Một Martha Argerich khác

0
1222
Martha Argerich và người bạn lâu năm, nhạc trưởng Barenboim. Nguồn: danielbarenboim.com
Nghệ sỹ piano gốc Argentina Martha Argerich vẫn được biết đến như một người kín đáo nhưng tính khí thất thường. Bà có vẻ đẹp phóng túng với mái tóc dài và dày cùng nụ cười rạng rỡ, tinh nhanh và ở tuổi gần 80 vẫn mặc chiếc áo lỗi mốt cùng chiếc quần cotton như lớp trẻ vẫn mặc hồi năm 1968. Lối chơi đàn của bà dữ dội và…

Dữ dội và tỏa sáng rực rỡ

Việc cố gắng hẹn bà một cuộc phỏng vấn dường như là không thể. Người ta bảo rằng họa hoằn lắm bà mới trả lời phỏng vấn một cách miễn cưỡng. Để được trò chuyện với bà vào năm 2008, tạp chí âm nhạc Gramophone (Anh) đã phải “tranh thủ” sự giúp đỡ của nghệ sỹ piano, nhạc trưởng Stephen Kovacevich, người từng được gọi là tình yêu lớn của đời bà mặc dù họ đã chia tay vào thập niên 1970. Ngay cả khi Kovacevich ở đó nhưng khi máy ghi âm được bật lên bà vẫn cảm thấy không thoải mái. Thế nhưng, rốt cuộc bà nhận lời trả lời phỏng vấn [Washington Post] và khi trả lời điện thoại để ấn định thời gian gặp gỡ chúng tôi từ nhà cô con gái cả của mình tại Thụy Sĩ bằng một giọng nữ du dương, nghe trong trẻo như thiếu nữ, và nồng ấm một cách tự nhiên, hoàn toàn không giống như một thiên tài ẩn dật khó tính [như vẫn đồn đại].

Dù không thích xuất hiện để nhận giải thưởng nhưng rốt cuộc, bà cũng tới Mỹ để nhận Huy chương danh dự tại Trung tâm Kennedy. Bà nói: “Con gái tôi đã nài nỉ rất nhiều. Và rồi [nghệ sỹ violin] Itzhak Perlman gọi điện bảo tôi ‘Chị biết là rất vui mà’. Và rồi tôi nhìn vào một số người đã nhận được huy chương đó, và dĩ nhiên, tôi cảm thấy rất vinh dự… Nhưng tôi không hiểu, vì tôi nghĩ mình đã không biểu diễn nhiều ở Mỹ.”

Các hoạt động biểu diễn tại Mỹ của bà không nhiều, ngoài một chuỗi các buổi hòa nhạc, một chương trình độc tấu cháy vé nổi bật tại Carnegie Hall vào năm 2000 đánh dấu lần độc tấu đầu tiên của bà ở Hoa Kỳ trong gần 20 năm – sau khi bà quyết định, vào đầu những năm 1980, ngừng biểu diễn độc tấu và chỉ chơi cùng dàn nhạc và trong nhóm nhạc thính phòng. Màn trình diễn đó là nhằm quyên tiền cho Viện Ung thư John Wayne ở Santa Monica, California, tổ chức đã cứu sống bà khi bà bị u ác tính tái phát đe dọa tính mạng vào năm 1997. “Tôi đã thận trọng khi thực hiện [buổi hòa nhạc] hai tuần trước khi đi kiểm tra sức khỏe”, bà nhớ lại,”vì tôi sợ – nếu tôi đi kiểm tra sức khỏe và kết quả không tốt thì tôi sẽ chơi thế nào?” (May mắn là kết quả của buổi kiểm tra cho thấy bà đang hồi phục.)

Thiên tài và những mối quan hệ phức tạp

Chuyện của Martha Argerich là chuyện về một thiên tài bẩm sinh đầy dữ dội. Argerich không thể không chơi nhạc – bà nhập tâm tổng phổ và biểu diễn tác phẩm với chiều sâu, phạm vi, cảm xúc rộng mở và sẵn sàng nhận lấy mạo hiểm đến mức ngay cả những người không yêu nhạc cổ điển cũng thấy phấn khích. Với một trí nhớ thấu niệm, bà có thể tái tạo âm nhạc một cách hoàn hảo sau khi nghe một lần duy nhất. Dù trong một cuộc phỏng vấn năm 1972 trên truyền hình,  bà vừa nói vừa cười trả lời “Tôi có vấn đề với các quãng tám” thì vẫn có thể thấy các thách thức kỹ thuật không là gì với bà, ngay cả những đoạn nhạc giống đoạn kết rền vang như sấm trong bản piano concerto của Tchaikovsky mà hầu hết các nghệ sỹ piano đều thấy lo lắng.

