Sau hơn 40 năm đóng góp không ngừng nghỉ cho âm nhạc, NSƯT Phan Muôn vừa rời ghế Giám đốc Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam để nghỉ hưu. Ông có tên trong danh sách các nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSND sắp tới.
Gặp ông bên lề cuộc họp báo Hội diễn Ca múa nhạc doanh nhân, doanh nghiệp toàn quốc mà ông giữ vai trò Giám khảo, nghe ông chia sẻ những tâm tư về đời sống âm nhạc.
– Thưa NSƯT Phan Muôn, trong sự nghiệp biểu diễn âm nhạc của mình, ông nhớ nhất những kỷ niệm nào?
+ Kỷ niệm trong đời một người nghệ sĩ thì nhiều lắm, không thể nào kể hết. Nhưng với một người nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc chính thống như tôi, lại sống qua những thời kỳ gian khổ, khó khăn của đất nước, thì ký ức về những ngày vượt biển băng rừng đến với đồng bào chiến sĩ nơi biên giới hải đảo vẫn là đáng nhớ nhất.
Tôi vẫn nhớ như in những cuộc đi bộ biểu diễn phục vụ bộ đội mình ở các điểm tựa tiền tiêu biên giới phía Bắc năm 1979. Đó là năm chiến tranh biến giới nổ ra ác liệt. Những nghệ sĩ chúng tôi quần xắn cao, tay xách giày dép, vai đeo ba lô, đến với những điểm tựa mà có khi chỉ có một vài chiến sĩ đang cắm chốt ở đó.
Chúng tôi hát động viên tinh thần các anh. Kết thúc điểm tựa này lại hành quân đi đến điểm tựa khác, không ngừng nghỉ. Trong khi biểu diễn, đạn súng cối của kẻ thù bay vèo vèo trên đầu, chúng tôi vẫn không hề run sợ. Kỷ niệm khác làm tôi ám ảnh là những chuyến đi Trường Sa.
Có chuyến tôi ra đảo cực lắm, vì lúc đi tàu gặp bão, lúc về tàu cũng gặp bão. Sóng gió trên biển thì bạn hình dung rồi đấy, vô cùng đáng sợ. Những người khỏe mạnh nhất mà đi tàu gặp bão lớn cũng có thể say sóng. Chúng tôi say sóng không biết trời đất gì.
Đến lúc vào được đảo, vì háo hức quá, muốn biểu diễn ngay phục vụ anh em chiến sĩ đang nóng lòng chờ đợi, chúng tôi không nghỉ ngơi chút nào. Nhưng chúng tôi đâu ngờ, “say đất” cũng kinh khủng không kém say sóng trên biển. Một vài nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ nữ đang hát, ngã lăn ra đất.
Sau được giải thích chúng tôi mới hiểu rằng đó là hiện tượng say đất, khi mình đi trên biển quá lâu và say sóng, lên bờ lại không nghỉ ngơi cho cơ thể hồi phục, làm quen với mặt đất. Có chuyến đi Trường Sa, tôi đến 7 đảo và biểu diễn phục vụ chiến sĩ như các đảo Trường Sa lớn, đảo Sơn Ca, đảo Song Tử Tây…
– Được biết, ông là một trong những nghệ sĩ đầu tiên đến Mỹ biểu diễn, từ thời điểm nước Mỹ chưa bình thường hóa quan hệ với Việt Nam?
+ Tôi vinh dự được đến Mỹ biểu diễn từ năm 1993, khi mà quan hệ Việt-Mỹ chưa được bình thường hóa. Tôi tham gia festival âm nhạc thế giới tổ chức tại Mỹ. Có một kỷ niệm làm tôi nhớ mãi, là trong lúc chúng tôi đang biểu diễn thì có thông tin một nhóm quá khích đe dọa đánh bom khu vực nhà hát.
Trong lúc mọi người hoang mang, nhốn nháo, chúng tôi vẫn bình tĩnh diễn xong tiết mục của mình. Hôm đó, nhiều người đã phỏng vấn các nghệ sĩ Việt Nam, vì sao các anh lại “cả gan” như vậy, vẫn biểu diễn hăng say trong lúc có thông tin khủng bố. Tôi trả lời, chúng tôi sinh ra và lớn lên ở một đất nước trải qua mấy cuộc chiến tranh liên tiếp, chúng tôi đã quen làm nghệ thuật dưới tiếng bom rơi, đạn nổ rồi, nên không có gì mất bình tĩnh cả. Bạn bè quốc tế rất cảm phục tinh thần của các nghệ sĩ Việt.
