Xét trong bối cảnh văn hóa cuối thời kỳ nhà Đường, Xóm Bắc nổi lên như một khu vực hết sức năng động, tạo tiền đề cho sự ra đời, phát triển của kỹ quán, tửu lầu vào triều đại nhà Tống sau đó. Trong cuốn: “Nghiên cứu lịch sử âm nhạc đời Đường”, tác giả Keishibe người Nhật cũng dành nhiều trang viết mô tả tình hình ở Xóm Bắc, nhất là những con người làm nên đời sống sinh hoạt nơi này, trong đó đáng kể có tú bà, kỹ nữ, nhạc công…
Tú bà
Tú bà đóng vai trò chủ thể trong hoạt động ở kỹ quán. Tú bà vừa làm nhiệm vụ kinh doanh, vừa quản lý kỹ nữ hay kỹ nhạc. Theo cách gọi thông tục, tú bà được ví như “cục than hồng”, “hòn lửa”. Vì, khi tú bà nổi giận chẳng khác nào ngọn lửa đang bùng cháy trong lò! Tú bà đa số là phụ nữ không chồng, xuất thân từ kỹ nhạc. Tất nhiên, họ vẫn có con, như trường hợp Trương Trú, một tú bà nổi tiếng. Ngoài ra, tú bà cũng thường nhận kỹ nhạc làm con nuôi, lấy theo họ của mình, rồi cho nhập hộ tịch, như tú bà Dương Diệu Nhi có các con Lan Nhi, Vĩnh Nhi, Nghinh Nhi, Quế Nhi chép trong “Bắc lý chí”.
Mặc dù không có chồng, nhưng nhiều tú bà biết lợi dụng nhan sắc để lấy lòng quan lại địa phương hay dân giang hồ nhằm được trợ giúp, bảo kê trong hoạt động kinh doanh. Kinh doanh kỹ quán tiềm ẩn nhiều rủi ro, Xóm Bắc lại nằm trong tầm ngắm của tầng lớp “anh chị”, một môi trường đầy bất trắc. Nên, tú bà phải biết “dựa bóng” nhiều thế lực nhằm che chở, bảo vệ. Bên cạnh đó, họ còn nuôi thêm “quy đầu”, “miếu khách” làm vệ sĩ. Theo mô tả của Tôn Khải, Xóm Bắc tập trung nhiều phần tử bất hảo, du côn, lưu manh. Nhằm tránh sự quấy nhiễu, gây rối của đám người này, tú bà phải nhờ đến quan chức địa phương, vệ sĩ… Tú bà hy hữu có trường hợp lấy chồng. Chồng của tú bà gọi là “giả phụ”, đa số xuất thân từ giới giang hồ. Họ cùng với tú bà kết thành một hội nhằm chèn ép khách làng chơi, cũng như ngược đãi kỹ nhạc, không ngoại trừ khả năng sử dụng bạo lực.
Kỹ nhạc
Trước hết, về phương diện xuất thân, kỹ nhạc trong kỹ quán đa số bị bán thân, sau đó nhập kỹ tịch (sổ hộ tịch của kỹ nhạc). Cũng có khi kỹ nhạc được nhận làm con nuôi tú bà từ nhỏ hoặc những phụ nữ con nhà lành bị bọn xấu dụ dỗ lừa gạt bán vào kỹ quán. Lỡ sa vào cạm bẫy của kỹ quán, kỹ nhạc rất khó thoát thân. Về thủ tục mua bán kỹ nhạc, theo luật “Tư tiện dân” giống như hợp đồng bán thân. Xét về cơ hội thay đổi thân phận, kỹ nhạc vẫn còn hơn nô tỳ. Vì, nô tỳ phải mang thân phận suốt đời. Còn kỹ nhạc có thể trở thành tú bà hoặc rớt giá xuống thành kỹ gia (thuộc sở hữu tư nhân) hay được lấy làm thê thiếp. Đối với trường hợp kỹ nhạc lớn tuổi, vừa không còn nhan sắc, vừa chưa thể trở thành tú bà thì phải giữ thân phận kỹ nhạc trong kỹ tịch hoặc có thể bị bán tiếp đi nơi khác để nhập lại kỹ tịch mới.