“Chỉ có các nghệ sỹ vĩ đại nhất mới có thể duy trì được sự tươi mới cùng chiều sâu chín chắn trong những khám phá âm nhạc”, nhạc trưởng và nghệ sỹ piano Daniel Barenboim viết trong email. “Martha Argerich là một trong số họ. Ngay từ lúc bắt đầu, bà không phải là một nghệ sỹ bậc thầy [tuân theo bản nhạc] một cách máy móc và chỉ quan tâm đến sự khéo léo và tốc độ. Dĩ nhiên bà cũng tinh thông điều đó nhưng trí tưởng tượng đã giúp bà tạo ra chùm âm thanh với chất lượng vô cùng độc đáo trên đàn piano.”

Argerich dường như đã đi chệch khỏi con đường đã sắp đặt cho bà. Bà quen hủy bỏ các buổi biểu diễn, đôi khi ở phút cuối, đến nỗi từ lâu đã ngừng ký hợp đồng. Và cuộc sống cá nhân của bà luôn xáo động. Ba cô con gái của bà với ba nghệ sỹ, nhạc trưởng là minh chứng cho một cuộc sống đầy ắp những mối quan hệ hôn nhân; hơn thế, bà còn thiết lập các mối quan hệ thân mật với những người trong và ngoài giới âm nhạc.

Tuy nhiên, bà cũng có những mối quan hệ lâu bền: hai trong số ba người chồng, nhạc trưởng Kovacevich và nhạc trưởng Charles Dutoit, vẫn còn là những người bạn thân thiết của bà. Cũng như vậy, nghệ sỹ piano Nelson Freire, nghệ sỹ violin Mischa Maisky và nghệ sỹ violin Gidon Kremer – hai bạn diễn âm nhạc thính phòng đã cùng bà lưu diễn và thu âm trong nhiều thập kỉ – và Barenboim, người đã biết bà từ khi cả hai đều là thần đồng ở Argentina bảy thập kỉ trước.

Barenboim nói: “Tôi không quen biết ai lâu hơn Martha. Mối quan hệ giữa chúng tôi dựa trên sự gắn kết về âm nhạc, dĩ nhiên còn là một tình cảm rất nhân bản đã kết nối chúng tôi”.

Những lựa chọn lối sống của Argerich phần nào xuất phát từ tính khí. Có vẻ như bà tự nhiên thích ngủ cho đến 2 giờ chiều, dành hàng giờ nói chuyện trên điện thoại, xem TV hay ở giữa đám bạn bè, còn nếu có tập piano thì diễn ra vào sáng sớm. Trong bộ phim tài liệu nhiều tiết lộ sửng sốt Bloody Daughter (Cô con gái ngỗ ngược, 2012), con gái út Stéphanie Argerich (con gái của bà với Kovacevich), đã bày tỏ một cách vừa rộng lượng vừa trìu mến về những thăng trầm trong cuộc sống với một huyền thoại: những đứa trẻ ngủ thiếp đi dưới cây đàn piano; các bữa tiệc khiêu vũ trước ti vi; thái độ của người mẹ đôi khi giống như trẻ con, đôi lúc lại phóng túng.

Các kết nối âm nhạc

Là một đứa trẻ ở Buenos Aires sớm bộc lộ tài năng âm nhạc, Argerich được mẹ thúc ép và được cha dạy dỗ tại nhà, cật lực theo học nhà sư phạm gốc Ý giỏi Vincenzo Scaramuzza (một lần ông từng nói rằng Argerich có thể 6 tuổi, nhưng tâm hồn là của người 40 tuổi).

Một trong những người đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời của Argerich là Friedrich Gulda, nghệ sỹ piano người Áo độc đáo và xuất sắc chỉ hơn Argerich 11 tuổi. Để giúp Argerich có thể học cùng Gulda, Juan Perón – tổng thống Argentina khi ấy – đã đưa cha mẹ bà tới đại sứ quán Argentina tại Vienna làm việc, và cả gia đình đã chuyển tới Áo khi Martha mới 13 tuổi. Gulda xem mối quan hệ giữa họ là cuộc gặp gỡ của những trí tuệ âm nhạc xuất sắc. Ông không ấn tượng với danh tiếng sau đó của Argerich và sự hỗn loạn mang tính cá nhân xung quanh bà. Theo một cuốn tiểu sử về Argerich năm 2010 do nhà báo Pháp Olivier Bellamy viết, khi gặp lại bà những năm sau đó, ông đã khóc: “Cô đã làm gì với đời mình vậy?”

