Lê Minh Sơn: Viết nhạc, không lắng nghe cuộc sống thì hỏng!

0
885

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho rằng nhìn mọi việc diễn ra, ông có cảm giác nghệ thuật đang đứng ngoài tất cả những gì hiện hữu trong cuộc sống này

Phóng viênNhững ngày qua, nhạc sĩ Lê Minh Sơn trở thành từ khóa “hot” trên mạng sau khi có phát ngôn gây tranh cãi xoay quanh chủ đề về các sáng tác âm nhạc hiện nay. Điều gì khiến anh bức xúc lên tiếng chỉ trích thẳng thắn các sáng tác của ca sĩ trẻ hiện nay đến thế?

– Nhạc sĩ Lê Minh Sơn: Trước tiên, tôi muốn khẳng định những điều tôi nói chỉ diễn ra trong phạm vi cuộc trò chuyện chứ không phải trả lời phỏng vấn. Điều đó có nghĩa tôi nói với tư cách của một người nghe có nhiều bức xúc và thắc mắc về tình hình ca khúc hiện nay.

Tôi thấy cuộc sống này bộn bề lắm, sao những người với tư cách là nhạc sĩ không khai thác nhiều khía cạnh hơn của cuộc sống, không đặt nhiều góc nhìn hơn về cuốc sống mà chỉ có “anh yêu em”? Nhiều thân phận, nhiều giọt nước mắt, nhiều bi kịch, tai nạn, nhiều sự kiện xã hội nóng hổi… vẫn diễn ra hằng ngày, đó chính là đề tài của sáng tác, sáng tạo và âm nhạc. Nhưng, hãy nhìn những gì đang diễn ra mà xem, chúng gần như bị bỏ lơ khiến tôi có cảm giác rằng nghệ thuật đang đứng ngoài tất cả những gì hiện hữu trong cuộc sống này. Tôi buồn về điều đó nên đã nói lên ý kiến của mình.

Tôi tiếc vì nhiều người trẻ giỏi lắm. Họ lại có ngôn ngữ của người trẻ, tư duy tiệm cận với thế giới, vậy tại sao họ lại không nhìn ra những điều ấy? Ý của tôi là như thế nhưng có lẽ khi lên mặt báo, nó lại được chuyển tải với một tinh thần khác nên cũng mang một nghĩa khác đi nhiều.

Việc anh cho rằng những ca khúc với từ ngữ tầm thường như “anh yêu em”, “ngất ngây đắm say”, “con tim hao gầy” được viết ra từ những con người tầm thường khiến nhiều người thấy tổn thương. Thậm chí, có người còn lục lại những sáng tác của anh trước đây và chỉ trích: “Chính ông ấy cũng từng viết ca khúc “Em yêu anh” (Thanh Lam thể hiện) đấy thôi”?

– Với tôi, tình yêu là một thứ rất đẹp và tuyệt vời trong cuộc sống này. Những thứ kỳ diệu trong cuộc sống cũng do tình yêu tạo nên đấy thôi, nên tôi đâu bảo đừng viết về tình yêu. Thế nhưng, đã viết thì phải viết nên câu chuyện thế nào mới là điều đáng nói. Những bản tình ca của Hoàng Hiệp, Phạm Duy… đẹp một cách thiêng liêng như thế cơ mà. Để sau mấy mươi năm khi nghe lại, những khúc tình ca ấy vẫn lay động lòng người. Vì sao? Tất cả đều rất dung dị nhưng đâu có đơn giản.

Nói thật, tình yêu bây giờ cứ được tả một cách trơn tuột. Nó chả có mỹ vị gì cả nên nghe xong lại quên. Đấy chính là ý mà tôi nhắc đến. Tôi cũng viết về tình yêu, bài “Em yêu anh” của tôi viết cách đây 20 năm rồi. Nhưng nếu muốn dùng nó để phản bác tôi thì tôi khuyên phải nghe ca khúc trước đã, để hiểu tôi nói về tình yêu thế nào rồi hãy nói.

Anh là người thẳng tính, không ngại đụng chạm nên mới nói ra suy nghĩ của mình. Thời buổi này, một phát ngôn nghịch tai có thể hứng lấy hàng tấn “gạch đá” nên ai cũng muốn “bình an”. Anh có nghĩ đến điều này?

– Tôi nói ra quan điểm của mình vì tôi nghĩ đến vấn đề đào tạo. Tôi muốn gợi mở ra một vấn đề rằng cuộc sống này chính là đề tài. Âm nhạc phải bắt nguồn từ cuộc sống mới đến với khán giả được. Thật ra, từ lâu rồi, không chỉ riêng âm nhạc đâu mà cả văn chương cũng chẳng có tác phẩm đi vào lòng người như trước đây. Chúng ta phải nhìn nhận được vấn đề để thay đổi và cố gắng.

Có ai tự nhiên giỏi đâu! Nếu không có những ông Nguyễn Cường, Trần Tiến, Dương Thụ… ở bên thì làm gì có Lê Minh Sơn của hôm nay, dù tôi được đào tạo mấy chục năm trong trường và mày mò học hỏi mỗi ngày. Nếu ai đó thấy cái gì mình cũng giỏi thì tôi chịu đấy! Thật ra, ở làng nghệ thuật này, người bên cạnh định hướng quan trọng lắm. Nếu chỉ muốn viết bài hát để được người ta biết đến thì tôi thấy tình hình thế này là được rồi. Song, nếu là người làm nghề thực sự thì phải nghĩ đến trách nhiệm trong công việc của mình. Phát triển âm nhạc để phát triển những thứ khác trong cuộc sống nữa chứ? Nhạc của Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, Văn Cao… vì sao hay thế? Nó có mang trách nhiệm làm cho người sáng tác nổi tiếng đâu? Nó là tiếng nói của những vấn đề hiện hữu trong xã hội, của cộng đồng nữa. Làm nghề thì phải biết nhìn đến cả những điều ấy.

