Sonata “Waldstein” và những bản thu âm

0
1355
Bức tranh vẽ nhà soạn nhạc Beethoven của họa sĩ Tây Ban Nha de Albert Gräfle (1809-1889). Nguồn: gazetadopovo.com.b

Là hiện thân của một cuộc cách mạng trong phong cách sáng tác piano, sonata Waldstein Op. 53 của Beethoven và việc biểu diễn chúng mang ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử thu âm các tác phẩm viết cho piano độc tấu.

Beethoven giữ gìn các quyển phác thảo của mình cẩn thận hơn nhiều so với các bản thảo viết tay đã hoàn thành. Một trong những “phòng thí nghiệm” của trí tưởng tượng sáng tạo đó là Landsberg 6 (mang tên nhà sưu tầm đã mua tập phác thảo được đóng quyển cẩn thận sau khi nhà soạn nhạc qua đời), cuốn phác thảo đã được Beethoven sử dụng suốt từ cuối năm 1802 đến đầu năm 1804 và phủ đầy lên 192 trang giấy bằng mấy trăm đoạn sơ thảo và phác thảo, bao gồm những ý tưởng ban đầu cho các giao hưởng số 5 và số 6, cũng như cho concerto tam tấu và Fidelio… phác thảo cho hai tác phẩm quy mô lớn, mỗi bản trong đó sẽ là một bước ngoặt quan trọng của thể loại: giao hưởng Eroica và sonata Waldstein.

Một “lược sử” Waldstein

Bản sonata giọng Đô trưởng Op 53 được xuất bản tại Vienna vào tháng 5/1805 với lời đề tặng Ferdinand Ernst Gabriel, bá tước von Waldstein (1762-1823), người bạn thời niên thiếu và nhà bảo trợ của Beethoven. Sinh ra ở Vienna, Waldstein sống ở Bonn từ đầu năm 1788, nơi ông được phong tước hiệp sĩ Dòng Giéc-manh và trở thành ủy viên hội đồng cơ mật của Tuyển hầu vương-tổng giám mục. Một tài liệu đương thời đề cập đến việc nhà soạn nhạc trẻ “thường nhận hỗ trợ tài chính” từ Waldstein, “một cách rất tế nhị vì Beethoven thường dễ tổn thương. Chính bá tước là người đã viết trong album lưu niệm của Beethoven vào tháng 11/1792 những dòng tiên tri mà sau này thường được trích dẫn: “Với sự siêng năng không ngừng nghỉ, cậu sẽ nhận được tinh thần Mozart từ đôi tay Haydn.” Dù sau đó hai người đã mất liên lạc song lời đề tặng Op. 53 của Beethoven đã phản ánh một cách chính xác lời tiên tri này.

Điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa Waldstein với 20 sonata mà Beethoven đã xuất bản trước đó là sự thách thức kỹ thuật biểu diễn, vượt xa khả năng của bất kỳ nghệ sỹ piano nghiệp dư nào thời đó. Một bài bình luận trên tờ Allgemeine Musikalische Zeitung (Báo Toàn cảnh âm nhạc Đức) kết luận: “Chúng ta phải biết ơn nhà soạn nhạc bậc thầy thầy này. Chương đầu và chương cuối rực rỡ và độc đáo bởi chúng tràn ngập những ý tưởng lạ lùng và thật khó diễn đạt bằng các kỹ thuật chơi thông thường.” Cả ba chương Op. 53 đều bắt đầu ở âm lượng pianissimo. Cảm giác thôi thúc khác thường xuất hiện ngay từ chương mở đầu Allegro con brio cũng dường như là trường hợp ít thấy trong âm nhạc Beethoven, ngoại trừ bản giao hưởng số 9 sau này. Hơn nữa, như nghệ sỹ piano và cây viết âm nhạc Charles Rosen đã chỉ ra, nhiều thể thức hòa thanh, âm hình và kết cấu trước đây chỉ dành riêng cho các concerto lần đầu được đưa vào khuôn khổ của một sonata, tạo cho Waldstein sự kịch tính và nét rực rỡ đặc biệt.

Nghệ sỹ Emil Gilels. Nguồn: Schigeo Yamamoto

Những bản thu âm xuất sắc

Waldstein trở thành bản sonata được chú ý và ngưỡng mộ trong suốt hơn 200 năm tồn tại. Trong số các màn biểu diễn và thu âm, tôi đã chọn được ra 20 bản xuất sắc, dĩ nhiên không may là đã loại đi nhiều nghệ sỹ trình tấu Beethoven xuất sắc như Edwin Fischer, Rubinstein, Kempff, Arrau, Annie Fischer, Kovacevich, Pollini, Goode và Schiff… Tiêu chí lựa chọn của tôi là sự đa dạng trong cách tiếp cận mà Waldstein đã truyền cảm hứng, sự ủng hộ các bản thu âm ít được biết đến hơn và dĩ nhiên cả sở thích cá nhân nữa.

