Sản phẩm giải trí gắn liền với yếu tố văn hóa: Đã đủ sức lan tỏa?

0
832
Một cảnh trong MV "Tứ Phủ" của ca sĩ Hoàng Thùy Linh
Ngày càng nhiều dự án âm nhạc, điện ảnh chọn khai thác các câu chuyện, hình ảnh từ tác phẩm văn học, văn hóa dân gian. Người làm/đầu tư nghệ thuật cũng bắt đầu dành nhiều quan tâm hơn cho các dự án kiểu này.
Xu thế tất yếu hay “bạo phát bạo tàn”?
Vlogger Huy Cung vừa hé lộ teaser trailer của MV Chuyện tình yêu xa, tái hiện hình ảnh Chuyện người con gái Nam Xương, tác phẩm quen thuộc với nhiều học sinh trung học. MV này nối tiếp xu hướng cảm hứng văn học bùng nổ trong các sản phẩm âm nhạc mà ca sĩ Hoàng Thùy Linh từng khơi lên hồi tháng 6/2019 với Để Mị nói cho mà nghe.
Nối tiếp đó là loạt tác phẩm: Hết thương cạn nhớ (Đức Phúc, tác phẩm Chí Phèo), Mặt trăng (Bùi Lan Hương, truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy). Trước đó, có Bánh trôi nước (Hoàng Thùy Linh), Anh ơi ở lại (Chi pu, Tấm Cám).
Đỉnh cao xu hướng này phải nhắc đến Hoàng của Hoàng Thùy Linh, bởi không chỉ có phần hình ảnh liên kết với tác phẩm văn học hay văn hóa dân gian, mà toàn bộ album này đều được lấy cảm hứng từ đó, ấn tượng ngay từ cái tên như: Duyên âm, Kẽo cà kẽo kẹt, Em đây chẳng phải Thúy Kiều
Không còn là sự vay mượn, chắp vá chạy theo xu hướng, Hoàng cho thấy sự chủ động, am hiểu và vận dụng tinh tường, khéo léo của đội ngũ sáng tạo trong việc sử dụng các yếu tố văn hóa dân gian, làm nên một tổng thể hoàn chỉnh, vừa bắt tai, vừa trẻ trung, lại không gượng ép.
Ở lĩnh vực điện ảnh, vài năm trở lại đây, các bộ phim khai thác các yếu tố văn hóa cũng bắt đầu xuất hiện. Có thể kể: Cô Ba Sài Gòn (Kay Nguyễn), Mẹ chồng (Lý Minh Thắng), Song lang (Leon Lê), Hai Phượng (Lê Văn Kiệt), Bắc Kim Thang (Trần Hữu Tấn)… Trong tương lai gần, các dự án: Trạng Tí, Thằng Bờm, Sơn Tinh – Thủy Tinh hay huyền sử về cuộc đời Hai Bà Trưng… cũng đang rục rịch.
San pham giai tri gan lien voi yeu to van hoa: Da du suc lan toa?
Chi Pu thực hiện MV Anh ơi ở lại dựa trên ý tưởng truyện cổ tích Tấm Cám
Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân từng chia sẻ: “Với tôi, điện ảnh Việt có nhiều thứ có thể giới thiệu ra thế giới: văn hóa cổ truyền, ẩm thực, con người Việt… Tại sao phải vay mượn chuyện kể, khi chúng ta có quá nhiều câu chuyện hay chưa được kể?”. Đó là lý do Vân luôn nỗ lực lồng ghép những nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam, nhằm “khơi dậy sự tự hào của khán giả trong nước và mang điện ảnh Việt ra thế giới”.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, tác giả của Phượng Khấu – cũng khai thác yếu tố văn hóa, đề tài lịch sử – nhưng sản phẩm ở dạng thức web drama (phim chiếu mạng) khẳng định, sự gia tăng của các yếu tố văn hóa trong sản phẩm âm nhạc hay phim ảnh là xu thế tất yếu.
