Nhạc sĩ Nguyễn Bách – Kẻ đốt đền?

0
1958

Trung tuần tháng 5-2011, nhạc sĩ Nguyễn Bách cho ra mắt quyển sách có tựa là: “Lý thuyết âm nhạc căn bản”, (NXB Thanh Niên). Theo lời tự giới thiệu của tác giả, đây là vừa là một sách tham khảo cho những người hoạt động âm nhạc, vừa là hành trang cho những người chưa, hoặc vừa mới bắt đầu con đường đi đến với âm nhạc.

Trò chơi của tiết tấu

“Chúng ta nghe nói về luật lệ trong âm nhạc, nhưng thật ra trong âm nhạc không có và cũng chưa từng có luật lệ “theo đúng nghĩa”. Cái gọi là “luật” không gì hơn là những quy ước mà người đời sau rút ra từ việc nghiên cứu những gì mà các tác giả tiền bối đã sáng tác, cách họ ghi nhạc ra, cách họ biểu diễn tác phẩm của mình”. nhạc sĩ Nguyễn Bách biện giải.

Mặc dù tác giả rất khiêm nhường khi cho rằng: “Lý thuyết âm nhạc căn bản là một cố gắng giúp người học nhạc hiểu được cách ghi chép âm nhạc, ý nghĩa của các dấu hiệu dùng trong âm nhạc, ý nghĩa của các thuật ngữ chuyên môn mà nhạc sĩ từ xưa đến nay đã sử dụng!”. Song, nói theo “khẩu khí giang hồ” của nhạc sĩ Phan Khanh, thì với quyển sách chỉ dày có 186 trang này, “nhạc sĩ Nguyễn Bách đã làm chuyện của kẻ “đốt đền”, sẽ nổi tiếng “Tốt và Xấu” đình đám trong cộng đồng dân cư âm nhạc… Tốt cho những “môn đồ” mới ngập ngừng bước vào ngôi đền âm nhạc, họ sẽ dễ dàng “ngộ” ra chân pháp mà không cần thiết phải khổ nhục tu luyện… Tiếng Xấu là dám xô ngã “tượng đài” giáo điều mà các tu sĩ đã ngàn năm xây dựng và “cố thủ”. Tội hay Công? Trăm năm sau mới có câu trả lời. Nhưng trước hết nhạc sĩ Nguyễn Bách đã có công kéo “chiếc diều” học thuật xuống gần hơn; bởi người có học thuật thì đếm trên đầu ngón tay mà kẻ ngoại đạo thì đi đâu cũng thấy. Nên cần lắm những kẻ “đốt đền” như nhạc sĩ Nguyễn Bách!”.

“Con người đã hát và chơi nhạc cụ từ lâu, trước khi phát minh ra cách ghi lại âm nhạc trên các phương tiện. Ngày nay, thậm chí gần như mọi người có thể hát, mặc dù không phải ai cũng có thể “đọc” nhạc được. Rõ ràng là người ta có thể chơi, hát, sáng tác nhạc mà không cần viết ra…”nhạc sĩ Nguyễn Bách nói và chính điều này nên sau khi bước qua phần “Dẫn vào âm nhạc”, tác giả đã đi vào phần “Ký hiệu và những vấn đề liên quan đến trường độ”, thay vì là các vấn đề của khuông nhạc, khóa nhạc, tên gọi nốt nhạc, dấu hóa… như ở đa số các sách về lý thuyết âm nhạc đang phổ biến hiện nay tại Việt Nam.

“Theo chúng tôi, yếu tố quan trọng nhất để phân biệt âm thanh với âm nhạc chính là tiết tấu; tức là vấn đề về trường độ. Đó là vấn đề cần được bàn đến trước tiên trong nội dung chính của sách!”- nhạc sĩ Nguyễn Bách giải thích.

Xô ngã “tượng đài” giáo điều…

Thưa nhạc sĩ, nhiều độc giả của Âm nhạc Việt Nam đang là sinh viên trường nhạc cũng cho rằng trước khi thi tuyển vào trường nhạc, ai cũng nghĩ đây là một thánh đường nghệ thuật. Tuy nhiên sau năm đầu tiên, nhiều sinh viên bở ngỡ nhận ra… dường như có quá nhiều điều không đúng như lúc nghĩ khi bước vào cổng trường âm nhạc. Là người thầy giảng dạy về âm nhạc, nhạc sĩ chia sẻ gì về băn khoăn ấy của sinh viên, nhất là khi mùa tuyển sinh đang cận kề?

