Hector Berlioz ở vai trò nhà phê bình và tác giả sách

0
818
Hector Berlioz (11/12/1803–8/3/1869), nổi tiếng nhất ở vai trò nhà soạn nhạc, cũng là cây bút sung sức, người vào lúc khởi đầu sự nghiệp đã mưu sinh bằng cách viết những bài phê bình âm nhạc, sử dụng một văn phong táo bạo, mạnh mẽ, đôi khi độc đoán và châm biếm. Phê bình là lĩnh vực “ông rất xuất sắc nhưng lại ghét cay ghét đắng”. Dẫu phàn nàn song Berlioz vẫn tiếp tục viết phê bình âm nhạc gần như suốt cuộc đời, rất lâu sau khi ông không còn buộc phải làm thế vì nhu cầu tài chính. Một trong những lý do khiến nhiệm vụ nhà phê bình chiếm rất nhiều thời gian của Berlioz là việc ông đã tiếp cận tác phẩm với sự tận tâm hiếm có, nghiên cứu rất chi tiết các tổng phổ trước các buổi biểu diễn và tham dự các buổi diễn tập bất cứ khi nào có thể.

Phê bình âm nhạc

Berlioz viết bài cho nhiều tạp chí, gồm các tờ RénovateurJournal des débats và Gazette musicale. Ông tích cực cộng tác với tờ Débatstrong hơn ba mươi năm cho đến khi gửi bài viết cuối cùng ký tên mình vào năm 1863. Gần như ngay từ ngày đầu thành lập, Berlioz đã là thành viên chủ chốt của ban biên tập tạp chí Gazette, cũng như là một cộng tác viên, và trong vài dịp còn nắm quyền tổng biên tập khi chủ bút của tờ tạp chí này bận việc nơi khác. Berlioz đã tận dụng lợi thế trong thời gian nắm quyền tổng biên tập, tự ý tăng số bài mình viết về lịch sử âm nhạc thay vì các sự kiện mang tính thời sự, bằng chứng là ông đã đăng bảy bài về Gluck trên tờ Gazette trong khoảng thời gian từ tháng 6 năm 1834 đến tháng 1 năm 1835. Ông viết hơn một trăm bài cho tờ Gazette từ năm 1833 đến năm 1837. Đây là một ước tính dè dặt, vì không phải tất cả các bài ông đăng đều được ký tên. Chỉ riêng năm 1835, một trong những quãng thời gian khó khăn về tài chính, ông đã viết bốn bài cho tờ Monde dramatique, mười hai bài cho tờ Gazette, mười chín bài cho tờ Débats và ba mươi bảy bài cho tờ Rénovateur. Đây là những bài báo và phê bình chuyên sâu.

Lòng tận hiến của Berlioz dành cho sự chính trực và công bình của báo chí được minh chứng bằng việc, trong khi tạp chí Gazette chỉ trích Henri Herz về dòng chảy dường như vô tận của các khúc biến tấu nhạc sĩ này viết trên các chủ đề opera thì đôi khi nó cũng nhận xét tích cực về âm nhạc của ông. Gazette không phải lúc nào cũng ca ngợi âm nhạc của Berlioz, mặc dù tạp chí này luôn công nhận ông là nhà soạn nhạc quan trọng và nghiêm túc. Tạp chí Revue musicale đã đăng nhiều bài công kích cá nhân chống lại Berlioz do nhà phê bình François-Joseph Fétis viết. Robert Schumann đã đăng một bài viết chi tiết phản bác lại một trong những đòn tấn công của Fétis nhắm vào Giao hưởng Ảo tưởng của Berlioz trên tạp chí Neue Zeitschrift für Musik mà ông sở hữu. Trong các bài phê bình, Berlioz có thể đã thỏa thích công kích những gì mình căm ghét và tán tụng những gì mình say mê. Những thứ ông căm ghét bao gồm những nhạc sư câu nệ quy tắc, lối viết và lối hát màu sắc, những nhạc công viola chỉ vì là nghệ sĩ violin bất tài, những libretto ngớ ngẩn, và kỹ thuật đối vị kiểu Baroque. Ông ca ngợi quá lời các giao hưởng của Beethoven cùng các vở opera của Gluck và Weber, và thận trọng tránh quảng bá các tác phẩm của chính mình.

