Nhạc Việt và cơn thoái trào gọi tên Ballad

0
918
Việc cập nhật dễ dàng những dòng nhạc đương thời từ bên ngoài dường như không giúp nhiều cho việc đổi mới gu nghe nhạc của khán giả trẻ.
Không có Pop, chỉ có Ballad, nhạc Hoa lời Việt và Bolero?
Công bằng mà nói, hát Ballad hay nhạc Hoa lời Việt thì không thể gọi là hát nhạc Pop. Nhạc Pop hiểu rộng ra không chỉ là Popular (phổ thông) mà còn là những nhánh nhạc như Indie Pop hay Dance Pop…
Nhìn quanh thị trường nhạc Việt tưởng chừng sôi động, nổi trội nhất vẫn là Ballad với ngần ấy câu chuyện tình bi lụy. Từ Thu Minh cho đến Mỹ Tâm, nhưng gương mặt có giọng hát và có thể hát được một vài dòng nhạc, vẫn chọn Ballad để làm “dấu son” đi diễn.
Các giọng ca trẻ cũng thế, họ chỉ nổi tiếng nhất khi hát Ballad như Hương Tràm, Đức Phúc, Nguyễn Trần Trung Quân… Khán giả trẻ luôn dành sự ưu ái cho nỗi buồn, hay tư duy nghe nhạc của họ phụ thuộc quá nhiều vào lối sống: tìm sự đồng cảm, hoặc chỉ mượn cớ để “diễn sâu”.
Nhìn qua khu vực châu Á điển hình là K-Pop, họ tiến quá xa với những dòng nhạc rõ nét từ RnB cho đến Hip-hop. Ballad vẫn có chỗ nhưng là một chỗ rất nhỏ, thường trong một album thì chỉ 1-2 bài Ballad để làm mềm tai người nghe.
Trở lại những năm 2000, khi nhạc Việt nhen nhóm tên gọi V-Pop, tạm gọi là thời điểm sơ khai của nhạc Việt với việc “nhúng” nhiều thể loại nhạc. Latin Pop chúng ta có Đoan Trang, Hồ Quỳnh Hương, Mỹ Tâm… nhưng chỉ dừng lại ở nhấn nhá, không đủ mạnh mẽ như cái cách Shakira gây cảm hứng trên toàn thế giới.
Dance Pop chúng ta có Socodance của Đoan Trang, nhưng nổi trội nhất vẫn là Thu Minh và Body Language. Đây được coi như sản phẩm nhạc điện tử chỉn chu và ít nhiều gây tiếng vang. Sau Thu Minh, hầu như không mấy ai mặn mà với Dance Pop kể cả lúc thế giới đang ồn ào vì Lady GaGa và đi đâu cũng nghe Bad Romance.
Không còn bùng phát nhưng nhạc Hoa lời Việt vẫn râm ran những giai điệu đồng dạng đồng màu, là dấu hiệu cho thấy khán giả trẻ vẫn đam mê hoài cổ. Đặc biệt khi trào lưu vintage, retro (ám chỉ sự cũ kĩ) trở nên hưng thịnh.
Chưa lúc nào Bolero đứng ngang hàng với Pop, với Ballad như hiện tại. Những năm gần đây, cứ hễ bật TV là thấy Bolero. Không còn thi hát truyền thống, các gameshow pha vào kịch hoặc hướng thí sinh bắt chước thần tượng… khiến người thật sự yêu Bolero ngán ngẩm.
Bolero còn có trong rất nhiều đĩa nhạc của các ca sĩ đương thời. Từ Phương Thanh, Lệ Quyên, Hồ Quỳnh Hương… Nhà nhà người người hát Bolero, trong khi hát sai lời cũng không biết, luyến láy không thích hợp cũng không chịu thay đổi. Tóm lại Bolero bị khai thác cạn kiệt và trở nên phản tác dụng.
Nhạc Việt và cơn thoái trào gọi tên Ballad - Ảnh 4.
