Điệu chèo có tự bao giờ? Một câu hỏi khó để trả lời cho thỏa đáng. Chỉ biết từ thời vua Đinh, cách đây ngàn năm đã cho Ưu Bà là vị tổ của nghệ thuật hát chèo.
Đồng bằng Bắc Bộ chiếc nôi hát chèo
Đồng bằng Bắc Bộ là vùng châu thổ phù sa cổ có bề dày lịch sử hình thành cư dân lúa nước từ 4000 đến 3000 năm, tương ứng với các thời đại vua Hùng. Nơi đây sớm hình thành các tiểu vùng văn hóa như đất tổ, kinh Bắc, Thăng Long, xứ Đông, xứ Đoài, Thượng châu thổ, Trung châu thổ, Hạ châu thổ… rất đặc trưng, độc đáo và giàu bản sắc bản địa.
Nơi đây không chỉ có bồi đắp tích tụ phù sa mà còn diễn ra mạnh mẽ sự bồi đắp, trầm lắng và tích lũy những kho tàng khổng lồ về ca dao, tục ngữ, thành ngữ, lộng ngữ, ngoa ngữ, câu đố, ví đối, nghi lễ, diễn xướng, dân nhạc, dân vũ. Trên nền tảng ấy, các làn điệu chèo và sân khấu chèo được hình thành, được nuôi dưỡng, được phát triển trở thành một trong những di sản vô giá của Đồng bằng Bắc Bộ.
Hề chèo có rất nhiều thủ pháp gây cười.
Từ những câu ca dao, đồng dao, hò vè đơn lẻ tấu lên trong lao động sản xuất và sinh hoạt gia đình, làng xã dần trở thành làn, thành điệu, trở thành gánh hát, chiếu chèo, phường chèo. Hát chèo đi vào từng nhà, đi vào hội làng và mọi sinh hoạt xã hội như cưới xin, ma chay, khao vọng, đình đám… thu hút hấp dẫn cả người hát, người nghe, người xem đều say như điếu đổ.
Đi tìm làn, điệu trong chèo
Chèo là loại hình nghệ thuật tổng hợp. Chèo tổng hòa các yếu tố dân ca, dân vũ, dân nhạc, diễn xướng, tuồng tích trở thành đặc sản văn hóa đặc trưng ở Bắc Bộ. Xuất phát từ âm hưởng của giai điệu dân ca dần dần hình thành các tố chất buồn, vui, trong sáng, trầm tư, dí dỏm, trào lộng từng câu hát, trong từng hoàn cảnh cụ thể. Trong sự phát triển thăng hoa của lối nói, lời thơ, trò diễn dân giã đã xướng lên, ngân nga thành làn, thành điệu.
Trong chèo, làn là hơi thở của nhạc điệu. Làn là theo khổ thơ lời hát mà ngân lên. Nhiều lời câu hát sẽ dài, ít lời câu hát ngắn lại. Làn còn được biến tấu để diễn đạt cảm xúc, tình huống cụ thể của tích, trò. Làn chính là sản phẩm của ứng tác âm thanh, ứng diễn tự do theo phương thức dân giã, dân gian. Làn chính là môi trường âm nhạc của câu hát, là âm nhạc hóa thơ ca, được nảy nở từ nhịp trống phách và nét dạo của các nhạc cụ trong chèo.
Đi liền với làn là điệu. Điệu lấy chất liệu, hơi hướng từ làn nhưng được cấu trúc chặt chẽ, định hình nghiêm chỉnh cùng kỹ thuật thể hiện lời hát, thanh điệu ở mức độ cao hơn, ổn định hơn. Điệu được dùng cho đơn ca, đối ca, đồng ca, tốp hát để miêu tả tâm trạng, tính cách nhân vật và bối cảnh. Điệu không được chênh khỏi làn và phải bảo đảm bảo đúng đặc trưng hát chèo. Ở điệu, vai trò âm nhạc được coi trọng, được phát huy, tạo hiệu ứng lan tỏa của câu hát, lời hát.
Sự phong phú của lối hát chèo
Âm nhạc đóng vai trò dẫn dắt, nâng tầm, chắp cánh cho câu hát chèo. Nhạc cụ trong chèo bộ gõ có trống bản, trống nhỏ, trống cơm, trống đế, mõ, thanh la. Bộ giây có nhị, đàn nguyệt, đàn tam, hồ. Bộ hơi có sáo trúc. Với người xem, họ sở hữu trống chầu hỗ trợ tiếp lửa cho đêm hát, hội diễn.
Hát chèo là một trong những di sản vô giá của Đồng bằng Bắc Bộ.
Trong chèo có cách diễn tả bằng nghệ thuật múa. Múa chèo đặc sắc ở đôi bàn tay kết hợp chuyển động toàn thân nhẹ nhàng uyển chuyển theo tiết tấu câu hát theo nhịp điệu cung bậc của cảm xúc. Chiếc quạt là đạo cụ ưu thế để người hát, người diễn hòa nhập với động tác múa. Múa trong chèo mang tính ước lệ những động tác trong lao động và cuộc sống.
Hề chèo là nhân vật ước lệ rất phổ biến ở các trò diễn tạo ấn tượng, hoạt náo cho không khí cuộc hát, đêm hát. Với nghệ thuật trào lộng dân gian và sử dụng lối ngọa ngữ sắc sảo hề chèo để lại tiếng cười hỉ xả nơi thôn giã.
Hát chèo có cả trăm làn điệu nằm trong các loại hình: sắp, sử, hề, văn, đường trường, sa lệch, xẩm xoan, luyện năm cung, cách cú, lới lơ, làn thảm, đào liễu, gà rừng… Thế kỷ trước các bậc tiền bối làng chèo còn đưa thêm vào các làn điệu vốn ra đời ở bên ngoài đồng bằng Bắc Bộ như: bồng mạc, sa mạc, hát ví, trống quân, cò lả, hành vân… làm phong phú thêm nghệ thuật chèo.
Hát chèo in đậm nét trong tiềm thức dân gian người Việt. Không chỉ riêng với đồng bằng Bắc Bộ mà còn tỏa rộng, vươn xa trong đời sống văn hóa – nghệ thuật đương đại của đất nước.
T.T (HNS)