Kỹ nhạc trong kỹ quán cũng có điểm giống và khác Giáo phường. Giống ở chỗ, họ được kết nghĩa chị em, nhưng xưng hô với nhau là anh em (chứ không phải chị em). Trong Giáo phường, tùy vào địa vị, chức vụ, kỹ năng của từng người mà chia thành bốn loại: nội nhân, cung nhân, con đàn và phụ nữ tạp. Trong đó, nội nhân thuộc thành phần cao nhất, phụ nữ tạp thấp nhất. Con đàn xuất thân từ phụ nữ con nhà lành, chiếm địa vị đặc biệt. Về nơi cứ trú, nội nhân ở Viện Nghi xuân trong Đông cung, cung nhân ở Giáo phường nội cạnh cung Đại Minh, còn kỹ quán không có tổ chức giống như vậy mà thuận theo thứ tự từ lớn đến bé, năm sinh trong kỹ tịch, đặc biệt là tài sắc (để xưng hô). Kỹ nhạc ưu tú có các bậc: đô tri, tịch củ, tửu củ. Kỹ nhạc được nhận làm con nuôi tú bà gọi nhau là anh em. “Bắc lý chí” từng đề cập: “Việc xác định thứ tự phải theo dõi từ ba mươi ngày trở lên. Cách xưng hô anh em không nhất thiết phải dựa vào tuổi tác mà căn cứ vào thành tích, người giỏi được làm anh”. Đô tri, tịch củ là những cách gọi tôn kính. Đô tri vốn là tên gọi của nhạc quan đời Đường, đời Tống tiếp tục sử dụng. Đô tri được tuyển chọn từ tịch củ. Tửu củ cũng có khi gọi là lục sự hoặc củ, đảm nhận công việc phục vụ yến tiệc. Khi tổ chức lễ mừng sĩ tử thi đỗ, tửu củ chính thức đảm trách vai trò lục sự. Nên, tửu củ không chỉ làm nhiệm vụ phục vụ tiệc rượu mà còn góp phần tạo không khí cho buổi sinh hoạt, kết nối những người tham dự lại với nhau, bên cạnh phụ trách luân phiên chén thù chén tạc giữa các bàn. Ngoài ra, tửu củ cũng biết pha trò góp vui khiến cho buổi tiệc thêm phần hấp dẫn. Tửu củ rất giỏi làm tửu lệnh. Bằng trí tuệ của mình, họ có thể qua mặt những tay bợm nhậu một cách thuyết phục. Nên tịch củ và tửu củ có sự khác biệt rất rõ, nhưng cả hai đều không liên quan đến chức danh đô tri. Trong nghệ thuật Ca trù ở ta cũng có sự phân biệt giữa đào nương và đào rượu. Đào nương giỏi ca hát. Sử dụng tiếng hát nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của khán thính giả. Còn đào rượu lợi dụng nhan sắc, tửu lượng để rút hầu bao của khách. Đào rượu đặc biệt cực thịnh vào thời kỳ Pháp thuộc, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sa sút của nghệ thuật Ca trù, đồng thời dẫn đến sự kỳ thị từ góc nhìn xã hội đối với loại hình nghệ thuật này trong quá khứ.
Nhạc công
Nhạc công đa số tập trung quanh khu vực Xóm Bắc và thường được huy động tới kỹ quán làm việc. Họ tuy thuộc thành phần Quan tiện dân, nhưng không phải nhạc công Thái thường tự (tổ chức âm nhạc nhà nước), mà chỉ là nhân viên diễn tấu nhạc khúc. Trong khi diễn tấu, nhạc công đóng vai trò đệm cho kỹ nhạc.