Những cuốn sách

Hai trong số những cuốn sách của Berlioz được tổng hợp từ các bài báo của ông. Les soirées de l’corchestre (Những buổi tối với dàn nhạc,1852), một châm biếm gay gắt về đời sống âm nhạc kiểu tỉnh lẻ ở Pháp thế kỷ 19, và Grand traité d’instrumentation et d’orchestration modernes (Treatise on Instrumentation, Đại chuyên luận về phối khí và phối dàn nhạc hiện đại), một tác phẩm sư phạm, đều được đăng lần đầu theo kỳ trên tạp chí Gazette musicale. Nhiều phần của Mémoires (Hồi ký, 1870) được đăng lần đầu trên tờ Journal des débats, cũng như trên tờ Le monde IllustréHồi ký vẽ nên một bức chân dung mang tính uy quyền (nếu thiên kiến) về thời kỳ Lãng mạn qua con mắt của một trong những nhân vật chính của thời kỳ này. Những buổi tối với dàn nhạc rõ ràng là hư cấu hơn hai cuốn sách chính kia của ông, nhưng cơ sở của nó thật ra lại nằm ở sức mạnh của nó, tạo cho những câu chuyện nó kể mọi nét khôi hài nhờ vẻ như thật. W. H. Auden ca ngợi cuốn sách khi nói rằng: “Để thành công trong việc [viết những câu chuyện này], như cách Berlioz thành công rực rỡ nhất, đòi hỏi một sự kết hợp của những phẩm chất rất hiếm có, sự hiếu kỳ nhiều mặt của kịch tác gia với tầm nhìn cá nhân năng nổ của thi sĩ trữ tình”. Tác phẩm được Gustav Mahler và Richard Strauss nghiên cứu sát sao và làm nền tảng cho một cuốn sách giáo khoa về sau của Nikolai Rimsky-Korsakov, người mà với tư cách là sinh viên âm nhạc, đã tham dự các buổi hòa nhạc mà Berlioz chỉ huy ở Moscow và Saint Petersburg.

Lời bạt của David Cairns cho Hồi ký Berlioz

Ông đã sống thêm bốn năm nữa. Trong quãng thời gian ấy ông thường xuyên chìm trong những cơn đau cấp tính; nhưng thoạt đầu cuộc đời vẫn ưu ái ông. Cuốn Hồi ký được gửi tới nhà in vào đầu năm 1865, và ông đã bận rộn cả mùa xuân để đọc bản in thử và sửa lỗi. Cuốn sách được in bằng tiền túi của ông. Việc in ấn được hoàn tất vào tháng 7, và 1200 bản đã được cất giữ tại văn phòng của ông ở Nhạc viện. Một số bản được tặng riêng cho gia đình và những bạn bè thân thiết; phần còn lại sẽ được con trai ông phát hành sau khi cha qua đời. Louis, bấy giờ là thuyền trưởng trên một tàu buôn hải quân, thỉnh thoảng đến Paris nghỉ phép, khiến cha mình thêm vui. Thi thoảng – nhưng không quá thường xuyên – Bezlioz tới phòng hòa nhạc hay nhà hát opera: để nghe nhạc thính phòng của Beethoven do Joachim và những người bạn biểu diễn; để xem vở Don Giovanni; một lần còn để cầm đũa chỉ huy, cũng là lần cuối cùng ông chỉ huy ở Paris; và để nghe khúc overture Những thẩm phán tự do và bản thất tấu trích từ vở Những người thành Troy được bốn ngàn khán giả tán thưởng. Carvalho đã bàn về việc phục dựng vở Những người thành Troy ở Carthage, nhưng Berlioz cả quyết phản đối ‘một lò mổ tươi sống’:

“Tác phẩm quá lớn mà nhà hát thì quá nhỏ và trang bị rất kém. Tôi thà không cho biểu diễn gì cả còn hơn là cho biểu diễn trong tình trạng như vậy. Chúa ơi! Tại sao không thể để tôi ra đi trong yên bình? Tôi không thể và sẽ không có bất cứ điều gì để làm với giới đạo diễn, bầu sô, thương gia hay lái buôn – những chủ hiệu tạp hóa đủ mọi loại được ngụy trang dưới những tên gọi khác nhau.”

