Đĩa than có làm nên âm nhạc tử tế

0
1483

Có một bài viết không ghi tên tác giả, ca ngợi một audio CD quá lố đến mức kệch cỡm đối với những người hiểu biết về kỹ thuật âm thanh và thẩm mỹ âm nhạc.

Người đọc bình thường có thể thông cảm cho hình thức quảng cáo này nhưng riêng cá nhân tôi, với tư cách là một người sáng tác, chơi nhạc và có hiểu biết về kỹ thuật mix và master âm thanh thì không thể nào chấp nhận những lời ca ngợi “mù” về kỹ thuật âm thanh và “điếc” về sáng tác, hòa âm, cách hát và chất lượng âm thanh như vậy được.

Sản xuất LP (đĩa than)

“Đĩa than là một ấn bản riêng “limited” với số lượng hạn chế dành cho những khán giả yêu nhạc và yêu thích sưu tầm âm thanh đạt chuẩn, cộng đồng audiophile tại Việt Nam” – trích bài viết trên website chính thức của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam – http://vnmusic.com.vn/p907-ra-mat-toc-ngan-acoustic-mot-ngay.html.

Đĩa than là sản phẩm thời kỳ đầu của công nghệ ghi âm, được làm bằng hỗn hợp shellac dễ mòn và ồn do rãnh ghi âm rộng. Với tốc độ là 78 vòng/phút, mỗi mặt của đĩa than với đường kính 30cm chỉ ghi được dưới 5 phút âm thanh.

Sau đó, LP bằng nhựa (vinyl LP) ra đời thay thế đĩa than. LP là viết tắt của Long Play. Với đường kính 30cm và với tốc độ 33 ½ vòng/phút, một đĩa nhựa 2 mặt này có thể ghi được khoảng 10 bài hát.

Bây giờ không còn ai sản xuất đĩa than nữa! Vậy thì đúng ra là phải nói là đĩa nhựa 33 ½ vòng/phút (LP vinyl) mới đúng.

Âm thanh analog và âm thanh digital

Điều cần phải nói rõ thêm ở đây là âm thanh được ghi âm trên đĩa nhựa là âm thanh analog vì lúc đó chưa có kỹ thuật số (digital). Sự ra đời của audio CD (compact disc) với đường kính nhỏ hơn vinyl LP đã khiến các nhà sản xuất đĩa nhạc chuyển đổi vinyl LP sang audio CD để đáp ứng nhu cầu của người nghe. Các audio CD được sản xuất từ bản gốc vinyl LP đều được ghi chú: digitally remastered (chuyển đổi lại sang kỹ thuật số).

Để có được âm thanh analog thì âm thanh phải được ghi âm trên băng từ (magnetic tape), nhưng nếu được ghi trên băng kỹ thuật số (DAT – digital audio tape) hoặc chuyển vào hard disc recorder (đầu thu đĩa cứng) qua bộ digital audio interface (bộ giao diện âm thanh kỹ thuật số) thì âm thanh không còn là analog nữa mà đã trở thành digital rồi!

Mà âm thanh, khi đã được ghi bằng kỹ thuật số, nếu được sản xuất ra đĩa nhựa (LP) thì chất lượng âm thanh chẳng khác gì so với audio CD, mà không chừng âm thanh nghe ồn hơn audio CD do âm thanh đầu kim chạy trên rãnh của đĩa nhựa.

Sự “thông minh” và hiểu biết của ca sĩ khi hát các ca khúc thuộc dòng RNB, Funk của Mỹ

Ngoài vấn đề quảng cáo sai kỹ thuật ghi âm như trên, cá nhân tôi không thể chấp nhận được cách hát nặng về kỹ thuật thanh nhạc của ca sĩ không thích hợp với chất Funk và RNB trong audio CD được quảng cáo đình đám này trên website chính thức của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam.

Nhạc Funk và RNB là đặc sản âm nhạc của Mỹ và phải được hát rất “soul” – hát với tâm hồn, hát phiêu bồng, hát theo tiết tấu của nhạc đệm chứ không phải như chỉ một cách hát và phát âm rất chuẩn, mượt mà, rất đẹp xuyên suốt trong tất cả các bài hát trong audio CD. Khi ca sĩ hát không theo tiết tấu với cảm xúc không theo màu sắc của nhạc đệm, tôi gọi cách hát này là cách hát “không thông minh”.

Có thể nhận ra sự “không thông minh” này nếu nghe cách mà ca sĩ Mỹ thể hiện các ca khúc Funk và RNB trong các audio CD của họ.

Tuy nhiên, tôi xem lỗi cách hát không thông minh dòng nhạc Funk và RNB này không phải do ca sĩ mà do nhạc sĩ dàn dựng, biên tập không hiểu cách hát dòng nhạc đầy màu sắc của Mỹ này để hướng dẫn đúng cho ca sĩ.

Nhạc Việt và chất lượng âm thanh

Về nội dung âm nhạc và chất lượng âm thanh của các ca khúc trong audio CD này, tôi có nhận xét:

– Ca từ/nội dung không phù hợp với giai điệu. Cụ thể và rõ ràng nhất là ca khúc Bão. Giai điệu và hòa âm mượt mà, mang chất tình ca nhưng ca từ thì viết về nỗi đau con người khi cơn bão đi qua.

– Giai điệu và hòa âm nghe rất Mỹ.

– Không thể gọi là acoustic được vì âm thanh không trong sáng, không rõ nét, thiếu độ nặng và dầy, giọng hát che nhạc đệm và không tạo cảm nhận cho người nghe về không gian ca nhạc – thiếu chiều sâu và độ rộng vòm của không gian biểu diễn acoustic. Có thể nghe các audio CD nhạc RNB do chính người Mỹ mix để so sánh điều này.

– Việc khoe Dough Sax làm mastering (?) cũng vô nghĩa vì khi các bản mix gốc đã không tốt thì sau khi được mastered, cũng chẳng chỉnh sửa và nâng chất lượng âm thanh cho tốt hơn được ngoài việc làm cho đồng bộ về âm lượng và âm sắc các tracks audio trong CD này.

Tóm lại, đối với tôi, việc quảng cáo “ca ngợi” về chất lượng mọi mặt của audio CD này là hoàn toàn thương mãi và làm sai lệch kỹ thuật âm thanh và thiếu tính âm nhạc tử tế.

Theo NS. Đắc Tâm (ANVN21)