Dance Pop nổi trội nhất vẫn là Thu Minh và Body Language.
Chưa thành dòng nhạc phổ thông đã… “chán sống”
Một trong những ca sĩ có tâm lý chiến là Đoan Trang với Âm bản lẫn The Unmakeup – hai album cô làm cùng Võ Thiện Thanh và Quốc Bảo, ra đời cả thập niên trước.
Âm bản và The Unmakeup đều được giới làm nghề ghi nhận, thế nhưng Trang đi sớm hơn một bước so với dòng chảy trong nước. Cô hát Jazz, Latin, Blues, RnB… vào các năm mà người nghe còn đang tò mò về Đông Nhi, Noo Phước Thịnh.
Đoan Trang chưa bao giờ là ngôi sao, nên hai album của cô không được công chúng đón nhận.
Năm 2012, Đoan Trang trình làng Độc bước kết hợp với SlimV – DJ đình đám sau này. Sản phẩm khẳng định bản thể và… lời chia tay của Trang, vì sau đó cô có xuất hiện trong các gameshow thi… khiêu vũ, hát đôi.
Từng được kỳ vọng sẽ là dòng nhạc hưng thịnh – RnB, chúng ta có Hà Anh Tuấn, Hoàng Hải, Mỹ Lệ và không quên nhắc tới Mỹ Linh. Nếu Mỹ Linh và ban nhạc Anh em (bao gồm Anh Quân, Huy Tuấn) khởi động RnB với Tóc ngắn rồi đến Để tình yêu hát thì Hà Anh Tuấn có Cafe sáng và Streets Rhythm nêu bật hướng đi riêng.
Nhạc Việt và cơn thoái trào gọi tên Ballad - Ảnh 6.
Bìa album Streets Rhythm
Đáng tiếc rằng kiểu hát RnB không hợp với giọng Tuấn, và rồi anh tìm thấy hào quang sau hàng chục năm theo nghề bằng bản Ballad Tháng tư là lời nói dối của em, năm 2017.
Những ca sĩ có vẻ hứa hẹn với RnB nhưng vẫn chọn Pop để hoạt động tiếp có Hồ Ngọc Hà, Hồ Quỳnh Hương…
Nhạc Việt và cơn thoái trào gọi tên Ballad - Ảnh 7.
Gương mặt bước ra từ cuộc thi Sao Mai – Hoàng Hải, xuất phát điểm gây chú ý bởi giọng ca tương đồng với Bằng Kiều.
Để khác đàn anh, Hải chọn RnB là bến đỗ và đặc biệt gây chú ý trong album Hot phát hành 2008. Cũng như Hồ Ngọc Hà hay Mỹ Linh, Hải hát RnB pha Pop chứ không hoàn toàn là kiểu RnB đậm đặc như Beyonce.
Gây thất vọng nhất có lẽ là Mỹ Tâm với tham vọng hát Rock trong Dường như ta đã (2006) và hát Soul trong Tâm (2013). Ở cả hai thời điểm này, tên tuổi của Tâm đều mạnh nhưng vẫn không đủ lôi kéo khán giả sống với Rock lâu hơn, giúp dòng nhạc có đặc thù riêng này đến gần với đại chúng, thay vì chỉ quanh quẩn với những cái tên quen mặt hát cho những khán giả trung thành.
Nhạc Việt và cơn thoái trào gọi tên Ballad - Ảnh 8.
Mỹ Tâm còn hé lộ về việc hát Soul nhưng rốt cuộc Soul chỉ là cách cô nhả chữ chứ tinh thần và giai điệu các bài hát thì vẫn Pop, vẫn Ballad. Tâm chưa hoàn toàn đột phá là do cố thủ chờ thời hay do Tâm chưa muốn từ bỏ khán giả tuổi teen?
Việc không có phân loại âm nhạc khiến khán giả vô tình chỉ nhìn thấy ở nhạc Việt mỗi Pop, mỗi Bolero.
