Trải qua hàng nghìn năm để hai chữ Việt Nam hiên ngang vang trên địa cầu, để “linh hồn Việt Nam” thấm đẫm vào từng dòng máu, tấc đất. Và cũng từng ấy năm, cây Đàn Bầu với những âm hưởng “tích tịch tình tang” du dương, trầm lắng được mảnh đất này bồi đắp nên, vẫn luôn tồn tại trong máu huyết dân tộc, lặng lẽ âm thầm thôi nhưng thật vĩ đại bao la như chính cái “linh” của bản sắc văn hóa Việt.
Mới đây, Viện Âm nhạc Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học: Nghệ thuật Đàn Bầu Việt Nam – Truyền thống. kế thừa và phát triển. Đây là hội thảo lần thứ 3 được tổ chức với sự góp mặt của hàng chục nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, giảng viên… nhằm tập hợp và kiến giải những luận cứ khoa học và thực tiễn, để làm dầy thêm bộ Hồ sơ về sự độc đáo và riêng có của cây Đàn Bầu. Sớm hoàn thiện Bộ hồ sơ khoa học để trình Tổ chức Văn hóa Khoa học Giáo dục của Liên Hiệp Quốc (Unesco), công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tạp chí Âm nhạc Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết: Đàn Bầu – Linh hồn dân tộc Việt của tác giả Đặng Quỳnh Anh.
Trong hệ thống các nhạc cụ Việt Nam, Đàn Bầu hay “Độc huyền cầm” là một nhạc cụ thuần Việt nhất, đặc trưng nhất của dân tộc Việt và cũng được coi là một trong số hiếm hoi những cây đàn độc nhất vô nhị trên thế giới bởi cấu trúc, âm thanh cũng như lối diễn tấu không giống bất kỳ một loại nhạc cụ nào.
Nguồn gốc xuất xứ của Đàn Bầu
Lần theo dấu tích lịch sử về nguồn gốc xuất xứ của cây Đàn Bầu, sử liệu cho biết chiếc đàn này có thể đã xuất hiện ở Việt Nam từ hàng ngàn năm. “Đàn Bầu” xuất hiện và biến hóa trong rất nhiều giai thoại tiên cổ, những truyền thuyết kỳ diệu được lưu truyền trong kho tàng văn hóa nhân gian.
Theo lời kể của cố GS. TS. Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu tiền bối Nguyễn Xuân Khoát trong một bài tham luận về đàn bầu tại Bulgary đã kể lại câu chuyện truyền thuyết gắn liền với sự ra đời của cây Đàn Bầu, được tóm lược như sau: “Cây Đàn Bầu trong câu chuyện dân gian là món quà của một bà Tiên ban cho nàng dâu hiếu thảo. Vì chiến tranh mà người con trai tên là Trương Viên phải ra trận, do loạn lạc họ đã cách xa nhau. Để tận hiếu với mẹ già và trọn tình nghĩa phu thê mà nàng dâu đã chịu móc mắt mình để tế hung thần trên đường đưa mẹ về quê lánh nạn. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo sắt son, Tiên trên trời bèn hiện ra và tặng nàng cây đàn một dây. Cây đàn ấy đã cứu sống hai mẹ con nàng qua những tháng ngày cực khổ và cuối cùng giúp gia đình họ được đoàn tụ”.
Bên cạnh đó, trong thư tịch và hiện vật khảo cổ học cũng như lịch sử chữ viết, có một số sách sử quan trọng đã đề cập đến Đàn Bầu. Theo An Nam chí lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Chỉ Nam Ngọc âm giải nghĩa, Đại Nam thực lục tiền biên thì “cây Đàn Bầu ra đời xuất phát điểm ở vùng đồng bằng Bắc Bộ sau đó được người Kinh Việt Nam mang sang Quảng Tây Trung Quốc. Đàn Bầu được lấy cảm hứng từ trò chơi dân gian “trống đất” của trẻ nhỏ là đào hố và căng dây qua lỗ đất, khi đập nghe tiếng bung bung mà các cụ ngày xưa đã có sự quan sát tinh tế và cảm thụ thanh âm nhanh nhạy nên những tiếng kêu “bung bung” từ dây căng kéo trên lỗ đất ấy đã kết tạo ý tưởng hình thành cây đàn làm từ ống tre và quả bầu khô với một dây duy nhất”.
