Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tiết lộ điểm mới lạ ở “Điều còn mãi” 2018

0
983
Nhà báo Hà Sơn: Chương trình “Điều còn mãi” năm nay ông tiếp tục làm cố vấn chương trình và tham gia chuyển soạn một số tác phẩm ở phần khí nhạc. Những áp lực của ông khi chuyển soạn những tác phẩm đã có nhiều giá trị theo năm tháng?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Về hòa nhạc quốc gia “Điều còn mãi” tôi vinh dự được cộng tác với VietNamNet ngay từ những chương trình đầu tiên. Lúc đó tôi còn nhớ với ý tưởng của nhóm sáng tạo muốn kỷ niệm đúng ngày 2/9. Ý tưởng đầu tiên là muốn chúng ta nhớ đến ngày độc lập dân tộc sẽ vang lên giai điệu “Tiến quân ca”. Lúc đó tôi là người có nhiệm vụ chuyển soạn bài “Tiến quân ca”, sau này là “Quốc ca” cho nhạc giao hưởng. Đây là một bản soạn tôi rất tâm đắc.

Chương trình lần này ngoài cố vấn tôi tiếp tục chuyển soạn một số tác phẩm. Tại sao lại gọi chuyển soạn vì như chúng ta đã biết những tác phẩm nổi tiếng như Tình ca, Du kích sông Thao, Tiến về Hà Nội, Người Hà Nội… được thể hiện phần lớn ở dạng nguyên thể, tức là có giọng ca và có phần nhạc đệm. Muốn chuyển nó từ một nội dung có tính ca từ thành một bản nhạc vẫn giữ được đủ tính chất và nội dung tác phẩm thì cần công việc chuyển cả giai điệu, hòa thanh, tiết tấu của những bản nhạc đó cho dàn nhạc giao hưởng chơi.

Clip 1: PGS Đỗ Hồng Quân chia sẻ về Điều còn mãi 2018.

Dàn nhạc giao hưởng là một trong những điểm đặc biệt và thế mạnh trong chương trình “Điều còn mãi”. Việc chuyển soạn những tác phẩm cho dàn nhạc giao hưởng chúng tôi luôn phải đặt lên vị trí hàng đầu.

Lần này tôi sẽ chuyển soạn 2 tác phẩm “Tình ca” của nhạc sĩ Hoàng Việt và “Du kích sông Thao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Tác phẩm này được nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác từ những năm 1948 – 1949, khi đó nền âm nhạc của chúng ta vẫn còn non trẻ.

Lần này tôi chuyển soạn không giữ phần hợp xướng mà sẽ chuyển cho dàn nhạc có 8 violoncell (nhạc cụ có độ trầm ấm, như một giọng người có thể hình dung như hợp xướng tổng hợp có giọng trung, cao, trầm). Một dàn hợp xướng gồm nhiều cây đàn violoncell cùng với dàn nhạc giao hưởng tôi nghĩ cũng là tác phẩm thú vị.

Để nghe nhạc không lời cho dễ phải kết hợp nhiều yếu tố, một trong những yếu tố ưu tiên là dân tộc hóa những giai điệu, hình thức biểu diễn. Lần này chúng tôi chọn 1 trong những tác phẩm của nhạc sĩ Quang Hải đó là bản hòa tấu đàn tranh và dàn nhạc giao hưởng. Tiết mục cũng tương đối độc đáo. Bài dân ca Bắc Bộ “Hoa thơm bướm lượn” sẽ do một nghệ sĩ từ Nga chuyển soạn.

Năm nay có nhạc sĩ người Nga tham gia việc chuyển soạn. Ông có thể chia sẻ những câu chuyện khi liện lạc với người nghệ sĩ này?

– Chuyện này cũng bắt đầu từ 2-3 năm trước khi tôi sang làm việc tại Nhạc viện Tchaikovsky, Matxcova. Trong quá trình làm việc trao đổi với các đồng nghiệp, các nhạc sĩ của Nga, các thầy, sinh viên nhạc viện có mối quan tâm lớn với nền âm nhạc mới Việt Nam. Do đó khi tôi đặt vấn đề sẽ giới thiệu những bản nhạc dân ca của Việt Nam, cũng như các ca khúc Việt Nam dưới góc độ những nhà chuyên môn cao về dàn nhạc giao hưởng để họ tiếp thu, thẩm định và bổ sung ý tưởng, thẩm âm theo góc độ những nhà chuyên môn chuyên về giao hưởng… các giáo sư ở đó đều ủng hộ.

Các giáo sư giới thiệu đội ngũ nghiên cứu sinh, nhạc sĩ có kinh nghiệm chuyển soạn, từ một giai điệu dân ca sang giao hưởng việc đó bước đầu thành công và có một nhạc sĩ trẻ trực tiếp giới thiệu nên tôi hoàn toàn đồng ý. Mọi người rất sẵn sàng và nói không chỉ làm cho Điều còn mãi mà hy vọng các chương trình khác vẫn có cơ hội.

