Ngày Âm nhạc Việt Nam 2018 tại Bắc Ninh

0
995

Kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 9, chào mừng Đại hội IV Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh, chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh tổ chức Liên hoan Âm nhạc “Hát về Bắc Ninh”. Đêm chung kết trao giải đã diễn ra vào tối 6 tháng 9 năm 2018 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin thành phố Bắc Ninh.

Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Phong – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Lưu Đình Thực – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; nhà báo Nguyễn Công Hảo – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật; NSUT Thúy Hường – Phó Hiệu trưởng Trường Văn hóa nghệ thuật Bắc Ninh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch; Trung tâm Văn hóa nghệ thuật; Nhà hát Dân ca quan họ; các nhạc sĩ, nghệ sĩ của tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, Phú Thọ, cùng đông đảo khán giả thành phố Bắc Ninh.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong Phó Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội; nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Vũ Duy Cương – Ủy viên Chấp hành Hội; GS, nhạc sĩ lão thành Chu Minh.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chúc mừng Liên hoan

Vòng sơ khảo Cuộc thi “Tiếng hát Bắc Ninh” đã diễn ra trong 3 đêm diễn, khai mạc vào tối 18 tháng 8, và tiếp theo là tối 25, 26/8, với hơn 40 thí sinh là những nghệ sĩ không chuyên với đầy đủ các lứa tuổi tham dự đến từ nhiều các tỉnh: Bắc Ninh, Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên, Yên Bái, Sơn La… với 36 tiết mục, trong đó có 2 tiết mục song ca nam nữ, 2 tiết mục song ca nữ, 17 tiết mục đơn ca nữ, 15 tiết mục đơn ca nam. Ban giám khảo đã chọn được 14 thí sinh với 12 tiết mục xuất sắc vào vòng chung kết.

Ban giám khảo cuộc thi là các nhạc sĩ, nghệ sĩ tên tuổi và có kinh nghiệm nghề nghiệp của Bắc Ninh: Nhạc sĩ Trọng Tĩnh, Nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh – Trưởng Ban; và 2 ủy viên là NSƯT Bích Hồng – Trưởng khoa Âm nhạc, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh; nhạc sĩ Nguyễn Trung – Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh, phó Trưởng ban tổ chức Liên hoan.

Kết quả, đêm chung kết Ban tổ chức đã trao các giải thưởng:

1 giải Nhất: Trịnh Quang Thắng (Bắc Ninh) với ca khúc “Lội dòng sông quê” của nhạc sĩ Phó Đức Phương;

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và ông Nguyễn Văn Phong – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh trao giải Nhất

Giải Nhất – Trịnh Quang Thắng

2 giải Nhì: Chu Thị Hằng (Bắc Ninh) với ca khúc “Làng Quan họ quê tôi” thơ: Nguyễn Phan Hách, nhạc: Nguyễn Trọng Tạo; và Phạm Hoàng Hà (Bắc Ninh) với “Câu Quan Họ người ơi” của Ngọc Lĩnh;

Nhạc sĩ Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao Giải Nhì

Chu Thị Hằng – Giải Nhì

3 Giải Ba: Nguyễn Thị Ngọc Anh (Bắc Ninh) với ca khúc “Lúng liếng cái duyên” của Bá Quang; Nguyễn Đình Anh (Bắc Ninh) với ca khúc “Tháng Giêng nghe Quan Họ” của Ngọc Sơn; Tạ Quang Tùng (Bắc Ninh) với ca khúc “Lung linh Luy Lâu” của Kim Oanh.

Các thí sinh nhận Giải Ba

Nguyễn Đình Anh – Giải Ba

Nguyễn Ngọc Anh – Giải Ba

6 giải Khuyến khích: Nguyễn Quang Hưng (Bắc Ninh) với “Nghe câu Quan Họ trên cao nguyên” của Vũ Thiết; Nguyễn Ngọc Thảo (Hà Nội) với “Phố chờ” của Trọng Tĩnh; Nguyễn Thị Phương Thảo và Đỗ Thị Thùy Trang (Hà Nội) với “Dọc miền Quan Họ” của Thiếu Hoa; Trần Quyết và Minh Thu (Bắc Ninh) với “Hội Diềm” của Nguyễn Trung; Chu Thị Lợi (Hà Nội) với “Con nhện tìm duyên” của Lê Minh; Hoàng Yến Ngọc (Sơn La) với “Nhớ đêm Giã bạn” của Nguyễn Tiến.

Các thí sinh nhận giải Khuyến khích

Nhạc sĩ Trọng Tĩnh – Trưởng Ban Giám khảo đã có những nhận xét:

“Đánh giá về chất lượng các tiết mục tham gia Liên hoan lần này có thể nói một cách tổng hợp chung là không có tiết mục nào yếu, hầu hết các thí sinh đã được tiếp cận với kỹ thuật hát thanh nhạc, một số thí sinh có bề dầy kinh nghiệm biểu diễn tự tin và có phong cách khá chuyên nghiệp, diễn đạt nội dung ca khúc thuần thục.

Các thí sinh biểu diễn nhiều ca khúc đa dạng, hầu hết là các bài hát quen thuộc của các nhạc sĩ: Phó Đức Phương, Lê Mây, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Tiến, Trần Tiến, Đoàn Hồng, Vũ Thiết, Nguyễn Thiếu Hoa, Phú Quang, Lê Minh… và các nhạc sĩ Bắc Ninh: Ngọc Lĩnh, Trọng Tĩnh, Nguyễn Trung, Bá Quang, Ngọc Sơn… được các thí sinh lựa chọn đều là những ca khúc có đời sống lâu bền trong hoạt động ca hát ở Bắc Ninh trong nhiều năm nay.

Hạn chế, do một số tiết mục còn sử dụng nhạc Beat nên dẫn tới việc hát phụ thuộc vào nhạc, do ít tập và chưa chuẩn bị kỹ nên một số thí sinh thể hiện chưa thực sự phù hợp với giọng và sở trường của mình; những tiết mục song ca chưa đầu tư kỹ về phong cách vì không có hát bè, một hạn chế nữa là các thí sinh chỉ tập trung vào một số tác giả, trong khi ban tổ chức đã thông báo có hơn 100 ca khúc hát về Bắc Ninh của các nhạc sĩ Trung ương và địa phương, nhiều thí sinh hát trùng một bài hát; các bài hát chưa phong phú, chưa có nhiều bài hát mới về Bắc Ninh được thí sinh lựa chọn”.

Thanh Nhã