– Có thể thấy, các nghệ sĩ thời của ông luôn đặt trách nhiệm công dân lên hàng đầu…
+ Tôi nghĩ thời nào cũng vậy thôi, người nghệ sĩ nếu chỉ quan tâm đến cái tôi cá nhân mình, chăm chăm tìm danh kiếm lợi cho bản thân mà quên đi nhiệm vụ đóng góp công sức, tài năng của mình cho sự nghiệp chung của quốc gia, dân tộc, thì đó chưa phải là nghệ sĩ đích thực. Dĩ nhiên lớp trẻ hôm nay không phải chịu nhiều khó khăn thiệt thòi như thời của chúng tôi.
Họ không biết mùi bom đạn, chiến tranh, nhưng tôi nghĩ, trách nhiệm công dân của họ vẫn luôn còn đó. Những chuyến đi biểu diễn phục vụ đồng bào xa xôi khó khăn, biểu diễn từ thiện giúp các hoàn cảnh khó khăn, hay tham gia vào các chương trình có ý nghĩa của đất nước chẳng hạn, đấy là trách nhiệm của từng nghệ sĩ, dù họ có là ngôi sao lớn, divo, di va, danh ca gì chăng nữa.
– Nhìn vào đội ngũ những nghệ sĩ hát nhạc chính ca, có thể thấy, sau thế hệ của ông là những cái tên nổi bật như Đăng Dương, Việt Hoàn, Trọng Tấn, Anh Thơ, Mai Hoa…Nhưng nếu nhìn xa hơn nữa vào lớp trẻ, những người tiếp nối dòng nhac này, ông có tâm tư gì không?
+ Đây là một câu hỏi trăn trở đối với các nhà hoạch định văn hóa nghệ thuật. Cá nhân tôi không chỉ là một nghệ sĩ hát nhạc đỏ mà còn là một người từng làm quản lý một đơn vị nghệ thuật, tôi nhìn thấy một sự hụt hẫng lắm. Các em trẻ hiện nay xem chừng ít người giữ được ngọn lửa với dòng nhạc này như thời của các anh Quý Dương, Trần Hiếu, hay sau tôi là Đăng Dương, Việt Hoàn, Trọng Tấn, Anh Thơ…
Không phải các em không có tài năng, mà là các em không toàn tâm toàn ý, không xác định được rõ ràng mục tiêu lựa chọn của mình. Bây giờ nhìn chỗ nào cũng giải trí và giải trí. Giải trí thì không có gì là xấu cả. Nhưng một nền nghệ thuật thì không chỉ có giải trí, mà còn phải có những giá trị nghệ thuật chính thống, sâu sắc nữa.
– Tôi nghĩ cũng không thể trách các nghệ sĩ trẻ, họ có lý của họ khi lựa chọn một con đường nào đó để đi. Điều băn khoăn của ông, phải chăng xuất phát từ cách thức quản lý văn hóa của các nhà quản lý văn hóa?
+ Đúng vậy, tôi nghĩ vai trò của quản lý văn hóa đã không phát huy tốt trong những năm vừa qua. Quản lý đang buông lỏng, bỏ mặc đời sống biểu diễn, để nó muốn ra sao thì ra. Đành rằng những gì thị trường cần thì nghệ sĩ mới đáp ứng. Nhưng nếu chỉ để thị trường điều tiết, thì chắc chắn các giá trị nghệ thuật truyền thống (vốn không dễ ăn khách trong thị trường) sẽ có nguy cơ biến mất, thay vào đó là những thứ giải trí vô bổ, hời hợt.
Làm văn hóa khác với làm kinh tế ở chỗ, chúng ta hiện đại, tiếp thu cái mới nhưng không được phép quên nguồn cội. Mất cội nguồn, có nghĩa là nên văn hóa đó phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Và chúng ta không giữ được bản sắc của dân tộc mình. Hiện nay, chúng ta đang thấy truyền thông tiếp tay mạnh mẽ cho giải trí,mà quên đi các giá trị truyền thống.
Ngay cả truyền hình quốc gia, những khung giờ vàng, giờ đẹp nhất chỉ toàn game show với giải trí. Những chương trình hòa nhạc thính phòng hay nghệ thuật truyền thống dân tộc thì đẩy vào những khung giờ không có người xem, và thời lượng phát sóng thì cực kỳ khiêm tốn. Như vậy, làm sao có thể tôn vinh, gìn giữ được các giá trị truyền thống.