Từ truyền thuyết xa xưa của dân tộc đến những dấu tích lịch sử ghi lại đều có cùng điểm chung, đó là minh chứng cho sự gắn bó máu huyết của Đàn Bầu với xóm làng, người dân lao động Việt Nam bao đời nay. Đàn Bầu là cây đàn truyền thống của người Việt Nam, đã đồng hành với dân tộc ta qua biết bao thăng trầm và biến động lịch sử, ngấm nhuyễn vào từng âm điệu dân gian, vào từng lời ca “ru hời à ơi” của mẹ, bế bồng tâm hồn mỗi chúng ta hòa vào dòng suối linh thiêng của nguồn cội.
Hình dáng, cấu trúc của Đàn Bầu
Đàn Bầu là một nhạc khí độc đáo của Việt Nam chỉ có một dây duy nhất, không có phím, dùng cần đàn (vòi đàn) để tạo nên những cao độ trầm bổng trong âm nhạc. Cây đàn này ngày xưa gọi là “đàn một dây”, về sau mặt đàn đóng bằng gỗ ngô đồng, hoặc gỗ vông, thành đàn bằng gỗ trắc và để quả bầu vào cho đẹp, nên gọi là “Đàn Bầu”. Trong hệ thống nhạc cụ, Đàn Bầu là loại nhạc cụ có một dây, thuộc họ dây, chi dây gảy; được phân loại thành 2 kiểu là đàn thân tre và đàn hộp gỗ. Đàn thân tre ra đời trước, thường dùng cho người hát xẩm, đàn hộp gỗ ra đời sau với sự cải tiến nhiều tính năng ưu việt hơn.
Đàn bầu thường có hình dạng một ống tròn (bằng tre, bương, luồng) hoặc hình hộp chữ nhật (bằng gỗ) thường có chiều dài khoảng 1,15 mét, cao khoảng 10,5 cm. Trước kia, thân Đàn Bầu được làm bằng một đoạn ống bương hoặc vầu, có thể để nguyên hoặc được chẻ ra làm đôi giống hình cái máng hứng nước ở vùng đồng bằng Bắc bộ và được gọi là đàn Bầu máng, sau này được thay bằng gỗ ngô đồng hoặc gỗ vông. Các bộ phận bao gồm: một đầu to có bát âm với đường kính khoảng 12,5 cm; một đầu vuốt nhỏ hơn một chút khoảng 9,5 cm; cần đàn (vòi đàn) được làm bằng sừng tre dẻo dài khoảng 50 – 70 cm (sau này thay bằng sừng trâu); dây đàn làm bằng dây móc xe lại hoặc dây mây, dần thay bằng dây tơ (sau này bằng dây sắt); bầu đàn làm bằng đầu cuống quả bầu nậm hoặc gỗ tiện giống hình quả bầu; que khảy đàn thường được vót bằng tre, giang, thân dừa, gỗ mềm…, dài khoảng 10 cm (sau này thiết kế ngắn lại chừng 4 – 4,5 cm. Đối với đàn hộp gỗ, cây đàn phải hội đủ hai yếu tố “mặt ngô – thành trắc”. Có nghĩa là mặt đàn phải làm bằng gỗ cây ngô đồng sao cho vừa xốp vừa nhẹ. Khung và thành đàn làm bằng gỗ trắc hoặc gụ, vừa đẹp lại vừa bền. Cần đàn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các sắc độ âm thanh khác nhau và làm cho tiếng đàn tròn, mượt. Mặt đàn với thớ gỗ óng ả, khi kết hợp với hộp cộng hưởng sẽ tạo nên những âm thanh vang, trong trẻo. Ngoài ra còn có nhiều hoa văn hoặc khảm trai được trang trí trên đàn với các hình ảnh miêu tả cảnh sinh hoạt phong phú của người dân Việt Nam.
(Nguồn:internet)
Đàn Bầu có âm vực rộng tới 3 quãng tám. Đẹp nhất là âm thanh phát ra trong vòng 2 quãng tám. Nếu người nghệ sĩ kết hợp các kỹ thuật chơi đàn điêu luyện như sử dụng âm thực với sự tác động kéo căng hay giảm dây của cần đàn (vòi đàn) thì âm vực của Đàn Bầu có thể vượt trên 3 quãng tám. Điểm đặc biệt nhất của Đàn Bầu so với những cây đàn khác là việc sử dụng “âm bồi” trong diễn tấu tác phẩm. Vì vậy mà âm sắc của Đàn Bầu vang lên vô cùng mượt mà, trong trẻo, sâu lắng và quyến rũ, rất gần với âm điệu, tiếng nói của con người. Bằng việc sử dụng các kỹ thuật chơi đàn như: kỹ thuật gảy bồi âm, kỹ thuật nhấn, luyến, vỗ, vuốt, láy, rung, dật,… người nghệ sĩ đã tái hiện nên rất nhiều cung bậc cảm xúc phong phú.
