Nhạc sĩ Cát Vận và những tình khúc say lòng

0
982
Nhạc sĩ Cát Vận

Trên hành trình  40 năm đam mê và gắn bó cùng âm nhạc, nhạc sĩ Cát Vận đã có những “đứa con tinh thần” gắn liền tên tuổi của mình với những bài ca đi cùng năm tháng. Dành trọn cuộc đời đi theo âm nhạc, với những thành công và sự cống hiến,   năm 2013 nhạc sĩ Cát Vận  được  trao tặng Giải thưởng Nhà nước.

Trọn đời cống hiến

Sau khi tốt nghiệp khoa Lý luận – Sáng tác( Nhạc viện Hà Nội), năm 1973 nhạc sĩ Cát Vận về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Tại đây, sau những năm tháng công tác, ông được giao phụ trách kênh Âm nhạc và Tin tức chuyên biệt phát nhạc quốc tế.

Tác phẩm đầu tay “Chân dung dũng sĩ” được nhạc sĩ Cát Vận viết năm 1975 liên quan đến trận đánh Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 của quân dân ta. Ca khúc này đã được giới thiệu trong một chương trình về chiến thắng Tây Nguyên, cũng là chương trình  ca nhạc đầu tiên của truyền hình cùng ca khúc “Những tiếng ca vang trên đất này” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn.

Nhạc sĩ Cát Vận  tâm sự:  Đoàn ca nhạc của Đài thực sự là cái nôi nghệ thuật đầu tiên tại Việt Nam giúp nhiều thế hệ nghệ sĩ trưởng thành… Các nghệ sĩ, ca sĩ của Đài đã tạo nên một kho tư  liệu lịch sử âm nhạc,  âm thanh kỳ vĩ mà ở Việt Nam không nơi nào có được. May mắn về công tác ở môi trường hội tụ nhiều nhạc sĩ và các ca sĩ tài năng, tôi luôn được nuôi dưỡng nguồn cảm hứng sáng tác và có điều kiện thuận lợi để làm nghề.

 Không chỉ riêng mảng ca khúc, để đáp ứng yêu cầu công tác chuyên môn nhạc sĩ đã chinh phục  nhiều thể loại âm nhạc khác. Ông viết hợp xướng,viết nhạc cho một số phim truyện, nhạc múa rối, nhạc múa. Nhạc sĩ Cát Vận viết nhiều, đề tài đa dạng, trong đó những ca khúc như “Mùa hè gọi”, “Hà Nội – bài ca năm tháng”, “Mơ sóng biển Việt Nam”,  thể hiện tình yêu tha thiết với quê hương, đất nước.

Ca khúc  “Đi dọc Việt Nam”  với  tình cảm da diết, giai điệu đẹp và ca từ  hay xoáy vào chiều sâu nội tâm của nhạc sĩ Cát Vận  được rất nhiều bạn nghe đài yêu thích. Đó là dấu ấn chuyến đi dạt dào cảm xúc của một người mang tâm thế tự do, phơi phới tâm hồn khi đất nước đã thống nhất…

Một lúc sắm nhiều vai, người làm công tác lý luận, làm một nhà báo, là người quản lý nhưng người nhạc sĩ vẫn luôn dạt dào cảm thức và tinh thần khát khao sáng tạo không ngừng chảy trong huyết quản thôi thúc ông  luôn có những sáng tác mới dù tuổi đời đã cao.

Và những  tình khúc để đời

Những người yêu mến chương trình văn nghệ sẽ còn nhớ mãi giai điệu  bản nhạc “Tình yêu của biển” gắn  với tên tuổi nhạc sĩ Cát Vận. Bản nhạc  không đặt lời, nhưng  giai điệu đã nói lên tất cả những rung động lắng sâu, xôn xao của tình yêu cuộc sống, yêu đời dào dạt.

Những  sáng tác của chúng tôi ngày đó hầu như viết bằng bút mực, việc viết nhạc của chúng tôi thô sơ chứ không được đầy đủ phương tiện như bây giờ. Nhưng điều thuận lợi là viết đến đâu được đến đó, sau này phối khí cho dàn nhạc do nhạc sĩ Cao Việt Bách chỉ huy. Bản nhạc hay được dùng làm nhạc sang trang, nhất là trong các chương trình văn nghệ và còn được sử dụng     trong phim.

“Tình yêu của biển” đã đi sâu vào đời sống, thấm sâu trong tâm thức nhiều thế hệ. Rất nhiều người ở độ tuổi trung niên  mỗi lần nghe “Tình yêu của biển” lại bồi hồi rưng rưng, như được trở lại với bao ký ức tuổi thơ vời vợi. Họ chia sẻ bản nhạc đã gắn liền với cảm xúc của một thời những năm 80 của thế kỷ trước, cả ký ức tuổi thơ thời bao cấp lại ùa về  tâm trí khi giai điệu sâu lắng, mượt mà của bản nhạc vang lên.

 “Mùa Thu” được nhạc sĩ Cát Vận sáng tác năm khoảng năm  1990, theo đề nghị của vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Đình Quỳ và Ngô Bích Vượng. Họ muốn có một tác phẩm cho đàn Tranh, đạt vừa có độ khó về kỹ thuật, lại vừa trữ tình phải có tình làm bài biểu diễn tốt nghiệp hệ cao học nhạc viện với  sự phối hợp giữa đàn dân tộc và dàn nhạc semi classic.

“Mùa thu” đã ra đời trong căn phòng 6 m2 ở phố Đặng Thái Thân. Nước mắt người nhạc sĩ đã rơi xuống khuông nhạc khi tái hiện lại khung cảnh Hà Nội chớm thu, những con phố cổ mà gia đình nhạc sĩ cùng bao bạn bè đã sống. Hà Nội cũng như đang chuyển mùa, con đường Phan Đình Phùng đẹp như tranh khi nắng lên và những chiếc lá vàng rơi gợi không gian thanh bình, êm ả, nhắc nhớ bao kỷ niệm trong sáng, tươi trẻ như lời tự sự của ký ức…  Có lẽ vì được ra đời trong hoàn cảnh đó, mà bao năm đã trôi qua, “Mùa thu” của nhạc sĩ Cát Vận vẫn luôn diễn tả tâm trạng xao xuyến, ngẩn ngơ làm say lòng bao trái tim đa cảm.

Nhạc sĩ Cát Vận trải lòng: Càng cố gắng đi tìm vẻ đẹp của âm nhạc, tôi càng chiêm nghiệm ra viết một ca khúc tâm đắc có đời sống thật khó. Nếu không bị niềm khát khao thôi thúc thì người nhạc sĩ khó có thể tìm ra con đường sáng tạo của mình. Sáng tác ca khúc là hình thức  đơn giản nhất của âm nhạc, nhưng chân lý lại nằm trong những cái gì giản dị nhất nhưng đạt được chân lý quả là khó, dù đã nhiều tuổi rồi nhưng lúc nào tôi cũng thấy vẫn còn một con đường dài phía trước…

Quỳnh Chi (giaoducthoidai)