Ngược lại có những tin tức về các buổi công diễn âm nhạc của ông ở nước ngoài khiến ông phấn chấn tinh thần. Tháng 12 năm 1866 ông đã đến Vienna để chỉ huy Lời nguyền của Faust ở Redoutensaal. Vài tờ báo đã tỏ ra thù địch (có lẽ phần nào là do Herbeck, người chuẩn bị dàn nhạc và dàn hợp xướng, dính dáng vào một trong những mối thù thường kỳ trong giới âm nhạc thành Vienna), và rõ ràng là Berlioz, dù đang ốm yếu bởi bệnh tật, đã chứng kiến các buổi diễn tập đầy mệt mỏi; nhưng buổi hòa nhạc lại thành công vang dội. Trước đó không lâu, ông đã giúp giám sát việc phục dựng vở Alceste của Gluck ở Nhà hát Opéra, một trải nghiệm mà tại thời điểm đó khiến ông ngập tràn hạnh phúc.

Hơn hết thảy, mối quan hệ với Estelle như sợi chỉ níu giữ cuộc đời ông. Dần dà bà cũng chấp thuận làm bạn với ông. Ông mời bà đến Geneva mỗi dịp hè. Giữa những cuộc gặp gỡ là thư từ qua lại. Mỗi tháng ông viết cho bà một lá thư, có khi thường xuyên hơn. Mỗi lần nhận được hồi âm từ bà gần như là một niềm vui sướng lớn lao. ‘Thật là không phải khi tôi lại viết thư cho bà vào hôm nay’, một bức thư mở đầu, ‘Thế là sớm quá. Thứ lỗi cho tôi, tôi không thể chịu đựng hơn nữa’. Bức thư kết thúc: ‘Thật là một buổi tối hạnh phúc khi được ngồi đây bên bếp lửa để viết thư cho bà’. Phần tái bút của một lá thư khác: ‘tôi đã mở phong bì, tôi phải nói chuyện tiếp với bà. Nhưng có gì để nói nữa đây? Chỉ là tôi cảm thấy rằng, nếu tôi giữ bức thư thêm vài giờ nữa thì nỗi cô đơn của tôi càng bị dồn nén lâu hơn’. Đó là một niềm vui mà ông không lường trước được: ‘Tôi có thể sẽ chết mà không được gặp lại bà lần nào nữa’.

Nhưng thời gian đã cạn dần. Căn bệnh của ông đang thắng thế. Ông dùng laudanum với liều ngày càng nặng hơn nhưng không những chẳng thể giúp ông dịu bớt đau đớn mà còn khiến đầu óc ông mụ mẫm và chậm chạp đi. Một đòn chí mạng đến với ông vào mùa hè năm 1867, Louis qua đời do bệnh sốt vàng da ở Havana, hưởng dương 32 tuổi. Trong bức thư cuối cùng còn sót lại mà Berlioz gửi con trai mình có những lời tiên tri: ‘Louis dấu yêu, ta sẽ làm gì đây nếu thiếu con?’ Giờ đây ông vội vã cắt đứt mọi mối quan hệ còn lại có thể ràng buộc ông với cuộc đời. Một tuần sau khi nhận được tin dữ ông đến văn phòng của mình tại thư viện Nhạc viện, trút hết một hòm đầy những thư từ, những bài báo được cắt ra, những trích dẫn hay các di vật khác về đời sống cá nhân cũng như công chúng của ông, và đốt toàn bộ. Mùa thu năm ấy ông đến thăm Estelle, người phụ nữ vừa mới mất đi đứa con trai. Họ gặp nhau lần cuối vào ngày 9 tháng 9.

Mùa đông năm 1867-8 chứng kiến sự bùng nổ cuối cùng của năng lượng phi thường từng có ở ông. Ông đến Nga và tổ chức tám buổi hòa nhạc ở St Petersburg và Moscow cho một lượng khán giả đông đảo và đầy huyên náo. Trên bục chỉ huy một cái gì đó của quyền lực xưa cũ và ngọn lửa nhiệt huyết được hồi sinh. Ông chỉ huy các tác phẩm của Gluck, Mozart, Weber, và bốn bản giao hưởng của Beethoven (các số 3-6). Âm nhạc của chính ông ban đầu không được dự tính trong bất kì buổi biểu diễn nào ngoại trừ buổi diễn cuối cùng, nhưng ông đã bị thuyết phục để thêm vào một số tác phẩm. Chính bằng Harold ở Ý và các trích đoạn từ Romeo  Faust mà sự nghiệp của ông với tư cách nhạc trưởng và nhà cách tân âm nhạc kết thúc. Sau khi trở về ông đã đến thăm vùng Riviera yêu dấu của mình, nơi hấp dẫn bởi ánh mặt trời chiếu rọi và tiếng gọi từ quá khứ. Trong lúc leo xuống biển ở Monte Carlo ông ngã đập đầu lên đá, choáng váng và chảy máu. Một hai ngày sau đó ở Nice ông lại bị ngã nghiêm trọng hơn do đột quỵ, ông nằm li bì trên giường cả một tuần cho đến khi cảm thấy đủ khỏe để thực hiện hành trình trở lại Paris. Ngay sau đó, tai họa ập đến với người bạn già của ông, Humbert Ferrant. Gã trai trẻ tên thường gọi là Blanc-Gonnet, người mà Ferrant và vợ ông nhận nuôi khi còn là một cậu nhóc, đã sát hại bà Ferrant và biến mất cùng với nữ trang của bà. Gã bị bắt và xử chém. Ferrant cũng qua đời sau đó vài hôm.

