Vào khoảng thập niên 90, khi những tình khúc nhạc tiền chiến lên ngôi, có nhiều ngôi sao nổi lên với sự thăng hoa đầy trữ tình, sâu lắng và tinh tế của một dòng nhạc kén người nghe, thì có một giọng hát đầy ma lực chạm đến trái tim của những người yêu nhạc xuất hiện, đó là ca sĩ Quỳnh Hoa. Chị là nữ ca sĩ đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng người yêu nhạc với những tình khúc của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, Văn Cao, Hoàng Giác… với chất giọng khàn, trầm, da diết. Vào những ngày giữa thu hanh hao, thật êm ái với một bản nhạc Bolero của chị cất lên trong không gian: “Cô hái hoa tươi/ Hãy dừng bước chân/ Trên đường thầm xa/ Tôi nhắn cô em đôi lời/ Lòng không lưu luyến, sao đành cô lãng quên/ Quyên người gặp gỡ/ Trong một chiều mơ”…
Không phải là một người thích sự ồn ào, không thích những gì “đao to búa lớn”, ca sĩ Quỳnh Hoa tạo ấn tượng cho tôi ngay từ lần đầu gặp gỡ bởi sự nhiệt tình, duyên dáng và đầy lịch thiệp. Chị trong mái tóc tém, trong chiếc váy dịu dàng, trong tiếng cười đầy mãn nguyện của một người ca sĩ đã nhường sân cho các em, các cháu để lui về hậu trường sân khấu làm công việc đào tạo, đã có những giờ phút thật sự thoải mái trong những câu chuyện cuộc đời. Trên gương mặt của chị lúc nào cũng nở nụ cười tươi, một ánh mắt biết nói, bởi chị an nhiên và không bao giờ đặt ra cho mình những mục tiêu quá lớn lao. Chị cởi mở trong những câu chuyện về âm nhạc, về gia đình, về cuộc sống, về những kỷ niệm không quên của một thời làm nghề.
Ca sĩ Quỳnh Hoa sinh ra và lớn lên phố Trần Hưng Đạo trong một gia đình có truyền thống làm nghề dạy học. Ông nội của chị là sinh viên trường Bưởi, bà là nữ sinh trường Đồng Khánh nên họ bị ảnh hưởng bởi âm nhạc phương Tây ngay từ khi còn trẻ tuổi. Chính cái chất phiêu linh ấy, chính cái chất nghệ sĩ và Hà Thành ấy, nên ông bà chị đã quyết tâm cho chị học đàn Violon từ khi còn bé, dù biết chị có khả năng ca hát và cũng đam mê những giai điệu của ca từ. Cha mẹ chị, dù không phải là người ủng hộ con theo nghề “xướng ca vô loài”, song họ cũng tạo điều kiện hết sức. Có thời kỳ họ phải vào Thanh Hóa để dạy học, đã gửi chị lại Hà Nội cho ông bà chăm sóc để chị tiếp tục theo đuổi con được âm nhạc của mình. Ngày ngày, sau những giờ học văn hóa, ông bà thay nhau đưa đón chị đến trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội (nay là Đại học Nghệ thuật Hà Nội) để thực hiện ước mơ của gia đình. Nhưng cuộc đời luôn có những ngã rẽ bất ngờ, khi đang học tại trường nghệ thuật, bởi vì để theo đuổi được dòng nhạc chuyên nghiệp này, phải còn có nhiều điều kiện cần và đủ khác, như là đi tu nghiệp ở nước ngoài, được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, đẳng cấp… mà thời ấy, vì những lý do khác nhau, gia đình chị chưa thể có những điều kiện để cho con cháu mình thực hiện ước mơ. Rồi chị thi vào học trường Đại học Văn hóa Hà Nội, học về thanh nhạc. Và một hướng đi mới đã đến với chị, theo đuổi con đường ca hát, một mảnh đất màu mỡ mà chị đã tình cờ và may mắn có được.