Những vang vọng từ thế kỷ 19

Thuộc thế hệ học trò cuối cùng của Liszt, nghệ sỹ piano người Scotland Frederic Lamond được ngợi ca là một nhà trình tấu Beethoven xuất sắc. Một trong những chương trình độc tấu yêu thích của ông bắt đầu với Hammerklavier, tiếp theo là các Op 110 và 111 và Waldstein, rồi kết thúc với Appassionata. Những dẫn truyền siêu phàm của Ward Marston [1] trong bản thu âm Waldstein năm 1922-1923 mà Lamond thực hiện cho HMV tạo cho ta cảm giác chính xác đến cao độ và đầy ứ những tương phản sống động. Không như phần lớn nghệ sỹ biểu diễn ngày nay, Lamond không chú trọng các điểm ngắt giọng mỏng manh giữa các đoạn tương phản về cấu trúc, chẳng hạn như ở phần chuẩn bị bắt vào chủ đề thứ hai theo kiểu hợp xướng của chương một. Ngoài ra, ông còn có xu hướng “cắt xén” những quãng nghỉ điển hình của thời kỳ này. Việc nắm bắt cấu trúc chặt chẽ của ông đem lại bản sonata một cung bậc biểu cảm hấp dẫn một cách lạ lùng. Phần coda (kết) Prestissimo của chương cuối tiến triển một cách sôi nổi, rực rỡ và tuyệt đẹp. Bao trùm lên tất cả, tình yêu âm nhạc của Lamond dường như thấm vào từng ô nhịp.

Hơn bất kỳ nghệ sỹ piano nào khác, Artur Schnabel gần như đồng nghĩa với Beethoven. Lần đầu tiên ông chơi trọn vẹn 32 bản sonata tại Nhà hát Volksbühne ở Berlin năm 1927, sau đó lặp lại cũng tại Berlin, London và New York. Những bản thu âm do Schnabel thực hiện cho HMV từ năm 1932 đến 1935 là trọn bộ sonata đầu tiên của Beethoven được thu âm. Uy tín của các bản thu âm này không chỉ do chúng đã đi tiên phong mà còn nhờ vào chất lượng biểu diễn. Theo nhiều cách, Waldstein của Schnabel là điển hình của lối chơi các sonata thời kỳ giữa: các chương đầu và cuối cực kỳ nhanh, đôi khi hối hả một cách cuồng nhiệt và chương giữa chậm một cách lạ thường khiến về tổng thể, đây là một màn trình diễn gắn kết và hấp dẫn từ một quyền lực âm nhạc khác thường.

Vào ngày 18/4/1969, bốn tháng trước khi qua đời ở tuổi 85, tiếng đàn Wilhelm Backhaus đã được thu âm trong một buổi độc tấu tại Berlin Philharmonie bao gồm bốn sonata Beethoven: các Op 28, 31 No 3, 53 và 109. Waldstein của Backhaus chứa đựng những dấu vết có thể nhận thấy của tuổi lão niên và đặc trưng âm nhạc thời quá vãng. Chẳng hạn không ít quãng tám bị chia ra, các hợp âm ở cả hai tay đôi khi được rải nhẹ và phần coda Prestissimo bị chậm lại để phù hợp với các glissando (vuốt) quãng tám được chơi từ cổ tay. Tuy nhiên, lối khai thác đầy sáng tạo âm thanh của nhạc cụ và sự phát triển các chi tiết tinh tế ở Backhaus chứng tỏ Waldstein của ông là đại diện đầy đủ của “phong cách lớn” thế kỷ 19.

Những giọng đàn nổi lên sau thế chiến

Chỉ trong vòng tám ngày của năm 1903, tại Đế chế Habsburg có hai đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời và sau này đều trở thành các nhà trình tấu Beethoven nổi tiếng: Rudolf Serkin (sinh ngày 28/3 tại Eger, nay là Cheb, CH Czech) và Lili Kraus (sinh ngày 3/4 tại Budapest). Có cái gì đó như sự ngọt ngào bẩm sinh trong con người Serkin được truyền vào bản thu âm năm 1952 (ông thu âm lại Waldstein vào năm 1975 và trong một buổi thu âm năm 1987 vẫn chưa được phát hành). Lối trình diễn hướng ngoại của Serkin, với kỹ thuật non-legato (chơi rời từng nốt, không liền mạch) lan tràn trong chương Allegro mở đầu, một vài cách nhấc tay ở chương Rondo và về toàn thể, âm thanh có phần chát chúa của Serkin đã biến bản thu âm thành một tượng đài Beethoven đẹp đẽ nhưng xù xì.