Dù luôn coi Gulda là người ảnh hưởng chính đến sự nghiệp âm nhạc của mình nhưng Argerich chỉ học với ông trong vòng 18 tháng. Sự nghiệp của bà bắt đầu với một tiếng vang lớn vào năm 1957 khi, ở tuổi 16 giành chiến thắng trong hai cuộc thi piano lớn – Busoni ở Ý và Cuộc thi quốc tế Geneva – tiếp nối nhau trong vòng vài tuần, sau đó là một chuỗi đều đặn những buổi hòa nhạc và những giải thưởng quan trọng trong cuộc đời xê dịch mà bà cảm thấy phát ốm. Bà đã cưỡng lại việc thu âm album đầu tiên của mình cho Deutsche Grammophon trong một thời gian, dù hãng thu âm danh tiếng này đã áp dụng điều chưa từng có tiền lệ là cấp trước cho bà một khoản lương hàng tháng thay vì trả sau khi hãng có doanh thu và lợi nhuận từ tác phẩm của bà; cuối cùng bà đã thu âm cho hãng vào năm 1960. Các bản thu âm đầu tiên gồm màn trình diễn “Jeux d’eau” (Trò chơi của nước) của Ravel và màn trình diễn ngoạn mục Hungarian Rhapsody số 6 của Liszt, tác phẩm truyền tải những gì tinh túy của nhà soạn nhạc kiêm nghệ sỹ piano bậc thầy, cũng như hai bản rhapsody của Brahms – nhà soạn nhạc dù không nằm trong số thần tượng của bà, nhưng vẫn là bản thu âm kinh điển.

Và rồi, Argerich đã làm đứt gãy sự nghiệp âm nhạc của mình. Sau một nỗ lực bất thành để theo học nghệ sỹ piano Ý huyền thoại Arturo Benedetti Michelangeli, người chỉ dạy bà bốn buổi trong vòng một năm rưỡi, bà đến New York nhưng thất vọng vì không gặp được thần tượng Vladimir Horowitz của mình để rồi rốt cuộc rơi vào trầm cảm và nghĩ đến chuyện rời bỏ âm nhạc hoàn toàn. Bà có con với người bạn là nhạc trưởng kiêm nhà soạn nhạc Robert Chen, kết hôn với ông; sau đó trở về với người mẹ độc đoán ở Geneva, và sinh con gái cả Lyda năm 1964. Với sự giúp đỡ của nghệ sỹ piano kiêm nhạc sư Stefan Askenase, một lần nữa bà lại tập trung vào âm nhạc và giành chiến thắng trong cuộc thi Chopin năm 1965 với những hiểu biết mang tính bản năng về các sắc thái âm nhạc và chất thơ của nhà soạn nhạc bậc thầy Ba Lan. Bằng cách đó, bà đã xuất hiện trở lại trên bản đồ âm nhạc thế giới.

Tuy vậy đời sống cá nhân của bà vẫn còn nhiều thử thách. Bà mất quyền nuôi Lyda vào tay Chen khi ly dị vài tháng sau đó, và chỉ gặp con gái một hoặc hai lần cho đến khi cô đến tuổi thiếu niên. Do đó Lyda khó mà gần gũi thân thiết với mẹ và các em gái của mình, dù một trong hai đứa con của cô đã chơi nhạc cùng bà ngoại tại Liên hoan âm nhạc Lugano vào mùa hè 2015. “Nó chơi piano thực sự tốt”, Argerich nói. “Bà cháu tôi đã chơi bốn tay trong năm nay.” Và, để trả lời câu hỏi “Cháu bà bao nhiêu tuổi rồi?”, bà phải gọi điện thoại và có tiếng trẻ con trả lời “Huit ans et demi” (Tám tuổi rưỡi ạ).

Ngày nay, dường như có hai liên hoan dành riêng cho Argerich – ở Lugano và ở Beppu, Nhật Bản. Những mối hợp tác nghệ thuật tiếp tục dẫn bà theo những hướng đi mới – mùa hè 2016, bà biểu diễn cùng nữ nghệ sỹ giọng mezzo-soprano người Ý Cecilia Bartoli. Sau khi phục hồi sức khỏe và lại lao vào âm nhạc – hoạt động trung tâm trong cuộc sống của mình, Argerich bận rộn tới mức như bà nói “tôi không có nhiều thời gian để suy nghĩ về những gì mình thực sự muốn làm”.

Anne Midgette – Ngọc Anh dịch (HNS)