Những sản phẩm âm nhạc hiện nay được truyền thông công bố luôn đạt con số hàng triệu view (lượt nghe – xem) dù về mặt chuyên môn bị nhiều ý kiến phủ nhận. Anh có tin vào con số hàng triệu view này không?

– Với tôi, view thuộc về thế giới ảo, mà thế giới ảo thì chẳng bao giờ chạm vào nó làm gì. Có ngon thì ra cuộc sống thật mà chơi. Có được gì hay không ở cuộc sống thật này mới quan trọng. Nhạc của các “cây đa, cây đề” trước đây ấy, cái thuở đã có internet hay đếm view gì đâu nhưng vẫn sống bền vững. Cứ làm được thế thì mới tính, còn view thì tôi chả quan tâm.

Anh từng bảo mình trở lại “ghế nóng” chương trình âm nhạc trên sóng truyền hình vì không muốn cứ mãi ngồi một chỗ rồi tiếc cho nhạc Việt. Anh phải dấn thân để tạo nên những khác biệt, vậy anh đã làm được điều đó đến đâu?

– Tôi từng nghĩ sẽ ngồi ghế nóng để giúp những tài năng trẻ nhưng ngược lại, tôi đã học ở họ rất nhiều. Họ trẻ trung, dám nghĩ, dám làm. Họ cho tôi niềm tin rằng họ sẽ là những người hoàn thành giấc mơ đưa nhạc Việt ra thế giới. Có một thứ tôi thấy buồn cười là nhiều người cứ đem những sản phẩm âm nhạc “nhái” ra thế giới. Sao lại thế nhỉ? Cái người ta đã có rồi, mình làm giống như thế đem giới thiệu ngược lại cho họ, để chứng minh điều gì? Sai, sai lắm! Muốn chinh phục thế giới thì phải mang cái của mình đi chứ? Dùng chất liệu âm nhạc của chính mình và chuyển tải bằng ngôn ngữ âm nhạc thế giới mà chinh phục thế giới. Đấy mới là lời giải đúng. Tôi nghĩ thế hệ trẻ hiện nay sẽ làm được điều này.

Anh có thấy cô độc không khi theo đuổi giấc mơ âm nhạc của mình?

– Không, vì tôi tin vào khán giả của mình. Lê Minh Sơn vẫn thường có những đêm nhạc ở Nhà hát Lớn mỗi khi có dự án âm nhạc mới. Mỗi lần như thế, khán giả của tôi rất đông, luôn bên cạnh tôi. Đó là lý do chả bao giờ tôi thấy cô đơn hay cô độc gì cả. Chưa kể, song hành cùng tôi còn có bạn bè, đồng nghiệp cùng chí hướng; những tiền bối đi trước với thành tựu mà họ đạt được. Hơn nữa, tôi tin rằng điều quan trọng nhất của một người làm công việc sáng tạo là hành trình họ đi có những gì, chứ không chỉ là đích đến có gì.

Khá lâu không thấy sáng tác mới của anh?

– Sau 15 năm, tôi đang rất hài lòng với phát hiện mới của mình – một giọng ca trẻ và cực “quái”. Album “Lê Khoa hát Lê Minh Sơn” vừa ra mắt là thành quả của tôi với cậu ấy. Sau Tùng Dương thì Lê Khoa là giọng ca mà tôi đánh giá cao trên thị trường âm nhạc hiện nay. Tôi hài lòng về giọng hát này.

Internet chính là tội đồ

. Anh từng bảo: “Trời cho nghệ sĩ quyền tưởng tượng nhưng không dám tưởng tượng thì đó là bi kịch của lớp trẻ”. Theo anh, vì sao họ lại không dám sử dụng quyền đặc biệt của bản thân?

– Internet chính là tội đồ đấy. Internet có rất nhiều cái hay nhưng cũng có cái rất kinh khủng là làm cho con người ta chây lười. Chọn con đường sáng tạo đồng nghĩa phải quan sát và trải nghiệm cuộc sống quanh mình. Tại sao tôi phải chơi với tiếng chim hót, nghịch đùa cùng nước hay thở cùng cỏ cây? Vì tôi muốn cảm nhận cuộc sống một cách chân thật nhất.

Nhiều người thấy hài lòng với cuộc sống có đám đông quanh họ bằng cách cập nhật những con số view, lượng người tương tác trên internet. Đám đông đó tồn tại thông qua cảm nhận của họ. Họ sướng với điều ấy nên chả nghĩ phải làm điều gì hơn thế. Cầm cái điện thoại xong, họ tưởng mình đang nắm thế giới trong tay. Làm gì có chuyện ấy nhỉ! Phải lắng nghe cuộc sống này để mà viết nhạc. Âm nhạc mà không có cuộc sống trong đó thì cũng sẽ chỉ quẩn quanh những thứ linh tinh, vớ vẩn.

Thùy Trang (HNS)