Đàn bầu – một giá trị thuần Việt

0
1214
Đàn bầu là nhạc cụ Việt Nam độc nhất vô nhị.

Để chuẩn bị cho công tác xây dựng hồ sơ khoa học về di sản Đàn bầu, ngày 22/11, tại Hà Nội, Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nghệ thuật Đàn bầu Việt Nam – Truyền thống, kế thừa và phát triển”.

Đàn bầu là của Việt Nam

Tại Hội thảo, với sự góp mặt của các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, các nghệ sĩ, nghệ nhân đại diện cho cộng đồng người Mường, người Việt trong cả nước đều khẳng định “Đàn bầu là một nhạc cụ độc đáo của người dân Việt Nam”. Ở đó, trong diễn trình văn hóa Việt Nam nói chung, trong nền âm nhạc Việt Nam nói riêng, đàn bầu giữ một vị trí bền vững không thể phủ nhận. Từ trong các sinh hoạt âm nhạc dân gian, các lễ nghi phong tục, các loại hình sân khấu truyền thống, âm nhạc cung đình cho tới các sáng tác mới cho nhạc cụ dân tộc, nhạc cụ phương Tây trong mấy chục năm gần đây đều có sự tham gia trình diễn của đàn bầu. Việc nghiên cứu, sáng tạo trong mọi khía cạnh liên quan đến đàn bầu cũng được thực hiện từ nhiều thập kỷ qua với thành quả đạt được là những tài liệu văn bản, sách xuất bản, tác phẩm âm nhạc mới, các nhạc cụ cải tiến.

Để dẫn chứng cho điều này, NSND Thanh Tâm – Chủ nhiệm CLB Nghệ thuật Đàn bầu Việt Nam cho biết, do hoàn cảnh lịch sử cụ thể của đất nước, những nghiên cứu, ghi chép về cây đàn bầu còn lại tới nay không nhiều. Tuy nhiên, những chuyện kể, giai thoại dân gian về tổ nghề đàn bầu… phần nào cho chúng ta một hình dung về sự ra đời của nó. Trong đó có 3 tích truyện đáng chú ý. Thứ nhất, cố nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát trong bài viết “Le Dan Bau” công bố trong bản tin của Âm nhạc Dân gian quốc tế năm 1960 kể lại tích Trương Viên đi đánh giặc, vợ ở nhà phụng dưỡng mẹ chồng. Sau nhiều tháng ngày đằng đẵng mong chờ, hai mẹ con lên đường đi tìm Trương Viên với bao trắc trở, gian nguy và đã được Tiên bà tặng một cây đàn, nhờ đó mà tìm được Trương Viên. Thứ hai, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan dẫn theo bộ sử “Đại Nam thực lục” chỉ ra rằng đàn bầu ra đời năm 1770 và người chế ra cây đàn một dây này là Tôn Thất Dục. Thứ ba, theo nghệ nhân Nguyễn Văn Nguyên kể lại thì đàn bầu lại chính là báu vật mà Bụt ban cho Thái tử Trần Quốc Đĩnh… Như vậy là cả trong 3 giả thuyết đều có một điểm chung là có nhân vật cụ thể (Trương Viên, Tôn Thất Dục, Trần Quốc Đĩnh). Điều đó cũng có nghĩa đàn bầu ra đời trong cuộc sống của người Việt, được xác quyết bằng những con người có thực. Và cộng đồng tin vào điều đó.

Cũng theo NSND Thanh Tâm, trên thế giới, cây đàn một dây có ở nhiều quốc gia, nhưng đều dừng lại ở mức độ khá đơn sơ. Duy chỉ có cây đàn bầu của Việt Nam là phát triển ở trình độ cao với kỹ thuật diễn tấu đa dạng, phong phú, nhiều màu sắc. Trong hệ thống nhạc cụ truyền thống, nó có vị trí rất đặc biệt, nhất là từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (tháng 8/1945), tiếp đó là việc thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam, năm 1956 (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), cây đàn bầu đã được đưa vào giảng dạy – học tập một cách chính quy. Cũng từ đó, những sáng tạo, cải tiến cây đàn bầu của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, người chế tác nhạc cụ cũng đã lần lượt xuất hiện.

Xứng danh di sản

Có thể thấy, với giá trị đặc biệt và thông căn cứ lịch sử thì tính đến ngày nay đàn bầu Việt Nam sắp tròn 1.050 tuổi. Thế nhưng, một cây đàn được coi là “hồn cốt” của dân tộc, được nhiều người trong nước và quốc tế yêu thích, nghiên cứu nhưng cho đến nay đàn bầu vẫn chưa được công nhận là di sản văn hoá cấp quốc gia. Nhận thấy đây là vấn đề cấp bách nhằm khẳng định vị thế của cây đàn bầu trong nền văn hóa Việt Nam và thế giới, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam vừa chính thức triển khai xây dựng hồ sơ khoa học đệ trình xin công nhận đàn bầu là di sản văn hóa quốc gia trong thời gian tới.

Để đàn bầu trường tồn, theo NSƯT Bùi Lệ Chi – Trưởng Bộ môn Đàn bầu, Khoa Âm nhạc truyền thống (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), cần phải chú trọng vào công tác đào tạo. Bởi thực tế hiện nay, nhiều dòng nhạc du nhập vào Việt Nam và được giới trẻ yêu thích chính vì vậy mà đòi hỏi chúng ta phải nhìn lại những vấn đề liên quan đến ngành nghề của mình như thực trạng đào tạo, biểu diễn… cho phù hợp. trong khi còn những bất cập cần phải được điều chỉnh, giải quyết. Với công tác đào tạo nghệ nhân đàn bầu trong nhà trường nhất thiết phải được bắt đầu khi tuổi còn nhỏ, chứ không thể bắt đầu ở lứa tuổi đã lớn như hiện nay bằng việc mở lại hệ sơ cấp như trước đây. Ngoài ra, thời lượng dành cho việc học chuyên ngành phải được tăng cường như trước đây (2 tiết/tuần) chứ không nên giảm tải như hiện nay (1tiết/tuần). Đặc biệt, khuyến khích các nhạc sĩ, nghệ sĩ, giảng viên tham gia sáng tác cho đàn bầu bằng nhiều hình thức khác nhau: Hỗ trợ kinh tế, giải thưởng… Có như vậy, sự nghiệp đào tạo và biểu diễn đàn bầu mới có hy vọng phát triển lâu bền.

Cùng với đó, để đàn bầu có thể hội nhập vào xu thế phát triển chung của xã hội, NSND Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng, cần phải tập chung vào công tác sáng tác để đàn bầu có thêm nhiều tác phẩm mới. So với thời kỳ trước, hiện nay các nhạc sĩ ít viết cho cây đàn bầu. Ngoại trừ một số nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú vẫn tiếp tục say mê truyền bá và biểu diễn đàn bầu… Khả năng khai thác nghệ thuật diễn tấu của cây đàn bầu là phong phú trên cả hai lĩnh vực sáng tác và biểu diễn. Giờ đây ngay các nhạc sĩ quốc tế cũng bắt đầu quan tâm tìm hiểu và viết cho cây đàn bầu. Hy vọng trong tương lai các nhạc sĩ sẽ chú ý dành tâm huyết nhiều hơn nữa với cây đàn bầu, trong đó có các hình thức độc tấu, hòa tấu kết hợp dàn nhạc dân tộc và dàn nhạc giao hưởng. Vì đàn bầu là nhạc cụ Việt Nam độc đáo, độc nhất vô nhị, tiếng nói âm nhạc thuần khiết, một đại diện xứng đáng cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

M.Q (HNS)