Trong những tháng cuối đời Berlioz tựa như cái bóng biết đi. Nhà phê bình Blaze de Bury (con trai cựu thù Castil-Blaze của ông), gặp ông vào một buổi tối khi đang trên đường từ Học viện về, đã thấy ‘như một bóng ma hiện hình, xanh xao, lom khom, run rẩy; ngay cả đôi mắt của ông, đôi mắt linh lợi, tuyệt vời đó cũng đã mờ đi ánh lấp lánh’. Có những lúc ông sợ mình đã nhầm, rằng thiên hướng của mình chỉ là ảo ảnh. Henri Maréchal, khi hồi tưởng lại những cuộc trò chuyện của mình với Berlioz vào thời gian đó, đã tin chắc rằng khả năng về sự thay đổi thị hiếu ở Paris, sự ưa thích âm nhạc của ông sau khi ông qua đời, là một cái gì đó ông không còn dự liệu được nữa: sự kết thúc, và khi nó đến, có thể sẽ là cáo chung cho tất cả, ít nhất là tại Pháp. Điều đó đã đến vào đầu năm 1869. Ông liệt giường vào tháng 1 và chìm dần vào hôn mê. Bạn bè đến thăm – gia đình Damckes, Saint-Saens, Ernest Reyer – và ông ngồi dậy để chào họ; nhưng ông không nói được và chỉ có thể mỉm cười. Mẹ kế của ông và bà Charton-Demeur, nàng Dido của ông, ở bên cạnh khi ông trút hơi thở cuối cùng vào hồi 12 giờ 30 phút ngày 8 tháng 3 năm 1869. Theo lời Reyer, lời cuối cùng ông thốt ra là: ‘Cuối cùng họ cũng chơi nhạc của tôi’.

Đôi nét về DAVID CAIRNS dịch giả bản tiếng Anh

DAVID CAIRNS (sinh năm 1926) là nhà phê bình âm nhạc chủ chốt của Sunday Times (Thời báo Chủ nhật) từ năm 1983 đến năm 1992, cũng từng là nhà phê bình âm nhạc và biên tập viên nghệ thuật của Spectator (Tạp chí Khán giả) và một cây bút trên các ấn phẩm như Times Educational Supplement (Thời báo Phụ lục Giáo dục), Evening Standard (Tạp chí Tiêu chuẩn Buổi tối), Financial Times (Thời báo Tài chính) và New Statesman (Tạp chí Chính khách mới). Từ năm 1967 đến năm 1972 ông làm việc cho chi nhánh London của Philips Records. Ông là giáo sư thỉnh giảng ưu tú tại Đại học California, học giả thỉnh giảng tại Getty Center ở Santa Monica và là giảng viên thỉnh giảng của Merton College, Oxford. Năm 1991 ông được chính phủ Pháp tặng thưởng Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp. Tập hai cuốn sách về cuộc đời Berlioz, xuất bản năm 1999, đã thắng giải Whitbread Biography Award và Samuel Johnson Non-Fiction Prize. Một vài cuốn sách khác của ông bao gồm Responses: Musical Essays and Reviews (Những phản hồi: Những bài luận và phê bình âm nhạc) và, với vai trò đồng tác giả, Chỉ dẫn opera của Đoàn Opera Quốc gia Anh cho các vở The Magic Flute (Cây sáo thần) và Falstaff . Ông cũng tích cực tham gia vào việc sản xuất âm nhạc: ông là đồng sáng lập của Chelsea Opera Group và là nhạc trưởng của dàn nhạc nghiệp dư Thorington Players.

Nguyễn Tuấn Anh dịch từ nhiều nguồn – NA9 hiệu đính