Như vậy có thể hiểu sức hút của một chương trình mang tính đất nước chúng ta đã có tiếng vọng và hồi đáp mang tính thu hút, mọi người cũng rất tò mò muốn biết với một nền âm nhạc như vậy nghệ sĩ nước ngoài sẽ xử lý những vấn đề về di sản âm nhạc, giai điệu dân ca ra sao… Tôi tin rằng với tay nghề cao cũng như một thẩm âm mang tính quốc tế chúng ta cũng sẽ có được những sản phẩm làm mới những giá trị âm nhạc Việt Nam lên ở một mức độ hấp dẫn.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận là một trong những cây đa cây đề của nền âm nhạc Việt Nam. Là con trai của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, ông có những thuận lợi và khó khăn gì khi chuyển soạn và làm mới những tác phẩm của chính bố mình?

– Trước tiên phải chia sẻ về thuật ngữ “làm mới”. Theo tôi làm mới chúng ta phải hiểu đúng tinh thần của tác phẩm đó, hiểu được giá trị tác phẩm, nội dung, nghệ thuật, về âm nhạc và hoàn cảnh ra đời tác phẩm, cũng như môi trường âm nhạc để nó sinh ra tác phẩm. Lúc đó chúng ta mới góp phần bổ sung và làm cho tác phẩm đó sinh động hơn, hay hơn, gần với đời sống hôm nay hơn. Đó mới là mục tiêu của làm mới.

Làm mới không có nghĩa chúng ta làm khác đi, làm bất kể không dựa trên một nền tảng giá trị đích thực của tác phẩm. Vì vậy khi nhìn những tác phẩm như Du kích sông Thao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận hay Tình ca của Hoàng Việt chúng tôi phải hiểu một cách thật đúng giá trị của họ lúc đó, kể cả mặt tiến hành giai điệu, tiếp thu những chất liệu âm nhạc dân gian, không khí nghe nhạc, khí thế của dân tộc, tình yêu của đất nước khi ấy khác bây giờ. Vì vậy chúng ta làm sao tô đậm cái đó bằng chất liệu âm nhạc.

Đây cũng là một vấn đề cực kỳ khó vì nếu thiếu trách nhiệm hoặc thiếu thời gian, kể cả thiếu một chút về năng khiếu, tư duy sáng tạo khó có được một sản phẩm góp phần làm mới giá trị các thế hệ cha anh đã đi trước cắm một cột mốc trong lịch sử như vậy.

Clip 2: PGS Đỗ Hồng Quân với áp lực khi chuyển soạn tác phẩm của cha.

Ở Việt Nam lâu nay lĩnh vực khí nhạc rất khó khăn trong việc quảng bá truyền thông cũng như quảng bá tác phẩm mình một cách rộng rãi. Với tư cách Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam ông mong muốn hay có kế hoạch gì để có thể quảng bá những tác phẩm của mình và các đồng nghiệp?

– Đây là một câu hỏi luôn trăn trở không chỉ với tôi mà các nhạc sĩ hay nhiệm vụ đặt cho Hội Nhạc sĩ Việt Nam –  tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp nhưng tập hợp các tổ chức lực lượng sáng tác, biểu diễn, lý luận, giảng dạy, trong đó có mảng quan trọng nhất là sáng tác. Vậy nên làm sao có thể bồi dưỡng, phát hiện và thậm chí đào tạo các nhạc sĩ trẻ vì họ là nguồn để có được những tác phẩm mới.

Hiện nay đất nước đang bước vào nền công nghiệp 4.0, trong âm nhạc cũng đòi hỏi có một thế hệ sẵn sàng tiếp cận với những kỹ thuật mới, phương pháp sáng tác mới, kể cả những phương tiện hiện đại để làm chủ được sản phẩm của mình. Đồng thời góp phần vào việc làm mới tác phẩm, giữ gìn các tác phẩm của cha ông làm sao kho tàng âm nhạc Việt Nam ngày càng phong phú, mới mẻ.

Ở đây sẽ có 2 việc: Thứ nhất các nhạc sĩ trẻ khi được đào tạo có kiến thức, kể cả học trong nước hay nước ngoài phải trở thành những nhạc sĩ, là tác giả của những tác phẩm chính mình góp phần vào sự nghiệp âm nhạc của đất nước. Ngoài ra, họ có thể góp phần vào chuyển soạn, làm mới tác phẩm, từ những bài ca trở thành liên khúc giao hưởng, từ những bài hát bình thường trở thành hợp xướng… nhưng quan trọng hiện nay chúng ta rất cần có những nhạc sĩ trẻ trong nhiều lĩnh vực nhạc khác nhau. Chúng ta nghĩ nhạc sĩ là phải sáng tác ra những bài hát nổi tiếng mà không cần biết có viết hòa tấu nhạc cụ hay không, cách nghĩ như thế làm sai lệch và mất đi chí hướng phát triển.

Với tư cách là giảng viên đã giảng dạy gần 30 năm ở Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viên Âm nhạc quốc gia VN chuyên ngành về sáng tác tôi thấy rằng các thế hệ học sinh khi ở trong trường phấn đấu rất tốt, nhưng khi ra ngoài nhiệt huyết bị nguội, không còn điều kiện để các em viết giao hưởng, nhạc không lời. Đây là một điều rất uổng và là nỗi lo cho cả một sự nghiệp sáng tác vì từ sáng tác mới có biểu diễn, mới có quảng bá, giao lưu âm nhạc với quốc tế. Tôi cho rằng đây là một câu hỏi rất đúng vì là mối lo nhất.

Sơn Hà – Đức Yên – Huy Phúc – Xuân Quý (Thiết kế: Hà Đăng Sơn)
(VNN)