“Khi đối diện những câu chuyện mang tính ngoại lai, những người sáng tạo sẽ tự vấn: bản sắc của đất nước mình là gì? Muốn làm nên bản sắc, hay dấu ấn đặc trưng, phải đi từ cái gốc. Và mảnh đất ấy gần như đang trống trải. Nó không chỉ mang đến phong vị mới lạ cho người thưởng thức, mà còn kích thích sức sáng tạo, sự tìm tòi của người thực hiện”.
Đồng bộ và lệch cán cân
Phản ứng của khán thính giả, giới chuyên môn trước các sản phẩm giải trí gắn liền với yếu tố văn hóa đa phần đều tích cực. Bởi lẽ, các nhà sản xuất, ê-kíp sáng tạo đều có sự chuẩn bị tốt nhất tại thời điểm giới thiệu sản phẩm đến công chúng. Chính phản ứng tốt này đã thu hút người sáng tạo, các nhà đầu tư nghệ thuật. Kinh doanh văn hóa không chỉ mang lại lợi nhuận trước mắt, mà về lâu dài còn góp phần lan tỏa những giá trị tinh thần và tạo dựng những giá trị lâu bền.
San pham giai tri gan lien voi yeu to van hoa: Da du suc lan toa?
Ngô Thanh Vân và dự án Trạng Tí sẽ ra mắt vào dịp lễ 30/4, 1/5 năm 2020
Tuy nhiên, ở khía cạnh cốt lõi, về sức ảnh hưởng, độ chính xác, vẫn còn rất nhiều lỗ hổng. Ý kiến của ông Nguyễn Danh Quý – Giám đốc điều hành Nomad MGMT – rất đáng để lưu tâm: “Tôi nghĩ, dựa vào dự án trên mà bảo là nghiên cứu và mang yếu tố dân gian, dân tộc vào sản phẩm giải trí, từ đó bàn đến kinh doanh văn hóa thì thực sự hời hợt và ru ngủ, vì những yếu tố này vốn dĩ hiển hiện, người làm nghệ thuật chỉ đem ra xài chứ không làm giàu thêm. Nói cách khác, là họ sử dụng, tận dụng đúng hơn là khai thác”.
Những yếu tố, ví dụ trên chỉ nói lên một điều, các nhà sản xuất, các nghệ sĩ… ngày càng nhạy cảm hơn với thị trường, biết cách kinh doanh, tạo ra thị trường mới, để có các sản phẩm tốt về mặt thương mại.
San pham giai tri gan lien voi yeu to van hoa: Da du suc lan toa?
Đức Phúc đóng trong MV Hết thương, cạn nhớ
Về sức ảnh hưởng văn hóa, dân trí… chưa nói tới lan tỏa văn hóa Việt ra nước ngoài thì gần như không, vì những sản phẩm này chưa sâu, cũng như độ chuẩn xác nhất định về nghiên cứu, trừ một số dự án làm tốt hơn những dự án còn lại về mặt văn hóa như Song lang hay Hoàng. Nhưng Song lang thì lại không thực sự thành công trên thị trường cũng như tác động đến thị hiếu khán giả.
Kinh doanh văn hóa chính là cách tốt nhất để phát triển văn hóa. Nhưng, để làm được điều này, không thể một sớm một chiều, mà cần có sự đồng bộ, cởi mở, ưu đãi và ưu tiên về mặt chính sách.
Bên cạnh đó, muốn tham gia bất kỳ “cuộc chơi” chuyên nghiệp nào, thì doanh nghiệp tạo ra sản phẩm văn hóa đều cần phải tuân thủ đúng và đủ luật chơi. Cuối cùng, cho dù sản phẩm nhắm đến đối tượng nào, thì cũng phải đặt chất lượng lên hàng đầu thay vì đánh lừa người thụ hưởng.
Hoàng Linh Lan (PNO)