Ca sĩ Quỳnh Hoa chia sẻ:
“Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là khi ra trường, cũng là thời điểm đất nước vào thời kỳ đổi mới nên tôi được tiếp xúc nhiều dòng nhạc khác nhau để có thể thử sức mình và xem thử mình thuộc “tuýp nhạc” nào. Thời kỳ ấy, tôi gặp nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, chính anh ấy là người dẫn tôi đến gặp những người nhạc sĩ mà tôi thầm mơ được gặp. Đó là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và nhạc sĩ Văn Cao. Những ca khúc nổi tiếng của họ, tôi vẫn âm thầm hát, vẫn ngân nga mỗi ngày bởi vì đó là những bài hát khác lạ, đi vào tâm khảm của cả một thế hệ những năm đầu đổi mới. Nhưng, được gặp và hát cho hai nhạc sĩ ấy nghe thì quả là điều tôi, một cô bé mới chập chững ra trường thì chưa bao giờ dám nghĩ tới. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên gặp nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, ông nhìn tôi trìu mến, như một người ông, một người cha. Tôi hát và ông đánh đàn cho tôi. Thời điểm ấy, trong căn nhà của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn ở Cao Bá Quát, thường có nhiều nhạc sĩ, ca sĩ lui tới, chẳng hạn như tài tử Ngọc Bảo. Ông là danh ca lừng danh của một thời mà tôi cũng từng khao khát được gặp. Ông hướng dẫn cho tôi hát, cách phiêu, cách luyến láy, cách nhả chữ… Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn trang bị cho tôi, ngoài lịch sử ra đời của mỗi bài hát, còn có cả một kho kiến thức về âm nhạc và những câu chuyện kể. Tôi đã trưởng thành từ những câu chuyện ấy của các bậc cha chú. Bài hát đầu tiên ông đánh đàn và khẳng định là hợp với chất giọng của tôi là bài Cánh hoa duyên kiếp, một bài hát không phải quá nổi tiếng của ông, nhưng giai điệu lại rất ngọn ngào: “Từ một nơi xa xôi cách bao núi rừng suối đồi/Anh gởi mấy cánh hoa về người yêu/Hoa lan hương màu trắng, như duyên em thầm kín/Trong hương thu màu tím buồn/ Hẹn một ngày nao khi màu xanh lên tà áo/Tình thương lên quầng mắt, anh đón em về thuyền mơ/Ðêm hôm nay chợt nhớ tới nơi xa/Lúc anh về nhặt mấy cánh hoa/Kèm vào lá thư xanh màu yêu/Cánh hoa duyên kiếp này, tìm em trong ý thu”…
Một kỷ niệm khác cũng đã ảnh hưởng đến chặng đường âm nhạc của tôi, đó là lần được gặp nhạc sĩ Văn Cao trên căn nhà của ông ở phố Yết Kiêu. Hôm ấy đến nhà ông, tôi đã hát ca khúc Suối mơ để ông và các bạn ông thưởng thức cùng ly ruợu cuốc lủi. Nhìn thấy mọi người như chìm vào cõi mơ huyền ảo, tôi cảm động đến ứa nước mắt. Không hiểu vì sao những giai điệu tuyệt vời này của xa xưa mãi đến bây giờ tôi mới được biết: “Suối mơ/Bên rừng thu vắng/Giòng nước trôi lững lờ ngoài nắng/Ngày chưa đi sao gió vương?/Bờ xanh ngát bóng đôi cây thùy dương/Suối ơi!/ nguồn yêu mến/Còn ghi khi bóng ai tìm đến/ Đàn ai nắn buông lưu luyến/ Suối hát theo đôi chim quyên/Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối/Nghe suối róc rách trôi hoa lừng hương gió ngát/ Đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi…”.
Đang ở trên đỉnh cao danh vọng, với lịch “chạy sô” kín mít, thì Quỳnh Hoa tạm dừng chân để lấy chồng, sinh hai cậu con trai kháu khỉnh. Chồng chị, một người “ngoại đạo” trong âm nhạc, đã dành cho chị một tình yêu trọn vẹn để có thể bù đắp những thiệt thòi mà chị đã phải hy sinh với con đường âm nhạc. Khi hai con lớn khôn, chị bắt đầu quay trở lại sân khấu với hai album nhạc “Về bến mơ” tập hợp 8 ca khúc của các bậc thầy như Văn Cao, Đoàn Chuẩn… Mỗi ca khúc chị cất lên là một dư âm vọng về, những câu chuyện cũ, những ký ức cũ chưa phai mờ cùng thời gian. Những ca khúc đã nuôi dưỡng ước mơ của cuộc đời nghệ sĩ. Tiếp tục sau đó chị ra album “Tango 09” với: Tình nghệ sĩ của Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Buồn ơi, chào mi của Nguyễn Ánh 9, Bóng ngày qua của Hoàng Giác, Bóng chiều xưa của Dương Thiệu Tước... kết hợp những bài song ca với Lê Anh Dũng, Đức Long và Tuyết Tuyết. Âm hưởng tango, mạnh mẽ nhưng vẫn lãng mạn đã đưa chị trở về với một thời mê say trong âm nhạc. Và gần đây nhất, chị cho ra mắt album “Romane”, một album mang âm hưởng Hà Nội với 6/8 ca khúc mới đều có dáng dấp của Hà Nội, một Hà Nội cụ thể như: Hà Nội café (Nguyễn Vĩnh Tiến), Hà Nội ngày ấy (Trần Tiến), Thư Hà Nội (Nguyễn Vĩnh Tiến) có cả những ca khúc bảng lảng một Hà Nội ở đâu đó như Phố khuya(Giáng Son), Ngập ngừng (lời: Nguyễn Vĩnh Tiến, nhạc: Nguyễn Cường)… được Quỳnh Hoa hát với rất nhiều cảm xúc.
Ca sĩ Quỳnh Hoa là người không có những tham vọng lớn lao trong âm nhạc. Dù ở Thời hoa đỏ đỉnh cao với lịch biểu diễn kín mít, hay bây giờ, khi chị đã ở tuổi chín chắn nếm trải những cung bậc cuộc đời, chị vẫn quan niệm rằng, với phụ nữ nói chung, việc thành công nhất vẫn là gia đình yên ấm, vẹn toàn, các con khôn lớn và biết yêu thương, chia sẻ…
Cho dù cuộc sống nhiều đổi thay, cho dù dòng nhạc thị trường lấn lướt một cách chóng mặt, cho dù cuộc sống không phải là những dư âm cũ, nhưng ca sĩ Quỳnh Hoa luôn cảm thấy mình đã đi một con đường đúng và chị mãn nguyện với mọi chức phận bây giờ chị đang được tận hưởng…. Và bên cạnh chị, có cả những dư âm không thể mờ phải của những khúc nhạc tiền chiến, những giai điệu thuộc về mùa thu, cái mùa dễ rung cảm nhất của những tâm hồn nghệ sĩ…