Đàn Bầu Việt Nam đặc sắc chính là do sự sáng tạo của tổ tiên người Việt, ấy là cách gảy đàn tạo ra “âm bồi”, tức là dây rung do que gảy ngay tức thì chạm lần nữa vào cườm bàn tay hoặc cạnh ngón tay, để phát ra thứ âm thanh kỳ lạ và mê hoặc không nhạc cụ nào trên đời hơn được. Nếu như cao độ của những nốt nhạc phát ra từ đàn Phương Tây như piano hay organ luôn xác định, thì âm thanh Đàn Bầu lại đọng lại giữa những khoảng cao độ đó. Tiếng Đàn Bầu vì thế không còn là tiếng ngân rung của âm thực, với âm sắc dễ nhận ra của dây tơ, dây thép mà đã biến ảo, để rất gần với giọng nói con người. Nó là giọng hát của người đã được mượt hóa và ngọt hóa, để ngân lên các cung bậc sâu thẳm và phong phú vô cùng tận của tâm hồn người, nhưng lại ẩn đi phần ngữ nghĩa của lời ca, vì thế càng đa nghĩa và thâm sâu tuyệt đỉnh.
Vai trò và sự phát triển của Đàn Bầu trong đời sống
Thuở hàn vi, cây Đàn Bầu đơn sơ đã gắn liền với nghệ thuật hát Xẩm. Lúc bấy giờ, cây đàn thể hiện vai trò của mình trong việc đệm hát hoặc độc tấu. Về sau, Đàn Bầu không chỉ đóng khung trong nghệ thuật hát Xẩm mà đã được các nghệ sĩ sử dụng trong nhiều hình thức nghệ thuật ca hát cổ truyền khác như: sân khấu Tuồng, sân khấu Chèo, sân khấu Múa rối nước, Ca nhạc thính phòng Huế, Đờn ca Tài tử, sân khấu Cải Lương và trong hòa tấu với các nhạc cụ dân tộc khác.
Thời nhà Lý, Đàn Bầu được dùng để đệm cho người hát xẩm, làm thanh bồi cho các khúc ca dân dã của nam thanh nữ tú tuổi tâm tình, của người già khắc khổ trong chuyến hành hương cuộc đời gian nan, của trẻ em hồn nhiên với tuổi thơ đầy bươn chải. Lời ca tiếng nhạc ngân lên như chính khúc tơ lòng, thánh thót nhưng ai oán, thở than, đầy trầm tư cho kiếp dân quê đói nghèo lam lũ – những “Làn thảm” của chèo; “Bèo dạt mây trôi” của quan họ; “Nam ai” xứ Huế…; và vị ngọt ngào của những điệu hát ru, những lời tình tứ ý nhị “Hoa thơm bướm lượn”; lại cả khi vui nhộn yêu đời với “Trống cơm”, “Con gà rừng”… Cuộc sống sinh hoạt của người làng quê xưa, luôn có sự tồn tại của cây đa, giếng nước, sân đình, những bụi tre già, cánh đồng lúa và đâu đó có cả những giọt đàn bầu.
Tuy vậy, lịch sử ra đời và rong ruổi của cây Đàn Bầu truân chuyên theo năm tháng. Mặc dù từ thời Lý, Đàn Bầu đã vô cùng phổ biến trong tầng lớp chúng dân nhưng đến năm 1892, Đàn Bầu mới được những người hát xẩm phía Bắc đưa vào xứ Huế để đệm đàn cho một số bộ phận vương quan. Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, Vua Thành Thái – một trong ba vị vua yêu nước thời Pháp thuộc – đã yêu tiếng đàn Bầu như hơi thở quê hương xứ An Nam, lúc đó Đàn Bầu mới được thay thế đàn tam trong ngũ tuyệt: tranh – tỳ – nhị – nguyệt – bầu, giữ vai trò là nhạc khí không thể thiếu – với chức năng hòa tấu – trong dàn nhạc cổ truyền dân tộc.
