Nuôi dưỡng tài năng ca trù

0
925
Các thí sinh trình diễn tại Liên hoan tài năng trẻ ca trù lần thứ hai. Ảnh: BẢO KHÁNH

Hà Nội vừa tổ chức Liên hoan tài năng trẻ ca trù lần thứ hai. Với 26 tài năng trẻ tham gia các nội dung: đàn, hát, trống chầu và 30 em tham gia nội dung múa hát tập thể, đây là dịp để lực lượng nghệ nhân kế cận khẳng định mình. Ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Với sự phát triển của các giáo phường, câu lạc bộ, nhất là với việc đào tạo thế hệ trẻ, ca trù trên địa bàn Thủ đô đang từng bước hồi sinh.

Từ Nhà Thái học (di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám), những tiếng “chát, tom”, tiếng đàn “tùng tếnh” tiếng phách rí rách khi khoan thai, dìu dặt, khi rộn rã, cùng với đó là những tiếng “âm ư” vọng ra. Không gian cổ kính của Văn Miếu càng thêm trầm mặc, bởi những tiếng lòng, tiếng tơ của những thể cách ca trù, khi Liên hoan tài năng trẻ ca trù lần thứ hai được tổ chức những ngày đầu tháng 11. Mới đó đã ba năm, khi Liên hoan tài năng trẻ ca trù lần thứ nhất được tổ chức. Khi ấy, nhiều người bất ngờ, ca trù vốn là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, nhưng Hà Nội đã “trình làng” một thế hệ kế cận đầy triển vọng. Liên hoan tài năng trẻ ca trù lần này còn đem đến nhiều bất ngờ hơn. 56 bạn trẻ, trong đó có 26 em tham gia các nội dung chính của ca trù, gồm: đàn, hát, trống chầu. Theo thể thức của liên hoan, đối tượng tham gia là những em từ 6 đến 30 tuổi, thì lứa từ 6 đến 15 tuổi chiếm đến 50%. Nếu năm 2016, Nguyễn Thục Trinh (Giáo phường ca trù Lỗ Khê) là ca nương trẻ nhất tham dự, khi mới tám tuổi, thì ở liên hoan lần này, ca nương trẻ nhất lên sân khấu trình diễn mới bảy tuổi. Ðó là ca nương Phạm Ngọc Bích, đến từ CLB ca trù Phú Thị. Những con số ấy phản ánh một câu chuyện sâu xa hơn. Nếu trước đây, ca trù xa lạ với cộng đồng, bị nhiều bạn trẻ quay lưng, hoặc ái ngại tham gia vì nó là nghệ thuật của “các cụ”, thì bây giờ, ngày càng nhiều bạn trẻ yêu mến, gắn bó. Chưa kể, ở phần thi múa hát, có thí sinh mới vừa tròn… bốn tuổi.

Chúng tôi gặp lại Thục Trinh – ca nương trẻ nhất ở Liên hoan tài năng trẻ ca trù lần thứ nhất. Thục Trinh đã trưởng thành hơn rất nhiều. Cô bé phấn khởi khoe: “Hiện giờ mỗi tuần cháu vẫn học hai buổi ca trù, vào thứ bảy và chủ nhật, chưa kể tập ở nhà. Người dạy ca trù cho cháu là Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Mận. Cô Mận luôn dặn dò cháu là muốn học ca trù thì phải chăm học, chăm làm bài tập ở trường trước, thì mới có thời gian dành cho ca trù”. Chuyến đi thi này, em được cả bố và mẹ đưa đi. Những ai dự liên hoan cũng đều bất ngờ, khi những khuôn mặt ngây thơ, trong sáng lại thể hiện rất điêu luyện sự cổ điển, trầm mặc của những bài “Hồng hồng, tuyết tuyết”, “Hương Sơn phong cảnh”, “Tỳ bà hành”… Không phải ai cũng thể hiện thuần thục những kỹ thuật khó, nhất là kỹ thuật “nảy hạt” (đổ hột). Bởi để có thể trình diễn ca trù “tạm ổn”, phải mất ít nhất năm đến bảy năm, thậm chí, hàng chục năm. Nhưng sự say mê trong từng câu hát, trong từng nhịp phách, tiếng đàn, gieo vào lòng người xem niềm tin. Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh – thành viên Ban Tổ chức Liên hoan cho biết: “Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức liên hoan để tạo sân chơi, không gian thực hành, giao lưu, kết nối cho các CLB, các bạn trẻ. Chúng tôi hướng đến mục tiêu xa hơn là tạo thêm động lực cho công tác truyền dạy ca trù cho thế hệ trẻ. Ca trù là thể loại âm nhạc bác học, cho nên phải hiểu thì mới yêu, mới có thể khiến người ta học đàn, học hát. Nhưng điều khiến chúng tôi rất vui là thế hệ ca nương, kép đàn dưới 15 tuổi của Hà Nội hiện nay rất đông đảo và hứa hẹn đầy tài năng”.

Ðã từng nhiều năm gắn bó với ca trù, từ lúc chưa được nhiều người quan tâm, cho đến lúc ca trù được quốc tế công nhận, Giáo sư Tô Ngọc Thanh xúc động chia sẻ: “Cách đây 20 năm, ít người có thể nghĩ ca trù có được ngày hôm nay. Từ chỗ tìm được nghệ nhân hát ca trù còn khó, bây giờ, Hà Nội đã có hàng chục CLB, giáo phường thường xuyên hoạt động; có nhiều nghệ nhân và cũng nhiều người có khả năng truyền dạy. Liên hoan lần này, chúng tôi thấy có nhiều tài năng thật sự. Nhưng TP Hà Nội cần quan tâm hơn trong đào tạo kép đàn. So với đào nương, thì kép đàn có độ “vênh” nhất định, chất lượng một số kép đàn chưa cao. Mà phải có đủ đào nương, kép đàn, trống chầu thì mới hình thành được ca trù”.

Liên hoan lần này có tám giáo phường, CLB cử thí sinh tham gia. Trong đó, có những CLB mới như: Ca trù Hoa Hựu, Ca trù Phú Thị, hay những địa phương còn nhiều khó khăn như Ca trù Chanh Thôn, Ca trù Ngãi Cầu… Ðiều đó cho thấy, dù hoàn cảnh có khác nhau, hầu hết các giáo phường đều quan tâm đến công tác truyền dạy, để lưu giữ ca trù cho mai sau. Năm 2019 này cũng là tròn 10 năm ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, sự hồi sinh của ca trù trên địa bàn Hà Nội chưa đủ để ca trù thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Song, kinh nghiệm bảo tồn, nhất là công tác “ươm mầm” tài năng trẻ, là điều các địa phương khác cần tham khảo, học hỏi, trong việc bảo tồn di sản ca trù tại địa phương mình.

G.N (HNS)