* NS Nguyễn Bách: Có một thực tế, qua mấy năm học trường nhạc chính quy quốc gia, tốt nghiệp, đa phần ai cũng chơi đàn giỏi hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên đóng góp trong chuyện tay nghề giỏi ấy, lại đến từ chuyện các em sinh viên đi làm thêm ngoài giờ học. Nghĩa là các em đi đánh đàn cho các phòng trà, quán cà phê nhạc sống. Chính những nhạc công những nơi này đã hướng dẫn các em vào nghề, dạy từng ngón đàn sao cho có thể đệm được cho tất cả các giọng hát, không theo một khuôn phép nào. “Chơi đàn giang hồ”, chính là cụm từ quen thuộc mà bất kỳ sinh viên nào muốn giỏi nghề để kiếm kế sinh nhai bằng nghề đàn hát, đều biết đến.

“Giang hồ” theo nghĩa những tay chơi đàn lão luyện ở rất nhiều ban nhạc, phòng trà…, họ không hề được đào tạo chính quy từ trường nhạc cấp quốc gia. Song khi họ chơi nhạc thì bảo đảm khán giả ai cũng hài lòng.

Tôi xin kể câu chuyện rất trường nhạc sau đây thay cho câu trả lời mà tạp chí Âm nhạc Việt Nam đặt ra: có một sinh viên về Sài Gòn học nhạc, cha mẹ anh nghĩ rằng con trai mình sẽ trở thành một tay đàn lành nghề để về quê chơi cho các đám cưới, ma chay mà kiếm tiền nuôi sống bản thân. Một hôm, nghe tin con mình sẽ trở thành “nhà lý luận phê bình âm nhạc”, ai nấy ở quê đều sửng sốt. To chuyện đấy chứ? Anh sinh viên đã nhờ người thầy của mình giúp tìm hiểu về ngành nghề này trên thế giới, để mai kia khi về quê có thể thuyết phục mọi người tin rằng một thằng bé chưa bao giờ viết được một bài luận văn cho ra hồn ở trường phổ thông lại sẽ được đào tạo thành một nhà lý luận âm nhạc.Một câu chuyện khác. Lần nọ, em sinh viên thắc mắc rất thật lòng: học lý luận âm nhạc xong, khi ra trường sẽ xin việc làm ở đâu? Không ai trả lời được, ngoại trừ một lời nửa đùa, nửa thật của một giảng viên đang là “quan chức”: “Thì em sẽ làm lãnh đạo… như tôi!”.Xin không bình luận.

Từ Lý thuyết âm nhạc căn bản vừa phát hành, người ta cảm nhận được ở đó, một cách giảng dạy nhạc theo kiểu rất “giang hồ”. Nôm na, như lời NS Phan Khanh, tác giả Nguyễn Bách đã có công kéo “chiếc diều” học thuật xuống gần hơn; bởi người có học thuật thì đếm trên đầu ngón tay mà kẻ “ngoại đạo” thì đi đâu cũng thấy?

* NS Nguyễn Bách: Trước tiên, tôi không dám nhận mình là “kẻ đốt đền”. Ngôi đền chỉ thiêng, khi nó còn nguyên vẹn và người ta hiểu cách thức trùng tu cho ngôi đền ấy.

Như đã nói, quyển sách Lý thuyết âm nhạc căn bản, chỉ tham vọng là hành trang cho những người chưa hoặc bắt đầu đến với âm nhạc; đồng thời kỳ vọng là sách tham khảo cho sinh viên trường nhạc. Bởi như đã nói, hiện có khoảng cách khá xa, không chỉ chuyện quan điểm về học thuật ở trường nhạc cấp quốc gia của Việt Nam với các trường nhạc khác trên thế giới; mà ngay cả đào tạo nghề cho các em sinh viên trường nhạc hiện nay cũng là vấn đề cần nghiêm túc xem xét lại.

Ở đây, tôi muốn nhắc đến trường nhạc của Quân đội. So với trường nhạc dân sự cấp quốc gia, chất lượng đào tạo nghề cho sinh viên trường nhạc Quân đội hơn hẳn từ chuyên môn đến kỹ năng. Nguyên do vì sao? Có lẽ chuyện tế nhị ấy, xin phép được hẹn với tạp chí Âm nhạc Việt Nam trong dịp sắp tới.

“Không có trẻ con hư, chỉ có bố mẹ không biết cách dạy con! Không có học trò dốt chỉ có người thầy không biết cách dạy!”. Câu nói này của Anton Semenovych Makarenko (1888-1939), nhà sư phạm nổi tiếng thế giới người Ukraina, một trong những người sáng lập trường phái sư phạm Xô-Viết. Và tôi xin được mượn câu nói đó để kết ở đây thay cho những điều tế nhị chưa thể nói hết về thế giới trường nhạc ở Sài Gòn hiện nay.

Theo X.SƠN-M.TÂM (ANVN19)