Từ giữa thế kỷ XX đến nay, cùng với sự chuyển mình của đất nước, Đàn Bầu đã có sự thay đổi đáng kể từ hình dáng đến chất liệu làm đàn; từ tác phẩm đến cách thức trình diễn, kỹ năng chơi đàn, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thưởng thức âm nhạc của con người Việt Nam hiện đại. Vào đầu những năm 50 của thế kỷ XX, với việc các đoàn văn công được thành lập, nhiều nghệ nhân chơi Đàn Bầu đã bắt đầu phát huy vai trò của mình trong các lĩnh vực độc tấu, hòa tấu, đệm cho hát và ngâm thơ. Và đặc biệt, bước ngoặt lớn đối với số phận cây Đàn Bầu là từ khi Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) – cái nôi của nền âm nhạc chuyên nghiệp ra đời năm 1956 – đã đưa Đàn Bầu vào giảng dạy chính thức làm cho Đàn Bầu thực sự được “đổi đời”. Việc mở đường ấy đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nhạc sĩ sáng tác, nghiên cứu và viết các tác phẩm cho Đàn Bầu một cách dễ dàng hơn. Từ đây ngoài các chiếu xẩm, Đàn Bầu không thể thiếu vắng trong các buổi biểu diễn phục vụ người lao động sản xuất, bộ đội, dân công trên tuyến đầu Tổ quốc, trên làn sóng Đài phát thanh và trên các sân khấu lớn, nhỏ ở trong, ngoài nước. Có thể kể ra một số tác phẩm tiêu biểu viết cho Đàn Bầu của các nhạc sĩ, nghệ sĩ mang đậm hồn dân tộc như: Cung đàn đất nước (Xuân Khải), Vì miền Nam (Huy Thục), Thoáng quê (Thanh Tâm) hay Câu hát mẹ ru (Phú Quang) v.v… Bên cạnh đó, trong đời sống âm nhạc hiện đại ngày nay, Đàn Bầu không chỉ thu mình vẻn vẹn trong những thể loại âm nhạc truyền thống mà còn vươn mình ra hòa nhập với âm nhạc đương đại khi kết hợp cùng với Dàn nhạc Giao hưởng để thể hiện rất thành công các tác phẩm thính phòng hay thậm chí ca khúc nhạc nhẹ trong và ngoài nước như: Bản Giao hưởng thơ của nhạc sĩ Nguyễn Xinh, Ouverture Khúc khởi nhạc chào mừng của nhạc sĩ Trọng Bằng, Sóng nhất nguyên của Nguyễn Thiện Đạo,…
Đàn Bầu trong thi ca
Chính từ ý nghĩa thâm diệu của Đàn Bầu cho nên nó không chỉ đóng vai trò trong âm nhạc mà còn là một hình tượng rất phổ biến trong những áng văn thơ và cảm hứng sáng tác của các thi sĩ, nhạc sĩ – những người nặng lòng với cây đàn tri kỷ này. Những câu thơ tình tứ, nỉ non như: “Một dây căng giữa đất trời/ Cần nghiêng nghiêng tựa dáng người vươn cao/ Tiếng ngân ngân tận cõi nào/ Dư âm rơi ngẩn ngơ vào tim ai” (Nguyễn Hải Phương) ….đã khơi gợi hình tượng cây Đàn Bầu thật tuyệt mỹ, tựa chiếc “thiên cầm” hiên ngang, sừng sững giữa đất trời quê hương, tấu lên khúc nhạc hồn thiêng dân tộc.
Trong số đó, còn có rất nhiều những ca khúc phổ nhạc từ thơ đã ca ngợi cây Đàn Bầu như tinh huyết, như sự sống của văn hóa dân tộc. Những lời ca trong bài hát “Tiếng đàn bầu” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc, lời thơ Lữ Giang vô cùng mượt mà, thắm thiết: “…Tiếng đàn bầu của ta. Cung thanh là tiếng mẹ. Cung trầm là giọng cha. Ngân nga em vẫn hát. Tích tịch tình tình tang…”. Hay như hình ảnh Đàn Bầu trong ca khúc “Đất nước” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, lời thơ Tạ Hữu Yên đã được khắc họa đậm chất bi tráng của một thời anh hùng máu lửa: “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu. Nghe dịu nỗi đau của mẹ. Ba lần tiễn con đi. Hai lần khóc thầm lặng lẽ…”
Có thể nói, Đàn Bầu như là hiện thân của đất nước, dân tộc Việt Nam. “Giọt đàn bầu” mềm mại, thon thả như hình dáng đất nước; “Thanh âm đàn bầu” da diết, sâu lắng như hành trình bôn ba đầy thăng trầm của lịch sử dựng nước và giữ nước; “Âm điệu đàn bầu” như tiếng nói thâm trầm, giàu ngữ điệu của con người Việt Nam chân phương, đằm thắm. Từ một nhạc cụ dân gian cấu trúc đơn sơ, cây Đàn Bầu đã chiếm một vị trí độc tôn trong lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc và trong tâm hồn mỗi người con Việt.
Đàn Bầu, đó là sự kết tinh thiêng liêng nhất của truyền thống dân tộc Việt Nam, nhân cách dân tộc Việt Nam và linh hồn dân tộc Việt Nam.
Đ.Q.A (HNS)