– Trong tình trạng như vậy, chúng ta rất cần những tiếng nói phản biện, nhưng xem ra, sự phản biện đó từ phía những người am hiểu nghệ thuật đang thiếu vắng. Ông cảm thấy thế nào về điều này?
+ Ngày trước tôi rất thích chuyên mục “Người dọn vườn” của Báo Văn nghệ. Mọi lĩnh vực luôn cần những người dọn vườn như vậy, trong đó có âm nhạc. Nhưng giờ không ai cất công làm việc đó cả. Người làm phê bình âm nhạc nhiều chứ. Hàng năm vẫn có một số không hề nhỏ người làm công tác phê bình được đạo tạo ở Nhạc viện ra trường. Nhưng vì lý do nào đó, họ đã quay đi, không lên tiếng, không muốn va chạm. Những người hiểu biết đã quay đi làm việc khác, khiến cho cỏ dại mọc đầy đấy, mà chẳng có ai dọn vườn cả.
– Vì ông từng làm lãnh đạo cao nhất một đơn vị nghệ thuật của nhà nước, nên muốn hỏi ông điều này. Theo ông, trong xu thế xã hội hóa nghệ thuật, sự tồn tại của các đơn vị nghệ thuật nhà nước nếu cần thiết thì phải có những thay đổi gì căn bản để không bị lạc hậu so với đời sống?
+ Phải nói thẳng thế này, sức ì trong các đơn vị nhà nước hiện nay là rất lớn. Vì được bao cấp, nên các vị vẫn có tâm lý chờ đợi là chính, không chịu chuyển mình thay đổi để trở nên năng động hơn, phù hợp với đời sống sôi động ngoài kia.
Ở các đơn vị nhà nước, vẫn có tình trạng dựng chương trình theo tâm lý thụ động, nhằm “cúng cụ” là chính, chứ không chịu tìm tòi, cởi mở để đan xen yếu tố giải trí lành mạnh vào, nên nhiều chương trình bị chê là khô cứng, thiếu sức sống.
Theo tôi, các đơn vị nghệ thuật cần phải đa dạng hóa các hoạt động của mình lên, vừa đáp ứng yếu tố nghệ thuật, vừa đáp ứng yếu tố giải trí, không xem nhẹ bên nào. Có như vậy thì mới nâng tầm mình lên được, đáp ứng mong muốn của công chúng.
– Trong nghệ thuật, yếu tố con người, yếu tố tài năng vẫn là quan trọng nhất. Hiện tượng người giỏi, người tài rời bỏ các đoàn nghệ thuật nhà nước để đầu quân cho các đơn vị tư nhân, thậm chí hoạt động tự do nói lên điều gì, thưa ông?
+ Cái này liên quan đến vấn đề đãi ngộ, ứng xử của đơn vị nghệ thuật nhà nước. Nếu chúng ta mãi cào bằng ai cũng như ai trong mức lương, trong đãi ngộ thì người tài họ sẽ tìm cách ra đi, thực tế đó khó mà tránh khỏi. Nghĩa là cần phải có cơ chế phù hợp mới giữ chân những người tài năng ở lại, làm hạt nhân cho các đoàn nghệ thuật nhà nước. Chúng ta phải mở ra những cánh cửa còn đang đóng kín, tạo điều kiện thiết thực để nghệ sĩ họ có thể có những đóng góp tốt hơn cho các đoàn nhà nước.
– Được biết ông là nghệ sĩ tích cực tham gia vào công tác giảng dạy cũng như các hoạt động phong trào trong đời sống nghệ thuật, chẳng hạn như 7 năm liền làm giám khảo Hội diễn nghệ thuật của giới doanh nhân, doanh nghiệp. Ông thấy phong trào văn hóa nghệ thuật trong các doanh nhân doanh nghiệp như thế nào?
+ Phải nói thế này, với các doanh nhân, việc của họ là làm kinh tế chứ không phải làm nghệ thuật. Nhưng qua những kỳ hội diễn dành cho giới của họ mà tôi làm giám khảo, tôi nhận ra họ chính là những người không chỉ giỏi sản xuất kinh doanh, mà còn là những người yêu nghệ thuật, có tâm hồn nghệ sĩ.
Các tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ- doanh nhân luôn mang một bản sắc riêng, không thua kém các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Tôi thích một ý nghĩ như này, nghệ thuật, đó không chỉ là thứ đưa đến cho người ta thụ động thưởng thức, mà phải là thứ do chính công chúng tạo ra, trải nghiệm.
– Xin cảm ơn NSƯT Phan Muôn.
Quỳnh Trang (HNS)