Ngay cả đến dòng nhạc phổ thông nhất hiện nay là EDM (nhạc điện tử) rất nhiều khán giả không thể phân biệt nổi hàng chục thể loại sub-genre nổi bật của EDM như Tropical House, Synth-pop, Dubstep… khiến cho việc dòng nhạc này trồi sụt thất thường trong tư duy nghe nhạc.
Người trẻ là những kẻ tiên phong?
Vài năm trở lại đây, không ai không nhắc đến Sơn Tùng M-TP, một kiểu hiện tượng đúng nghĩa bước ra từ thế giới Underground.
Nhạc Việt và cơn thoái trào gọi tên Ballad - Ảnh 9.
Tùng có những MV trăm triệu lượt xem, những kênh giao tiếp cá nhân hàng triệu người hâm mộ theo dõi. Tùng có tất cả sự hậu thuẫn để làm một cuộc chinh phục tầm cỡ hơn thay vì ăn theo những trào lưu ăn mặc, phong thái từ K-Pop.
Những cái tên như Tiên Tiên, Hoàng Thùy Linh, hay Tiên Cookie hòa vào dòng chảy Pop nhưng với sự đa chiều giữa Electro Pop, RnB Pop và EDM. Điều đáng nói là sau những MV thành công, họ có can đảm đầu tư album hay không.
Nhắc đến album, cụm từ quá đỗi quen thuộc lại trở nên xa lạ với V-Pop. Nếu như với một nền âm nhạc phát triển có hệ thống, ca sĩ tung ra MV để quáng bá album thì đằng này hàng loạt ca nghệ sỹ ra MV chỉ để kiếm views và đi diễn.
Nhạc Việt và cơn thoái trào gọi tên Ballad - Ảnh 10.
Hà Trần mất nhiều năm để cho ra Bản nguyên vào năm ngoái nhưng chỉ gây tiếng vang với giới phê bình.
Nhạc Việt và cơn thoái trào gọi tên Ballad - Ảnh 11.
Bài bản nhất là Stardom của Vũ Cát Tường (hãng Universal phát hành).
Tường ra MV đánh tiếng, sau đó bán album trên các trang nhạc trực tuyến và tổ chức concert quảng bá. Không như các đồng nghiệp, Vũ Cát Tường rẽ lối riêng khi tên tuổi bắt đầu có sức ảnh hưởng với người nghe. Đây là lựa chọn may rủi nhưng đáng được trân trọng.
Khan hiếm album – tuyên ngôn âm nhạc, nhưng Vpop vẫn có Portrait của Uyên Linh; Thiên thần sa ngãcủa Helena Bùi và Sóng hấp dẫn của Hoàng Quyên.
Ba album solo đáng nghe nhưng mua thì không dễ: giá thành cao, số lượng hạn chế. Dream Pop trong Thiên thần sa ngã chưa đủ “tiên phong” vì chịu sự ảnh hưởng từ Lana Del Rey nhưng vẫn nên khích lệ.
Riêng Sóng hấp dẫn được kiểm định bằng cái tên Đỗ Bảo và Võ Thiện Thanh. Chỉ tiếc rằng Jazz không dành cho số đông, ngay cả ở thị trường US-UK. Không nói đâu xa, nếu ai đã xem phim La La Land có thể thấy tác giả còn phải nhắc khéo thế hệ trẻ đừng bỏ quên Jazz.
Hi vọng duy nhất cho VPop có lẽ là EDM. The Remix hay The Band bước đầu dẫn đường cho khán giả biết tới EDM, và dường như đã có chút hiệu quả khi ngày càng có nhiều ca khúc sử dụng chất liệu nhạc điện tử để triển khai giai điệu. Những cái tên như Rhymastic, Touliver, SlimV… ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Khi những thế hệ Diva tự phong không còn sức lan tỏa, những nghệ sỹ độc đạo một mình một cõi, các nhóm indie tự phát với kiểu nhạc từ Jamaica, thì thế hệ nhạc điện tử sẽ làm mới hơn cho khái niệm Vpop đương đại.
Đ.T (TTO)