Liên quan tới kỹ quán đời Đường chủ yếu có các tầng lớp: quan lại, nhân sĩ và một bộ phận phú thương. Lúc bấy giờ, sau khi âm nhạc cung đình phát triển theo hướng đại chúng hóa, cộng hưởng với bộ phận ca từ do tầng lớp sĩ đại phu sáng tác, trong kỹ quán xuất hiện loại hình Tục nhạc mới do kết hợp giữa Hồ nhạc và Tục nhạc. Thể văn mới này là “từ khúc”, một loại hình âm nhạc kết hợp chặt chẽ giữa thi ca và âm nhạc. “Từ khúc” tuy không bắt nguồn từ kỹ quán, nhưng thiết chế văn hóa này góp phần phổ biến, đặc biệt phát triển ở các đô thị thời kỳ nhà Tống với sự hậu thuẫn của hoạt động kinh tế thương nghiệp. Bên cạnh đó còn phải kể đến sự đóng góp của các thi sĩ nổi tiếng, như Vương An Thạch, Âu Dương Tu, Tô Đông Pha, Lý Thanh Chiếu… khiến cho thể “từ” phát triển đạt tới đỉnh cao vào thời nhà Tống. Bởi vậy, người đời sau thường gọi thể “từ” là Tống từ. Bấy giờ, các loại hình vũ đạo cung đình đã phai nhạt, dần dần rút khỏi sân khấu lịch sử để nhường chỗ cho sự thống trị của thể “từ”. Nó cũng giống như nhạc Pop trong xã hội đương thời, một loại hình nghệ thuật mang tính thời thượng, đại diện cho nhu cầu thưởng thức của đại chúng.
Thay lời kết
Nhà Đường thống trị quốc gia gần 300 năm. Nhờ nhân lực, tài lực, vật lực tập trung trong tay triều đình, nên chính quyền trung ương có thể triển khai những chính sách trên quy mô lớn, trong đó có thể chế và thiết chế âm nhạc. Nhà Đường có thể nói là triều đại phát triển rực rỡ, huy hoàng nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Trung Quốc. Sau khi nhà Đường suy tàn, các thiết chế âm nhạc cung đình, như Thái thường tự, Lê viên và kể cả Giáo phường, một thiết chế âm nhạc dân gian chịu sự quản lý của triều đình cũng cùng chung số phận đi đến diệt vong. Bên cạnh đó, kỹ quán, một thiết chế “thổ sinh thổ dưỡng” lại nổi lên trong môi trường văn hóa dân gian. Kỹ quán trở thành chỗ dựa tinh thần cho văn hóa đại chúng. Xoay quanh cơ sở hoạt động này còn lắm lời bán tán, nhưng xét từ góc độ lịch sử, nó chính là vạch nối gắn kết giữa văn hóa cung đình và dân gian, một sản phẩm đặc trưng của đô thị với những thay đổi về nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật trong bối cảnh xã hội mới.
[1] Phường Bình Khang là phường thứ 5 nằm về hướng bắc khu phố 1, phía đông hoàng thành Trường An. Đây là khu vực đông bắc của kinh thành, nơi sầm uất, náo nhiệt nhất Trường An. Gần hướng đông nam có phố Đông với những tụ điểm vui chơi giải trí, như kỳ đình, tửu lầu, hý trường, gần phía bắc có phường Sùng Nhân tập trung các cửa hàng nhạc cụ. Phía nam có chùa Bảo Đường, phía tây có trụ sở cơ quan, văn phòng của chính quyền địa phương, kế đó có phố Hoàng Thành Quan Thính và cửa Xuân Minh đóng vai trò làm trục giao thông chính. Tất cả đều là nơi hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa. Giáo phường Tả hữu ở phường 2 Bắc Kinh Bắc; phía đông nam tiếp giáp cung Hưng Khánh, nơi tập trung các nữ nhạc tài năng của cung đình, góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy nhu cầu hưởng thụ văn hóa trong đời sống xã hội thị dân.
L.H.Đ (HNS)