Trong những năm 1920, Lili Kraus thường ra mắt cùng nhiều dàn nhạc châu Âu khác nhau khi chơi Concerto số 4 của Beethoven. Chính những bản thu âm các sonata violin mà bà thực hiện cùng Szymon Goldberg trong thập kỷ tiếp theo mới đem lại danh tiếng là người trình tấu Beethoven cho bà. Trong Waldstein năm 1953 của bà, những nốt móc đơn mở đầu lặp đi lặp lại tạo ra một âm thanh kỳ lạ, gợi lên các đàn dây trầm hơn khi sử dụng các nhát vĩ nhỏ nhất, như thể một chùm ba vang lên liên tiếp đang rung động. Suốt chương nhạc, allegro với các yếu tố mang tính sôi nổi của bản sonata được mô tả một cách sinh động. Phần Introduzione miêu tả một cảnh quan mới, độc lập và đĩnh đạc một cách hoa mỹ còn phần coda Prestissimo như một lời ca tụng sôi nổi.

Trong số những nghệ sỹ nổi tiếng thế kỷ 20, Emil Gilets có một tiếng đàn đặc biệt. Hầu hết các nghệ sỹ thường thận trọng biểu diễn Waldstein sau khi đã “hâm nóng” phòng hòa nhạc và khán giả bằng các tác phẩm khác, nhưng Gilets thì khác, ông cảm thấy tự tin và thoải mái đến mức không do dự xếp nó ngay đầu các chương trình recital của mình. Bản thu âm năm 1972 cho Deutsche Grammophon của ông được dự dịnh như một phần của trọn bộ sonata Beethoven mà ông vẫn chưa kịp hoàn thành trước khi qua đời. Việc ưa sự hài hòa hơn nét phóng túng của Gilels đã tạo ra chương mở đầu với một Allegro thong thả mà không có con brio. Phần Adagio điềm tĩnh từ đầu đến cuồi, dẫn đến một Rondo hơi đuối dù có tất cả vẻ đẹp vang vọng và sự đúng mực không thể bàn cãi của nó. Nếu ai đó vẫn muốn thấy một mức độ cuốn hút cá nhân lớn hơn thì vẻ bóng bẩy kỹ thuật được hiệu chỉnh tinh tế của Gilels vẫn có thể gây choáng váng, ngay cả thời kỳ nghệ thuật biểu diễn piano đã đạt tới mức cao như hiện nay.

Nghệ sỹ Barenboim đã thu âm toàn bộ 32 sonata piano của Beethoven, trong đó có “Waldstein”, cho EMI. Nguồn: EMI

Với một sự nghiệp lẫy lừng, trong đó các tác phẩm của Beethoven chiếm vị trí hàng đầu, Waldstein của Alfred Brendel xứng đáng có uy tín khi chứa đựng sự phong phú phi thường cả về màu sắc và chi tiết, tất cả đều hướng tới tinh thần của chủ nghĩa Lãng mạn, dù tác phẩm vẫn nằm trong địa hạt Cổ điển. Thế mạnh của Brendel là ông có khả năng truyền tải một cách sinh động cả khối kiến trúc hùng vĩ của bản sonata, kết nối liền mạch từ điểm khởi đầu đến kết thúc. Điều đó đã vang vọng trong bản thu âm năm 1993 của các kỹ sư Philips, không chỉ riêng tiếng đàn piano mà cả bầu không khí xung quanh nữa.

Khi lần đầu tiên chơi 32 sonata Beethoven ở Tel Aviv vào năm 1960, Daniel Barenboim là nghệ sỹ piano trẻ nhất dùng trí nhớ để chơi toàn bộ chùm tác phẩm này trước công chúng. Ngoài Daniel Barenboim, có rất ít nghệ sỹ thu âm có mối quan hệ gần gũi hơn với tác phẩm của Beethoven. Họ chỉ là nghệ sỹ piano trong khi Barenboim đến với âm nhạc cả trên cương vị nhạc trưởng lẫn nghệ sỹ, nghĩa là ngoài các tác phẩm piano độc tấu như Waldstein còn có các bản giao hưởng, các concerto, các hợp xướng và thính phòng khác. Bản thu âm Waldstein mà chúng ta được xem xét là bản được quay phim trực tiếp trong tám buổi hòa nhạc tại Nhà hát opera quốc gia Staatsoper Unter den Linden vào tháng 6 và tháng 7/2005, phát hành lần đầu dưới dạng DVD của EMI, sau đó là dạng CD của Decca. Waldstein này mang màu sắc của riêng Barenboim: rõ ràng và chính xác với mọi yếu tố được sắp xếp một cách tỉ mỉ. Từng nốt nhạc được ông hiệu chỉnh hết sức hoàn hảo và mang vẻ đẹp thuần khiết, thể hiện chính xác con người trung thực, trí tuệ của Barenboim. Dẫu vậy, mặt trái của lối chơi này là nó tạo ra cho người nghe đôi chút cảm giác ông có phần buông lỏng cảm xúc, do đó màn biểu diễn bản sonata đặc biệt này của ông ít có dấu vết của tinh thần tự do và thiếu vắng bóng dáng của sự tương phản nội tâm.

(Nguồn: http://www.tiasang.com.vn/)

Ngọc Anh lược dịch (HNS)
——————————
[1] Henry Ward Marston IV (1952): kỹ sư dẫn truyền âm và nhà sản xuất người Mỹ, nổi tiếng với việc bảo tồn và tái bản các bản thu âm lịch sử