Nguyễn Văn Tuyên – người cổ vũ nền tân nhạc

0
1594
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên

Nguyễn Văn Tuyên, qua các tư liệu đã xác thực, đúng là người tiên phong cổ động cho tân nhạc. Chỉ tiếc ông sáng tác không nhiều.

Khoảng tháng 3/2000, một tập bản thảo, gần như là “hồi ký”, của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên (1909-2009) được ông gửi đến tòa soạn báo. Trang đầu tiên, ông ghi:

Kính gửi tòa soạn,

Tôi xin gửi kính biếu tòa soạn một tài liệu phiến diện về những ngày đầu của tân nhạc, để về sau, khi vấn đề nguồn gốc của tân nhạc được nêu lên, tòa soạn đã nắm bắt được một phần nội dung của vấn đề”.

Từ những năm đầu thế kỷ XX, khi ngọn cờ “tam tài” của Pháp ngạo nghễ bay trên nước Nam, ngoài súng đạn và chính sách cai trị, người Pháp còn đem theo một số loại hình nghệ thuật mới mẻ, trong đó có âm nhạc. Ca khúc đầu tiên được phổ biến rộng rãi là quốc ca Pháp La Marseillaise, rồi đến những Quand Madelon, J’ai deux amours, Venez avec moi… Bên cạnh nguyên bản, ca từ tiếng Pháp của các tác phẩm này cũng được dịch sang tiếng Việt.

Thập niên 1930 xuất hiện trào lưu “Bài ta theo điệu Tây” và người đầu tiên đưa các ca khúc Pháp biểu diễn trong cải lương Việt Nam chính là nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu. Sự kết hợp độc đáo này xuất hiện trong các vở: Giấc mộng cô đầu, Ai là bạn chung tình, Phũ phàng… được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt, xem như “bước đệm” kích thích các nhạc sĩ người Việt sáng tác ca khúc theo cấu trúc âm nhạc phương Tây.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên cũng đã sớm ý thức điều này. Trong “hồi ký”, ông Tuyên cho biết sinh ra tại Huế. Từ thuở hoa niên, ông đã tự học nhạc lý qua sách do người Pháp biên soạn. Từ năm 1928, khi làm việc tại Sở Bưu điện Huế, Đà Nẵng, “ở đâu tôi cũng chỉ nghe nhạc Tây”.

Năm 1933, ông Tuyên được đổi lên Đà Lạt. Ngày nọ, người Pháp tổ chức buổi trình diễn ca nhạc. Ông Tuyên đã tham gia và nhờ đó được giới nhạc sĩ người Pháp chú ý. Bà Mayer – giáo sư Trường Petit Lycée Dalat (nay là Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt) – còn nhờ ông tập hát cho học sinh, chuẩn bị đón tiếp bác sĩ Yersin lên thăm.

Ba năm sau, ông Tuyên nghỉ việc ở Sở Bưu điện, về sống tại Sài Gòn và dạy nhạc ở Trường Lycéum Paul Doumer tại Chợ Quán. Thời gian này, ngoài học thêm thanh nhạc, thỉnh thoảng ông Tuyên còn hát tại Nhà Hát lớn, Đài Phát thanh Radio Indochine…

Từ thực tế của phong trào “Bài ta theo điệu Tây”, ông Tuyên nghĩ đã đến lúc cần tiến hành cuộc vận động cải cách âm nhạc, đó là vào cuối năm 1937. Thuận lợi lớn nhất của ông là được cả chính quyền lẫn công chúng yêu âm nhạc ủng hộ. Chuyến đi dài ngày từ Nam ra Bắc của ông Tuyên đã tạo nên tiếng vang lớn.

Khi ra Hà Nội, ông diễn thuyết tại Hội Trí Tri (nay là Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố). Trên báo Ngày Nay số 116, ra ngày 26/6/1938, nhà thơ Thế Lữ tường thuật trong bài Một hy vọng trong âm nhạc: Nguyễn Văn Tuyên: “Ý kiến của ông, ông thực hiện ngay những bản đàn ông sáng tác ra và sáng tác theo luật âm nhạc thái Tây, tránh được cái giọng buồn bằng phẳng một điệu của đàn xưa mà vẫn giữ được, vẫn diễn đạt được tinh thần và bản lĩnh riêng của đất nước”.

Thế Lữ quả quyết: “Chúng ta chắc rằng, ông sẽ cố gắng cho tới chỗ hoàn thiện, chớ không tự mãn vì những danh vọng rất đích đáng mà ông thấy trong lúc này”. Ngày Nay là tờ báo do nhóm Tự lực văn đoàn chủ trương, có số lượng in lớn, rất uy tín, nên tiếng tăm ông Tuyên càng lan tỏa.

Lâu nay, các nhà nghiên cứu khẳng định, Một kiếp hoa của Nguyễn Văn Tuyên là ca khúc đầu tiên được công bố trên báo chí nước nhà. Thật ra, vinh dự này thuộc về nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát với bài Bình minh, phổ thơ Thế Lữ, in trên báo Ngày Nay số 121, ngày 31/7/1938. Đến số báo 122, ngày 7/8/1938, mới in Một kiếp hoa của Nguyễn Văn Tuyên. Rồi số 123 in Tiếng đàn sông Hương của Lê Thương.

Bai 7: Nguyen Van Tuyen - nguoi co vu nen tan nhac

Một kiếp hoa là tác phẩm phổ thơ Nguyễn Văn Cổn, nhưng do in sót, nên ở số báo Ngày nay 124 có đính chính và in thêm Âm điệu không lời cũng của ông Tuyên. Điều đáng chú ý là trên số báo này, Ngày Nay có lời kêu gọi Cùng các nhạc sĩ: “Việc đổi mới âm nhạc nước ta là một công trình lớn lao và cần thiết”.

Dần dà, người tham gia sáng tác tân nhạc ngày một nhiều và chính thế hệ này đã khiến công chúng tin tưởng vào sự thành công rực rỡ của một loại hình âm nhạc còn non trẻ và mới mẻ.

Trong hồi ký, Phạm Duy viết: “Thấy Nguyễn Văn Tuyên tung hoành như vậy, cùng với Dương Thiệu Tước, các nhạc sĩ trẻ của Hà Nội lúc đó là Thẩm Oánh, Văn Chung, Lê Yên… bèn tung ra những nhạc phẩm hoàn toàn Việt Nam mà họ đã soạn trước khi Nguyễn Văn Tuyên ra Bắc, nhưng họ hãy còn e dè chưa dám đem ra trước công chúng”.

Nguyễn Văn Tuyên, qua các tư liệu đã xác thực, đúng là người tiên phong cổ động cho tân nhạc. Chỉ tiếc ông sáng tác không nhiều. Trong khi đó, cùng xuất hiện với vai trò tiên phong, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, bên cạnh sáng tác, còn đề xướng dùng kiến thức âm nhạc phương Tây để ký âm, bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống. Nhạc sĩ Lê Thương và nhiều nhạc sĩ cùng thời đã để lại nhiều ca khúc vượt thời gian.

Lê Minh Quốc (PNO)