Nhạc sĩ Hoàng Nhạc Đô – một đời không ngừng nghỉ

0
1211

Nhạc sỹ Hoàng Nhạc Đô sinh năm 1940 tại Nam Định, thời trẻ học trường Puginier Hà Nội, sau đó học piano với GS. Vũ Ngọc Lan, học hòa âm với người cha là NS Hoàng Trọng, Hoàng Thi Thơ. Ở tuổi U80 Nhạc Sĩ Hoàng Nhạc Đô vẫn hoạt động âm nhạc miệt mài, anh không ngại đi đứng, mới đây là một chuyến đi thực tế sáng tác tại Tây Ninh cùng với Hội Âm nhạc TP Cần Thơ đi lên trên vùng biên giới Tân Biên, sau đó đi ra  Vũng Tàu rồi trở về TP HCM. Dù sức khỏe ông không được tốt lắm, cách đây 5 năm (năm 2013) một cơn đột quỵ nặng làm ông hôn mê đưa đi cấp cứu tưởng đâu số phận đã được định đoạt rồi, nhưng sau đó ông sống lại cũng nhờ các bác sỹ tận tình cứu chữa và sự hỗ trợ của bạn bè, văn nghệ sỹ…

Là con trai trưởng của nhạc sĩ Hoàng Trọng, trưởng ban hợp xướng Tiếng Tơ Đồng từ năm 1967 (tác giả các bài hát nổi tiếng Dừng bước giang hồ và Ngàn thu áo tím – được mệnh danh là ông vua nhạc Tango Việt Nam). Ngoài ra ông còn hai người em là Hoàng Cung Pha và Hoàng Bạch La cũng giỏi âm nhạc và hát rất hay. Ông cùng thời với các nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, Anh Việt Thu, Tùng Giang, thi sĩ Kim Tuấn… Thuở nhỏ, anh sống với cha mình và 2 em ở đường Cô Bắc (khu Cầu Muối), sau dọn về chợ Nancy (Chợ Lớn). Năm 1966, nhân một lần trình diễn ở Cần Thơ, Anh quen chị Huỳnh Thị Minh Thanh và sau đó 2 người lấy nhau sanh con trai đầu lòng năm 1968. Đến nay thì anh chị đã có 4 cháu: 3 trai và 1 gái.

Anh thừa hưởng cái gen âm nhạc của thân phụ, Hoàng Nhạc Đô viết nhạc khá nhiều. Năm 21 tuổi ông đã có sáng tác đầu tay là bài hát  “Áng mây chiều” (1961). Anh còn phổ thơ của các thi sĩ Hoàng Hương Trang, Nguyên Thoại, Hoài Linh Phương, Trần Thị Linh Chi, Hồ Đắc Thiếu Anh, Quang Tuấn, Nhật Lệ, Thanh Thủy, Kim Ba, Trần Lệ Khánh, Trịnh Bửu Hoài..

Nhạc Sĩ Hoàng Nhạc Đô – tác giả những ca khúc nổi tiếng “Dù tình yêu đã mất” và “Tháng năm còn nhớ”. Vào những năm 1990 -1991 tại hải ngoại bài hát “Dù tình yêu đã mất” được các giọng ca nổi danh hát như ca sỹ Ngọc Lan, Elvis Phương, Thái Châu… nhưng không ai biết được tên nhạc sỹ. Nhà sản xuất thường in phần tên tác giả của ca khúc này là Khuyết Danh, bài hát với những ca từ và âm điệu nhẹ nhàng, trữ tình một thời được  nhiều người yêu thích:

“Dù tình yêu đã mất, Anh xin được một lần

nụ hôn chất ngất, như xưa mình mặn nồng,

cùng với kỷ niệm của ngày xa cách, đưa tiễn nhau đi.

Dù tình yêu đã mất, Anh ôm trọn thương đau

Nhìn bước em đi, đành sẽ xa em, mãi mãi xa em”.   

Sau này, người ta mới biết đó là sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Nhạc Đô ở Việt Nam.

Hoàng Nhạc Đô viết nhạc khá nhiều. Có cả nhạc phổ thơ của các thi sĩ Hoàng Hương Trang, Nguyên Thoại, Hoài Linh Phương, Trần Thị Linh Chi, Thanh Thủy, Kim Ba, Trịnh Bửu Hoài… Trong số những ca khúc đó, cảm động nhất, có lẽ là bài Đàn Khóc, viết để nhớ thương về người Cha NS Hoàng Trọng kính yêu của anh:

Đàn nhớ tình đã xa rồi

Kỷ niệm xưa vẫn chưa phai?

Đàn khóc từng tiếng u hoài

Gọi tình Cha chưa kịp nói

Ngày đó Đàn đứng bên

Người Thường mộng mơ ngàn thu có nhau

Người nắn từng phím tơ chùng

Mà Người đi trong lạnh lùng?

Cô đơn Đàn tiếc nuối

Người đi xa mãi không lời cuối cùng…

Anh đến Tây Ninh nhiều lần, cách đây trên 10 năm anh đã đến cùng Đoàn văn nghệ của Cần Thơ (thời soạn giả Thanh Hiền làm Chủ tịch) chúng tôi đã giao lưu một đêm thật vui với các văn nghệ sỹ Tây Đô và gần đây là tháng 6 – 2018 anh đi cùng Hội Âm nhạc Cần Thơ, lúc đó anh có sáng tác bài Về Tây Ninh đi anh – phổ thơ Hà Phương giai điệu rất nhẹ nhàng tình cảm:

Về Tây Ninh đi anh uống một giấc mơ hồng

Quê em miền gió cát không bụi nổi dòng sông

Vàm Cỏ Đông anh ơi sóng lòng em từng đợi

Xô vào miền bất chợt ngóng đợi bước anh về…

Từ đó chúng tôi quen nhau, tuy xa cách người miền Đông, kẻ miền Tây nhưng tôi và anh vẫn thường xuyên liên lạc thăm hỏi nhau, gửi cho nhau những tác phẩm và động viên nhau trên con đường sáng tác, tôi học hỏi anh là người đi trước có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống, trong sáng tác

Tuy lớn tuổi nhưng Anh vẫn sinh hoạt văn nghệ đều đặn ở địa phương, từng là BCH CLB VH TP Cần Thơ, chủ nhiệm CLB sáng tác huyện Ô Môn

Tính đến nay anh đã có một gia tài đáng nể viết trên 300 ca khúc. Hiện là hội viên Hội Âm nhạc TP. Cần Thơ, năm 2009 anh được Hội âm nhạc Cần Thơ tài trợ xuất bản Tuyển tập nhạc: “Tháng năm còn nhớ” gồm 100 ca khúc của anh, trong đó bài “Cần Thơ tôi yêu” được người yêu nhạc miền Tây ưa thích, ngoài ra  anh còn viết cuốn Tự học Tây ban cầm cho các bạn yêu nhạc. Nhạc sỹ Lê Nghiệp – Chủ tịch Hội Âm nhạc Cần Thơ từng nói về ông: “Lớn lên ông mang tình yêu người Hà Nội vào phía Nam rồi đi muôn nơi để tìm vốn sống, tìm chất liệu riêng cho mình… Cuộc đời ông về gắn bó với Cần Thơ nơi con sông Hậu hiền hòa vỗ về cho ông từng giấc ngủ, chắp cánh những khúc hát yêu thương….”

Nguyễn Duyên (HNS)